Bộ Công an: Nhiều vụ giết người do mâu thuẫn đất đai, tài sản
Cập nhật: 11/07/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - "Ở đây, chúng tôi cũng xác định có một phần nguyên nhân do chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn về đất đai, tài sản".
Theo thống kê từ Bộ Công an, trong 6 năm (từ 2014-2019), toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người, trong đó có 6.571 vụ án giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%). Trong nhóm các nguyên nhân xã hội, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn thù tức (56% các vụ); giết người do ghen tuông tình ái (10%), giết người do mâu thuẫn bộc phát nhất thời (24%)...
Tính trong 6 năm, các vụ án giết người đã làm 6.188 người chết, 2.289 người bị thương. Nổi lên là tình trạng các thành viên trong gia đình giết hại lẫn nhau, con giết cha mẹ, anh chị em sát hại lẫn nhau... Phần nhiều những vụ án này có nguyên nhân do tranh chấp đất đai, mâu thuẫn thù tức kéo dài không được giải quyết.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự. (Ảnh: Trọng Phú) |
Theo Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an: Nhiều vụ án giết người gần đây là do mâu thuẫn nội bộ gia đình, không được giải quyết kịp thời, dẫn đến những hành vi bộc phát. Trong đó, nguyên nhân mâu thuẫn chủ yếu là tranh chấp đất đai, tài sản.
“Ở đây, chúng tôi cũng xác định có một phần nguyên nhân do chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn về đất đai, tài sản. Để cho mâu thuẫn âm ỉ kéo dài rồi dẫn đến những vụ án giết người, thậm chí là người thân trong gia đình sát hại nhau”. – Đại tá Phạm Văn Tám cho biết.
Đại tá Phạm Văn Tám dẫn chứng: Có nhiều vụ án thù tức, mâu thuẫn kéo dài trong gia đình mà hàng xóm xung quanh đều biết. Nhưng chính quyền địa phương lại không biết hoặc để thời gian dài không can thiệp, hòa giải. Nếu làm tốt công tác hòa giải ở từng địa phương thì số lượng vụ án giết người do mâu thuẫn chắc chắn sẽ giảm.
Bị cáo Nguyễn Văn Đông bị tuyên án tử hình vì thảm sát 4 người trong gia đình em trai ở Đan Phượng, Hà Nội. |
Bên cạnh đó, những vụ án giết người từ mâu thuẫn bộc phát nhất thời hiện chiếm 24% và đang có chiều hướng gia tăng. “Những vụ án này xảy ra từ những mâu thuẫn rất đơn giản như va chạm giao thông hay uống rượu bia. Những vụ án này thường xảy ra xuất phát từ hai phía, đôi khi các thanh niên tuổi mới lớn, tóc xanh tóc đỏ đi ra đường va chạm nhẹ cũng thành ra rút dao đâm nhau”. – Đại tá Phạm Văn Tám cho biết.
Ở một góc độ khác, các đối tượng “ngáo đá” đi sát hại người vô tội cũng là một thực trạng nhức nhối, thậm chí có thể trở thành một loại tội phạm mới. Điển hình như vụ ca sĩ Châu Việt Cường nhét tỏi giết người tình trong cơn ngáo đá; đối tượng Dương Quang Bình sau khi sử dụng "ma túy đá" đã xông vào giết em rể là NSƯT Vũ Mạnh Dũng tại Hà Nội.
Châu Việt Cường sau khi "ngáo đá" sát hại người tình. |
Những vụ án như vậy có đặc điểm chung là rất khó lường. Vì người nghiện sử dụng ma túy đá trong vòng nửa tiếng trước có thể là người bình thường, nhưng nửa tiếng sau đã mất khả năng kiểm soát hành vi và có thể trở thành tội phạm giết người bất cứ lúc nào.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, lực lượng chức năng xác định những vụ án giết người có nguyên nhân xã hội là một vấn đề nhức nhối, cần sự vào cuộc của toàn bộ máy để giải quyết. Bên cạnh các cán bộ, chiến sĩ công an là nòng cốt để xử lý mang tính chất răn đe các vụ việc, thì cũng cần đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt là việc phát hiện sớm, giải quyết các mâu thuẫn tránh để xảy ra án mạng có vai trò rất lớn của chính quyền địa phương./.
Từ khóa: giết người, Bộ Công an, mâu thuẫn xã hội, án mạng, cục hình sự
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN