Bỏ cấp huyện, quản lý thẳng từ cấp tỉnh xuống xã ra sao?

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, khi "xóa sổ" cấp trung gian, việc phân cấp, phân quyền sẽ được thực hiện trực tiếp từ tỉnh xuống xã, phường, thay vì qua cấp huyện.

Tại Kết luận số 126 ban hành ngày 14/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Cùng đó là xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã.

Cấp huyện tạo độ trễ, đôi khi thành lực cản

Trả lời Báo điện tử VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đánh giá "bỏ cấp hành chính trung gian" là xu hướng tích cực và tất yếu, bởi trên thế giới các nước đa số phát triển theo mô hình chính quyền 3 cấp.

Ông Dĩnh cho biết, hệ thống chính trị của chúng ta có 4 cấp là Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Trung ương đưa ra các thể chế về pháp luật, chính sách; về chỉ đạo thì cấp tỉnh cơ bản quyết được ngân sách, quyết cả chính sách của địa phương.

Bên cạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh còn quyết định nhiều vấn đề tự quản của địa phương. Cấp huyện đóng vai trò trung gian, truyền tải xuống cấp xã, và cấp xã mới là đơn vị trực tiếp triển khai.

"Qua cấp trung gian này có hai vấn đề đặt ra. Một là có thể tạo ra độ trễ khi phải họp hành để triển khai; hai là tạo lực cản trong quá trình phát triển bởi nhận thức của cán bộ nhiều nơi còn yếu dẫn đến sự không thống nhất, không đồng tình. Chưa kể là các vấn đề tiêu cực phát sinh. Vì vậy, bỏ cấp trung gian sẽ thông suốt từ cấp tỉnh xuống dưới cấp xã", ông Dĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Dĩnh, nếu còn cấp trung gian thì hiệu lực, hiệu quả sẽ bị hạn chế, đồng thời tạo chi phí hành chính rất lớn. Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại.

Cùng quan điểm việc bỏ cấp huyện là chủ trương phù hợp với tổ chức chính quyền các nước trên thế giới, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho hay, nhiều nước chú trọng xây dựng chính quyền hai đầu mạnh, đó là tỉnh thành mạnh và cơ sở (xã, phường) mạnh.

"Còn chính quyền trung gian ở giữa (cấp huyện) do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh nắm chính quyền ở khu vực, cơ sở đó. Đây cũng là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại", ông Đường nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, bỏ cấp huyện mang đến nhiều thuận lợi.

"Thuận lợi thứ nhất sẽ tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào đó. Đồng thời tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển. Đó là cái lợi rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng rộng lớn. Khi đó, không bị rào cản bởi ranh giới, lãnh thổ của huyện, quận, phường", ông Đường phân tích.

Mặt thuận lợi thứ 2 được GS.TS Trần Ngọc Đường chỉ ra là thu hút nguồn lực lớn hơn của cả tỉnh phục vụ cho một dự án của xã, phường.

Đặc biệt, chủ trương bỏ cấp huyện đi đúng chủ trương của Đảng là tinh giản để giảm tầng nấc trung gian, tăng ngân sách cho Nhà nước, bớt chi phí cho bộ máy của quận, huyện.

Với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, ông Đường nhìn nhận việc quản lý Nhà nước từ tỉnh đến xã thuận lợi hơn rất nhiều.

Đánh giá ở góc độ khác, theo ông Đường, bước đầu việc bỏ cấp huyện có thể tạo ra tâm lý nghi ngại, lo lắng.

"Nghi ngại, lo lắng về quản lý Nhà nước có thực hiện được không hay chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không? Những nghi ngại này từ thực tiễn sẽ giải quyết. Việc quan trọng là cần làm thế nào tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức thống nhất, thông suốt về việc nghiên cứu bỏ cấp trung gian quận, huyện", ông Đường nhấn mạnh.

Cùng bàn luận vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá: "Tôi phải dùng từ đột phá, bởi đây là điều chưa có trong tiền lệ. Bỏ cấp huyện, một cấp đóng vai trò trung gian, chỉ còn tồn tại cấp xã, cấp tỉnh và cấp trung ương thời điểm hiện tại hoàn toàn hợp lý".

Bà Nga nêu các lý do, hiện nay, người dân có thể sử dụng tính năng của chính quyền điện tử, nộp hồ sơ giao dịch một cửa. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ khi giải quyết công việc nên người dân không phải đi lại nhiều.

Trước đây, nhắc đến cán bộ cấp xã thường là cán bộ trưởng thành ngay tại cơ sở. Trình độ, năng lực của nhóm cán bộ này chưa cao nên phải có cấp trung gian (cấp huyện) chịu trách nhiệm về những công việc chính, một số việc phân cho cấp xã.

Theo thời gian, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được kiện toàn chính quy, được nâng cao năng lực và đảm đương rất tốt các quyền hạn của mình.

"Nếu bỏ cấp trung gian là cấp huyện thì việc cần làm ngay là tăng cường cán bộ cơ sở ở cấp xã, để cấp xã có đủ năng lực giải quyết vấn đề được phân cấp. Đấy là cách hữu hiệu để nâng cao năng lực từ cơ sở. Tất cả mọi việc giải quyết từ cơ sở sẽ dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn khi đưa lên cấp trung gian", bà Nga nói.

Trong khi đó, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) khẳng định, sau gần 100 năm, đơn vị quản lý hành chính nhiều cấp trung gian chính là rào cản làm chậm bước tiến trong điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo.

"Quan điểm của Đảng, Nhà nước là tất cả quyền lực đều tập trung từ dân, của dân, do dân, vì dân nên là đơn vị hành chính phải gắn với dân. Cấp huyện chỉ là một cấp trung gian", ông Cừ cho hay.

Tất cả vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với địa bàn dân cư thì cấp phường, xã thực hiện. Còn về chiến lược, về phát triển kinh tế, các doanh nghiệp rồi ở các địa phương thì cấp tỉnh là đủ.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đang cạnh tranh và hội nhập với khu vực và quốc tế thì không thể nằm ở quy mô quản lý cấp huyện. Vì vậy, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng bỏ qua đơn vị hành chính cấp huyện là hoàn toàn có cơ sở.

Luân chuyển liên thông cán bộ cấp xã và tỉnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất khi bỏ cấp huyện là phải bảo đảm cho cấp xã các điều kiện về bộ máy cũng như các điều kiện khác để bộ máy hoạt động hiệu quả.

"Khi bỏ cấp trung gian thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp cấp xã. Như vậy, đội ngũ cán bộ cấp xã cần phải được tăng cường, nhất là bổ sung các điều kiện, kinh phí, cơ sở vật chất để cấp xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tại Kết luận số 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đề cập đến yêu cầu xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã", ông Dĩnh nói.

Phân tích thêm về vấn đề bổ sung cán bộ cho cấp xã, ông Dĩnh cho biết, mới đây, tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ quy định về "cán bộ, công chức cấp xã".

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị chính sách thống nhất nền công vụ từ Trung ương đến cơ sở. Chính sách này nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, theo ông Dĩnh, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung vị trí việc làm, chế độ chính sách (tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thang bảng lương...) đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở đơn vị hành chính cấp xã.

"Đây là đề xuất quan trọng nhất để củng cố, nâng cao chất lượng cho chính quyền cơ sở đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Tức là hệ thống hành chính của chúng ta là 3 cấp thì đồng thời chất lượng đội ngũ công chức là như nhau, có thể luân chuyển, liên thông công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh và trung ương, đáp ứng được yêu cầu số lượng và trình độ", ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 33/2023 của Chính phủ (quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã; ít nhất là 18 người, cao nhất là 23 người. Cụ thể, với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người.

Ông Dĩnh cho rằng, tới đây, quy định này cũng cần phải sửa đổi theo hướng tăng thêm số lượng cho cấp xã.

"Cán bộ cấp xã phải tăng cường thêm. Cấp tỉnh cũng phải tăng lên, khi bỏ huyện thì cán bộ tỉnh xuống trực tiếp cần nhiều hơn", nguyên Thứ trưởng Nội vụ kiến nghị.

Một vấn đề khác được ông Dĩnh đề cập là phân cấp, phân quyền khi bộ máy liên thông từ tỉnh xuống xã.

"Phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với trách nhiệm, thẩm quyền. Cấp nào gần dân nhất thì trao cho thẩm quyền. Chúng ta phân cấp lâu nay cũng có thể chưa triệt để, vì phân cấp là quyền của cấp trên phân cho cấp dưới nhưng cấp trên vẫn chịu trách nhiệm nên phải có sự kiểm tra, đôn đốc.

Phân quyền phải theo phương châm như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ông Dĩnh nhấn mạnh.

Cùng bàn luận về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên thỉnh giảng Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, mục tiêu cốt lõi vẫn là phục vụ dân, doanh nghiệp.

"Việc nào cấp huyện đang làm mà gắn trực tiếp với người dân nên đưa về xã, còn việc không liên quan thì đưa lên tỉnh hoặc Trung ương. Như vậy sẽ thấy bỏ cấp huyện cũng không ảnh hưởng đến bộ máy quản lý nhà nước", ông Du nói.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này, khi một bộ phận cán bộ cấp huyện được luân chuyển về xã, nâng cao được chất lượng nhân sự, và "khi đó người nào việc ấy", gần dân hơn nên hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.

"Khi bỏ trung gian cấp huyện thì sẽ là quan hệ trực tiếp từ xã đến tỉnh. Khi đó các đầu mối quản lý các địa phương ở tỉnh sẽ nhiều hơn. Do vậy, cần phải tổ chức bộ máy sao cho khoa học và hiệu quả hơn", ông Du nhấn mạnh.

Từ khóa: Bỏ cấp huyện, Bỏ cấp huyện,quản lý thẳng từ cấp tỉnh xuống xã,phân cấp, phân quyền,Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Thể loại: Nội chính

Tác giả: anh văn - hoàng thược - hoàng bảy/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập