"Biến thể COVID-Omicron độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần" là tin giả
Cập nhật: 2 giờ trước
Bình Thuận tạm đình chỉ 3 cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Phú Yên: Tài xế không có giấy phép lái xe
VOV.VN - Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số bài đăng lan truyền các thông tin liên quan đến một loại biến chủng COVID-19 mới khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên theo chuyên gia y tế, đây là thông tin không có bằng chứng, gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, các bài đăng này chia sẻ cùng một nội dung, đó là: "Biến thể COVID-Omicron mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn cũng như lẩn tránh miễn dịch từ vaccine tốt hơn so với các biến chủng hiện nay. Điểm khác biệt, gây tử vong mà không thể phát hiện được là không ho, không sốt...
Các bài viết còn cho rằng, biến thể COVID-Omicron mới độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên dĩ nhiên có tỉ lệ tử vong cao hơn.
Mất ít thời gian hơn để đi đến tình trạng nghiêm trọng, và đôi khi không có triệu chứng gì trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Thực tế điều trị thì một số bệnh nhân nhiễm biến thể COVID-Omicron mới không bị sốt hoặc bị đau, nhưng báo cáo có viêm phổi trên phim chụp X-quang. Điều này có nghĩa là virus sẽ phát tán trực tiếp đến phổi, dẫn đến suy hô hấp nhanh, do viêm cấp tính nguy hiểm đường hô hấp, với các tổn thương nặng ở phổi do virus gây ra.
Xét nghiệm test nhanh ngoáy mũi thường âm tính với biến thể COVID-Omicron mới, và do vậy ngày càng có nhiều âm tính giả trong các xét nghiệm dịch mũi họng".
Được biết đây cũng là tin giả (fake news) đã từng xuất hiện vào năm 2022, thời điểm hiện tại, các đối tượng này đã chia sẻ lại thông tin giả này.
Theo bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội), COVID-19 là bệnh lưu hành, tuy nhiên hiện nay không có bằng chứng cho thấy omicron xuất hiện, biến đổi và lan truyền chủng mới trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Đạt, trong bối cảnh dịch bệnh hô hấp tăng nhanh, đối với trường hợp vào viện giai đoạn này chủ yếu là cúm và được xác định là cúm A, phù hợp với thời gian xuất hiện dịch cúm.
“Do đó bà con không nên hoang mang, bởi lẽ việc chúng ta lan truyền thông tin thất thiệt dẫn đến nhiều hậu quả. Một trong những hậu quả đó là một số đối tượng lợi dụng các thông tin đó để bán các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc bán các loại thực phẩm chức năng, tuyên truyền về tác dụng chữa bệnh của các sản phẩm đó. Do đó người dân dễ bị lừa dẫn đến những thiệt hại về kinh tế”, bác sĩ Đạt khuyên.
Bác sĩ Đạt cho rằng, đối với những trường hợp đưa thông tin không chính xác đó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Khi có dấu hiệu cúm, bản thân họ không cho rằng mình mắc cúm nặng và vẫn tin rằng căn nguyên lây bệnh bây giờ là do COVID-19.
Theo bác sĩ Đạt, có 2 đặc điểm khác nhau chính giữa cúm và COVID-19. Đối với COVID-19, trên 90% dân số Việt Nam đã được tiêm phòng, với cúm tỉ lệ tiêm phòng trong cộng đồng rất thấp. Do đó việc phát hiện sớm các triệu chứng của cúm cũng như chẩn đoán không được kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng và tăng nguy cơ tử vong.
Từ khóa: COVID, Biến thể COVID, Omicron, biến thể Delta, biến chủng covid-19, thông tin giả, bệnh cúm, cúm A, cúm mùa,COVID
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn hà/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN