Băn khoăn khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện của Cao Bằng

Cập nhật: 10/01/2020

VOV.VN - Nhiều đại biểu băn khoăn khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng là Trà Lĩnh, Thông Nông, Phục Hòa vào 3 huyện liền kề.

Chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cuối chiều nay phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp.

ban khoan khi sap nhap mot so don vi hanh chinh cap huyen cua tinh cao bang hinh 1
Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận việc xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 18 tỉnh, thành phố là: Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 4 đơn vị. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 223 đơn vị, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị. Ngoài ra , Chính phủ đề nghị thành lập mới 43 đơn vị hành chính ở đô thị.

Việc giảm các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn khi sáp nhập một số đơn vị hành chính sẽ gây xáo trộn lớn, đặc biệt là việc thực hiện sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng là Trà Lĩnh, Thông Nông, Phục Hòa vào 3 huyện liền kề. Việc này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, vấn đề sắp xếp cán bộ dôi dư. Đặc biệt, những huyện này đều là huyện biên giới nên cần phải thận trọng.

ban khoan khi sap nhap mot so don vi hanh chinh cap huyen cua tinh cao bang hinh 2
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến: “Chúng ta có những bước đi mà giai đoạn sau còn làm, giai đoạn này làm cơ bản đã, còn để tổng kết rút kinh nghiệm. Theo tôi, có thể sáp nhập huyện Thông Nông với Hà Quảng trước bởi hai đơn vị này cũng nhỏ. Còn Trà Lĩnh, Phục Hòa, Trùng Khánh nên tạm thời để lại để làm các bước sau. Việc này vừa thận trọng, đồng thời cũng đỡ cho gánh nặng, xáo trộn của Cao Bằng, một tỉnh miền núi biên giới còn nghèo, còn nhiều khó khăn”.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo cho biết:“Đối với ý kiến nhân dân, cơ bản qua lấy ý kiến đồng thuận thì từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh đạt trên 95% đồng thuận. Những vấn đề băn khoăn trong cuộc họp hôm nay, chúng tôi cũng đã có ý kiến, đã bàn và trả lời ý kiến cử tri trong rất nhiều cuộc họp của tỉnh. Tất nhiên là trong quá trình khi chúng ta sáp nhập còn có những khó khăn nhất định từ con người, sắp xếp trụ sở phải có thời gian nhất định, đó là lộ trình”.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, có những xã miền núi không đủ tiêu chuẩn phải sáp nhập mà vẫn tiến hành sáp nhập sẽ là khiên cưỡng.

Đối với việc giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến:“Vấn đề liên quan đến 3 xã của huyện đảo Lý Sơn chúng ta giải thể theo mô hình một cấp, tôi thấy trong báo cáo thẩm tra nên cụ thể thêm vì có những việc mình chưa biết, giải thể như thế thì Hội đồng nhân dân sẽ như thế nào hay sắp xếp cán bộ ra sao. Chúng ta phải chuẩn bị cho những việc này, nó rất hệ trọng. Những gì liên quan tới lãnh thổ, đơn vị hành chính, con người rất là phức tạp. Tôi đề nghị cũng cân nhắc rất thận trọng cho chính xác, không để xảy ra sai sót”.

ban khoan khi sap nhap mot so don vi hanh chinh cap huyen cua tinh cao bang hinh 3
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên họp.

Trả lời nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Hiện đã thực hiện sắp xếp được 18 tỉnh, thành phố, còn lại 6 tỉnh, thành phố nữa, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để trình ra phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 2 tới để thực hiện sắp xếp xong các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Đối với việc sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện xuống thành 3 đơn vị hành chính cấp huyện ở tỉnh Cao Bằng, có một số yếu tố cần phải cân nhắc thêm, hiện tại quyết định sắp xếp trước 2 huyện Thông Nông và Hà Quảng.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị kết thúc phiên họp này, Chính phủ, Thường trực các ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật: Luật giám định tư pháp, Luật hòa giải tại tòa và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, trừ trường hợp tỉnh Cao Bằng. Các tỉnh chưa sắp xếp, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu cùng với 4 huyện của Cao Bằng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất vào phiên họp tháng 2 tới”./.

Từ khóa: sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp 41

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập