Bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả, hàng nhái dịp Tết
Cập nhật: 03/02/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Các sản phẩm càng bán chạy, các thương hiệu càng nổi tiếng lại càng bị làm giả, làm nhái nhiều-đó là thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Mỗi dịp Tết nguyên đán cận kề, vấn nạn này càng nhức nhối.
Anh Nguyễn Văn Đức, ở Đông Anh, HN tự tay bóc ra một hộp bánh giả thương hiệu Hura của công ty cổ phần Bibica. Hình ảnh ngoài bao bì là bánh có nhân kem, vị dâu, nhưng bên trong là mấy cái bánh quy, ngả sang màu vàng cháy. Anh còn được "khuyến mại" thêm 1 tấm bìa dầy, để đủ trọng lượng được là 450gram. Anh Nguyễn Văn Đức đã từng nghe nhiều đến chuyện làm giả, làm nhái thực phẩm, nhưng không nghĩ họ có thể làm một cách trắng trợn, công khai và bất chấp như thế.
Theo đánh giá của các cơ quan chức nặng, thực trạng làm giả các thương hiệu bánh kẹo đang ngày một trở nên tinh vi. Họ in hình trên bao bì giống hệt thương hiệu thật, nhưng tên sản phẩm lại được nhái na ná bằng cách thêm 1 hoặc 2 chữ cái vào. Chẳng hạn: bim bim Oishi thì sản phẩm giả sẽ bớt đi 1 chữ I là oshi. Nhiều gói bánh Choco-Pie bị nhái thành Choco-Pai, bánh kẹo Danisa thành Damisa, Kitkat thành Kitket... Khi được hỏi, những người bán hàng thản nhiên cho rằng: họ chỉ là người nhập hàng, không biết gì hết. Người mua ham rẻ thì phải chịu.
Nếu như một hộp bánh Choco-Pie 12 chiếc có giá dao động từ 45.000 - 55.000 đồng, thì nhiều người bán chỉ với giá một nửa. Bánh Danisa cũng vậy, thậm chí một số nơi còn bán với hình thức tinh vi hơn. Để tránh cho người tiêu dùng nghi ngờ, phát hiện là mẫu mã giả, nhái, gian thương chỉ bán thấp hơn đôi chút. Nếu một hộp bánh quy bơ Danisa 681g có giá trên thị trường từ 175.000 - 190.000 đồng, thì mẫu mã giả được bán với giá khoảng 130.00 đồng - 140.000 đồng.
Việc ăn phải những loại bánh giả, nhái này sẽ gây ra nguy cơ rất lớn với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có thể chứa nhiều các chất độc hại như: Chất Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư; chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư; hay chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản, kiệt quệ các tế bào não...
Và còn có một thiệt hại nữa lớn không kém đó là sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc xây dựng một thương hiệu đã là rất khó và bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành cũng không dễ.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020 trong đó có chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân là 200 triệu đồng, với tổ chức là 400 triệu đồng. Ngoài ra, còn phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 24 tháng. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhái này được cho là phù hợp. Vấn đề là ở lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nhân và kinh doanh biên mậu VN thẳng thắn: các lực lượng đấu tranh phải quán triệt làm việc theo đúng chuẩn mực, không nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thiết phải thiết lập kênh phân phối, để tránh cho các đối tượng trục lợi, làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Người tiêu dùng lâu này thường đơn giản trong việc mua bán, bảo vệ quyền lợi, chính vì vậy, trước khi mua hàng dù mua ít hay nhiều, giá trị cao hay thấp thì phải tìm hiểu sản phẩm đó là của doanh nghiệp nào, xem xét bao bì, nhãn mác có đúng không. Đặc biệt, khi giá thành rẻ một cách bất ngờ thì phải đặt câu hỏi.
Từ khóa: hàng giả, hàng nhái, thương hiệu, Tết Nguyên Đán
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2