Bị cảm lạnh nên ăn gì?
Cập nhật: 07/12/2023
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Cảm lạnh là bệnh lý phổ biến mà nhiều người dễ mắc phải, đặc biệt trong điều kiện mùa đông thời tiết lạnh giá.
Theo các bác sĩ, một chế độ ăn uống đầy đủ, bổ sung thêm các loại thực phẩm lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng bệnh tốt hơn để chống lại tình trạng nhiễm trùng, phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Tía tô: Là loại gia vị có chứa tinh dầu, có tính ấm, vị cay, dùng trị cảm mạo, đau đầu, sổ mũi rất tốt
Trứng gà: Là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người ốm. Trứng gà có đầy đủ các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất (tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng);
Rau lá xanh đậm: Nên ưu tiên ăn rau cải ngọt, bông cải xanh, xà lách, cải xoăn, rau ngót... vì chúng giàu vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng và chống nhiễm trùng cho cơ thể.
Nước ấm, mật ong và chanh: Chanh giàu vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch; nước ấm có tác dụng giữ ấm cơ thể và làm dịu cổ họng bị khô rát; mật ong kháng khuẩn và giảm ho. Người bị cảm lạnh nên uống hỗn hợp này mỗi ngày để nhanh khỏi bệnh;
Gừng: Là vị thuốc có vị cay, tính ấm, giúp làm ấm tỳ vị, làm ấm cơ thể, giải cảm tốt, phù hợp cho người bị cảm lạnh. Bạn có thể uống trà gừng, ăn cháo gừng,... khi còn nóng để tăng hiệu quả giải cảm;
Tỏi: Là gia vị chứa nhiều allicin - chất kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch và chữa cảm lạnh tốt. Bạn có thể sử dụng tỏi nấu cháo gà, xào rau hoặc ăn sống để trị cảm lạnh.
Gạo lứt: Là thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm, chất béo, tinh bột cùng các nguyên tố vi lượng (canxi, sắt, magie,...) tốt cho tim mạch, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng;
Củ cải: Củ cải trắng có chứa tinh bột, chất béo, chất xơ, canxi, photpho, sắt, vitamin B1, B2, C, PP,... Trong đông y, củ cải có tác dụng chữa ho, long đờm, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu,...;
Hành: Là gia vị phổ biến và vị thuốc có khả năng giải cảm, hoạt huyết, giúp ra mồ hôi, sát khuẩn, lợi tiểu, chữa cảm sốt và nhức đầu hiệu quả;
Cà rốt: Cà rốt là loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C và beta-carotene giúp cải thiện thị lực, tăng cường miễn dịch, bảo vệ niêm mạc ruột và chống lại vi khuẩn;
Nước ép rau củ quả: Các loại nước ép rau củ quả như cam, bưởi, táo, lê, dâu tây, cà chua,... giàu vitamin và khoáng chất, chất chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, giúp bổ sung nước, cải thiện sức đề kháng cho cơ thể;
Bệnh nhân nên ưu tiên các món mềm, dễ tiêu hóa như:
Cháo gạo lứt và tía tô: chuẩn bị nguyên liệu gồm 100g gạo lứt + 12g lá tía tô. Sau đó, bạn rửa sạch lá tía tô, đun kỹ lấy nước rồi bỏ bã; vo gạo lứt sạch, cho gạo vào nước tía tô, nấu thành cháo nhuyễn. Mỗi ngày người bệnh ăn cháo nóng 2 lần vào buổi sáng và buổi tối;
Cháo trứng gà: chuẩn bị nguyên liệu gồm 50g gạo tẻ + 1 quả trứng gà + 30g lá tía tô + 1 củ hành tím + 3 lát gừng tươi. Sau đó, bạn vo gạo, nấu cháo chín nhừ rồi cho lòng đỏ trứng gà vào, đánh tan. Tiếp theo, cho lá tía tô, hành củ thái nhỏ và gừng vào, khuấy đều, nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Ăn khi nóng, nếu ra mồ hôi thì lau khô rồi nằm nghỉ ở nơi kín gió;
Cháo hành & gừng: chuẩn bị nguyên liệu gồm 60g gạo + 6 nhánh hành cả rễ + 6 lát gừng tươi. Sau đó, bạn vo gạo, nấu thành cháo nhuyễn; cho thêm gừng, hành vào, đun thêm 1 lúc nữa thì cho thêm chút đường. Cuối cùng, bắc cháo ra, ăn nóng để toát mồ hôi, giải cảm lạnh.
Lưu ý: Người bị cảm lạnh nên hạn chế thực phẩm nhiều muối (đồ hộp), protein, cafe, trà đặc... hay đồ ăn sống, món ăn lạnh vì chúng dễ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa và hệ hô hấp của bệnh nhân, khiến bệnh lâu khỏi hơn. Đồng thời, bệnh nhân nên giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái cho tới khi hết bệnh.
Từ khóa: cảm lạnh, ho, sốt, cúm, cúm mùa, hệ miễn dịch, vi khuẩn,đề kháng
Thể loại: Y tế
Tác giả: ctv gia khánh/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN