Bệnh viện phía Nam vận dụng AI nâng cao quản lý chất lượng

Cập nhật: 12/09/2024

VOV.VN - Mới đây, tại Hội nghị Khoa học thường niên (ACP) lần thứ 8 năm 2024, do Tập đoàn Y tế Phương Châu phối hợp Sở Y tế Cần Thơ tổ chức, hơn 1.000 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, chuyên gia đầu ngành và bác sĩ sản khoa đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích nhằm giảm thiểu trường hợp tử vong mẹ mỗi năm.

 

Với chủ đề “An toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa - mang đến trải nghiệm y tế xuất sắc cho cộng đồng”, Hội nghị có 68 đề tài thuộc 6 lĩnh vực: Sản - Phụ khoa, Hiếm muộn, Nhi Khoa, Đa khoa, Điều dưỡng, Quản lý chất lượng và vận hành bệnh viện. Các phiên chủ đề đa dạng, cập nhật các kiến thức mới nhất và những giải pháp hiệu quả cho thực tiễn lâm sàng, mang đến nhiều giá trị hữu ích cho đội ngũ nhân viên y tế.

Điểm đặc biệt năm nay có các phiên thảo luận chuyên sâu về công nghệ mới như AI và Big Data trong chăm sóc thai kỳ, như: Ứng dụng công nghệ AI trong chẩn đoán sớm biến chứng thai kỳ - Giúp phát hiện và can thiệp kịp thời các rủi ro cho mẹ và bé; Phương pháp sinh thường an toàn dưới sự hỗ trợ của đa chuyên khoa - Nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng tỷ lệ thành công; Chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho mẹ và thai nhi - Giúp tối ưu hóa sức khỏe của cả hai thông qua dinh dưỡng hợp lý...

BS.CKII Nguyễn Duy Linh - Giám đốc chuyên môn Tập Đoàn Y Tế Phương Châu nhận định, việc thảo luận và thực hành tại chỗ giữa các chuyên gia trong - ngoài nước trên nhiều lĩnh vực như sản phụ khoa, nhi khoa, chăm sóc sơ sinh vô cùng cần thiết, giúp nhiều bác sĩ hiểu kỹ hơn sự quan trọng, nhanh chóng của hoạt động tầm soát biến chứng trước thai kỳ bằng việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất.

“Ngoài hoạt động của khối chuyên môn tốt thì khối vận hành cũng đóng vai trò rất là quan trọng, đặc biệt là trong các hệ thống. Ví dụ hệ thống IT phải vững mạnh, hệ thống quản lý chất lượng phải tốt, hệ thống quản lý bệnh viện phải xuất sắc,… và chúng ta phải phối hợp làm sao tất cả hệ thống vận hành và chuyên môn chạy một cách trơn tru. Có như vậy mới đem đến an toàn về mặt chuyên môn và giảm thiểu rủi ro một cách thấp nhất”, BS. Nguyễn Duy Linh cho hay.

“Quản lý chất lượng và vận hành bệnh viện” cũng là chủ đề được quan tâm thảo luận nhiều. Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, với xu thế phát triển của ngành y tế trong thời đại 4.0, công tác này càng được coi trọng và là hoạt động xuyên suốt của các cơ sở y tế.

Cụ thể, Ths Nguyễn Phạm Hoàng Lan – Tập đoàn Y tế Phương Châu và Ths Điền Ngọc Trang – Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM cùng chung quan điểm, nhờ vận dụng dữ liệu Big Data và AI trong việc đặt lịch khám bệnh và quản lý thông tin bệnh nhân; xây dựng mô hình khảo sát chất lượng bằng một cái “quẹt tay” trên smartphone mà bệnh viện đã chăm sóc người bệnh tốt hơn. Ngoài ra, mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm dựa trên nền tảng số đã làm hài lòng bệnh nhân về sự tôn trọng, được lắng nghe từ những điều nhỏ nhất.

Việc quản lý trên không gian mạng cũng đã giúp ngành Y tế Cần Thơ từng bước sử dụng hiệu quả hệ sinh thái ứng dụng các tiện ích y tế thông minh, hướng đến sự hài lòng của người sử dụng như: triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ sức khỏe tại 106 cơ sở y tế trên địa bàn từ tháng 3/2023; một số đơn vị đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh online qua điện thoại, website...

Từ hiệu quả mô hình quản lý được các bệnh viện áp dụng, bà Thạch Thị Đa Quy – Kỹ thuật viên xét nghiệm tại Bệnh viện da liễu TP. Cần Thơ cho biết: “Từ khi Bộ Y tế ban hành thông tư về quản lý chất lượng bệnh viện và Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam năm 2016 với 83 tiêu chí, đến nay thực tiễn đã chứng minh các đơn vị thực sự có quan tâm cải thiện chất lượng bệnh viện và từng bước đạt được những kết quả tích cực trong các hoạt động. Tham gia Hội nghị hôm nay, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia để đem về triển khai công tác quản lý, vận dụng tại đơn vị của mình. Đồng thời đưa ra được những vấn đề còn vướng mắc và đề ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới”.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023 có khoảng 295.000 trường hợp tử vong mẹ mỗi năm, song những quốc gia có hệ thống y tế đa chuyên khoa phát triển đã giảm thiểu đáng kể tỷ lệ này.

Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ nhận định, Hội nghị khoa học ACP tổ chức thường niên 8 năm qua đã trở thành một diễn đàn khoa học uy tín, là cầu nối để các nhà khoa học, bác sĩ và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước cùng học hỏi, cập nhật những kiến thức y khoa mới nhất. Đồng thời, các nghiên cứu hợp tác, ứng dụng những tiến bộ mới nhất vào thực tiễn lâm sàng góp phần thúc đẩy chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế phía Nam.

 “Năm nào chúng ta cũng tổ chức Hội nghị khoa học này và đây là dịp để tất cả nhân viên y tế ngồi lại với nhau, học tập, trao đổi kinh nghiệm không chỉ trong nước mà còn với chuyên gia quốc tế. Có thể nói hoạt động nghiên cứu khoa học và Đào tạo nghiên cứu khoa học luôn luôn đồng hành với ngành Y tế chúng ta. Nhu cầu được học tập, được nghiên cứu là nhu cầu của mỗi người nhân viên y tế, bởi vì chúng ta chọn cách ngành này – là ngành khoa học. Nếu như không có nghiên cứu khoa học, không có đào tạo liên tục thì sẽ không có nền y học ngày hôm nay”, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga chia sẻ thêm.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp công nghệ đang góp phần thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo giới chuyên gia, AI rất phù hợp để phân tích các dữ liệu lâm sàng và đưa ra các giải pháp giúp tối ưu quá trình chăm sóc sức khỏe. Do vậy, việc thảo luận sâu vấn đề dữ liệu Big Data và AI tại Hội nghị khoa học ACP năm 2024 tiếp tục đóng góp thông tin thiết thực cho cộng đồng y khoa trong việc định hình các tiêu chuẩn chăm sóc y tế chất lượng cao, hướng đến mục tiêu an toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa 4.0.

Từ khóa: ai, bệnh viện phía nam, vận dụng ai, nâng cao quản lý chất lượng, giảm thiểu tử vong mẹ

Thể loại: Y tế

Tác giả: hồng phương/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan