Bê bối chính trị mới nhất có làm thay đổi cục diện chính trị Nhật Bản?

Cập nhật: 19/06/2020

VOV.VN - Hôm 18/6, vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai đã bị bắt giữ do bị tình nghi mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2019.

Ông Kawai cũng là một nhân vật thân cận với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Đây là bê bối chính trị mới nhất giáng thêm một đòn mạnh vào uy tín của ông Abê vốn đã giảm mạnh trong thời gian gần đây do sự bùng phát của đại dịch Covid 19. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu bê bối chính trị này có là bước ngoặt đối với “triều đại của thủ tướng cầm quyền lâu nhất Nhật Bản”.

be boi chinh tri moi nhat co lam thay doi cuc dien chinh tri nhat ban? hinh 1
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Katsuyuki Kawai. Ảnh: Reuters.

Tỉ lệ ủng hộ chính phủ giảm mạnh

Trong cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất hãng tin Kyodo hồi cuối tháng 5, tỷ lệ ủng hộ Nội các chỉ đạt 39,4%, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 40% kể từ tháng 5/2018. Trong khi đó, tỉ lệ không ủng hộ đã tăng lên 45,5%.

Thủ tướng Abe đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hàng loạt các sự việc, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Covid-19, làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với sự lãnh đạo và điều hành của chính phủ.

Nhiệm kỳ chủ tịch Đảng Tự do dân chủ (LDP) cầm quyền của ông Abe sẽ kết thúc vào cuối năm sau. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Abe chỉ còn ngần đó thời gian giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản nếu LDP không thay đổi các qui định về thời gian đảm nhiệm vị trí tối đa của Chủ tịch Đảng. Các nhà phân tích chính trị đánh giá việc lấy lại niềm tin của công chúng đang trở nên khó khăn hơn trước.

Giới quan sát nhận định dịch Covid 19 gây thêm nhiều bất lợi

Giáo sư Tomoaki Iwai thuộc Đại học Nihon cho rằng, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy chính quyền đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Trong khi tỉ lệ ủng hộ ngày một giảm thì nội các cũng không có phương hướng nào để giải quyết ngoài việc tập trung duy trì tình trạng hiện nay. Phương án giải tán Hạ viện, tổ chức tổng tuyển cử sớm đã bị loại trừ do tỉ lệ ủng hộ thấp. Trong khi đó, thúc đẩy ngoại giao không thể triển khai được do dịch Covid 19.

Kể từ khi quay lại cầm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng tương đối mạnh mẽ, trong khi đó các đảng phái đối lập phân tán, suy yếu rõ rệt.

Năm 2019, Thủ tướng Abe cũng đã vượt qua cáo buộc của phe đối lập cho rằng ông Abe sử dụng sai công quỹ để tổ chức bữa tiệc ngắm hoa anh đào cho các cử tri trung thành. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã thay đổi cục diện khi cử tri quan tâm nhiều hơn đến những gì chính quyền đang làm để bảo vệ sinh kế và cuộc sống của họ.

Giáo sư tâm lý chính trị Hiroshi Hirano thuộc Đại học Gakushuin cho rằng sau khi dịch bùng phát, những người được yêu cầu phải làm việc ở nhà có nhiều thời gian theo dõi tin tức hơn. Điều đó đã thay đổi đánh giá của họ về chính quyền Abe.

Có quá nhiều tin tức bất lợi cho chính phủ hiện nay từ chương trình phân phát khẩu trang bị chỉ trích về chất lượng, giao hàng chậm cho tới hình ảnh ông Abe ở nhà thư giãn bên chú chó cưng. Mặc dù, thông điệp dự định của hình ảnh đó là kêu gọi người dân hãy ở nhà.

Những phản ứng trong nội bộ Đảng LDP cầm quyền

Những thay đổi chính sách bất ngờ thậm chí gây phản ứng cả ở trong nội bộ LDP. Do áp lực từ đảng Komeito, đối tác liên minh cầm quyền, ông Abe đã quyết định trợ cấp tiền mặt 100.000 yên (tương đương 935 USD). Hay việc, chính phủ tuyên bố dừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối đất Aegis Ashore do vấn đề kỹ thuật và chi phí chỉ vài ngày trước khi kỳ họp quốc hội kết thúc vào ngày 17/6.

Một nhà lập pháp LDP nhấn mạnh chúng tôi muốn chính phủ tham khảo ý kiến trước khi đưa ra quyết định.

Giáo sư Hirano cho biết các cử tri có xu hướng sử dụng các tiêu chí như "liêm chính, đồng cảm, kỹ năng lãnh đạo và chính sách" khi đánh giá một nhà lãnh đạo chính trị và “sau chuỗi sự kiện gần đây diễn ra, có những dấu hỏi trên cả bốn tiêu chí này”. Ông cũng nhận định "Thật khó kết luận liệu đây có phải là khởi đầu cho một xu hướng giảm của tỉ lệ ủng hộ hay chỉ là tạm thời, nhưng một chu kỳ tiêu cực có thể đang bắt đầu."

Ai có khả năng thay thế nếu Thủ tướng Abe thoái lui

Ông Abe ngày 18/6 nói rằng sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ khác với tư cách là chủ tịch LDP sau tháng 9/ 2021. Dư luận Nhật Bản đang ngày càng chú ý đến việc ai sẽ là người kế nhiệm ông và sẽ có những thay đổi nào trong cán cân sức mạnh của LDP.

Đối thủ lâu năm của ông Abe, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba đang nổi lên với tư cách là nhân vật có khả năng nhất trong cuộc chạy đua vào vị trí Chủ tịch LDP nếu ông Abe quyết định thoái lui. Ông Ishiba đã thất bại trước ông Abe trong hai cuộc bầu cử chủ tịch LDP gần đây. Dư luận cho rằng ông này đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ của các phe phái khác trong đảng cầm quyền.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản gần đây nhấn mạnh việc cần thiết phải phân cấp tại Nhật Bản, trao nhiều quyền lực hơn cho chính quyền các địa phương.

Mặc dù Thủ tướng Abe nói rằng không muốn giải tán Hạ viện cho một cuộc bầu cử cho đến bây giờ nhưng một số nghị sỹ của đảng cầm quyền và đảng đối lập lại cho rằng tổng tuyển cử có thể diễn ra ngay trong vào mùa thu năm nay Nếu điều này xảy ra nó sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chạy đua vị trí chủ tịch LDP tiếp theo. Để chuẩn bị cho khả năng đó, một nghị sỹ thuộc phe của ông Ishiba cho biết "Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị".

Quyết định của Thủ tướng Abe

Trong quá khứ, đã rất nhiều lần Thủ tướng Abe vượt qua những thời điểm khó khăn với kinh nghiệm của một chính trị gia lão luyện. Dư luận Nhật Bản chưa thể nắm bắt được suy nghĩ của ông với tuyên bố rằng ông chưa nghĩ tới việc giải tán Hạ viện tuy nhiên sẽ không ngần ngại làm điều đó vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, ông Abe khẳng địn: "Trong quá khứ, chúng ta đã thấy các thủ tướng khác nhau mỗi năm. Nhưng tôi vẫn còn một năm và ba tháng nữa trong nhiệm kỳ và tôi sẽ cống hiến hết mình"./.

Từ khóa: Bê bối chính trị, Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai, bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập