Bán hàng đa kênh duy trì sức cạnh tranh
Cập nhật: 29/03/2020
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1
Nhận định chứng khoán 16/1: VN-Index có thể sẽ thử thách mức 1.240 điểm
VOV.VN - Nắm bắt xu hướng tiêu dùng giúp nhiều cửa hàng kinh doanh bán lẻ có doanh thu ổn định và còn tăng trong những ngày Covid-19 lan rộng.
Sau khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm thứ 17 ngày 6/3, do tâm lý hoang mang, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tuy nhiên, tình trạng đó diễn ra chỉ vài ngày. Theo đánh giá, Việt Nam là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp nhẹ với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản, đường, sữa, dầu ăn...
E ngại dịch bệnh
Năm 2020, sản lượng thóc đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19 - 20 triệu; thịt gia súc, gia cầm ước đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn thịt các loại đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm; tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40 - 50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu... Vì thế, người dân tin tưởng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng giúp nhiều cửa hàng kinh doanh bán lẻ có doanh thu ổn định và còn tăng trong những ngày Covid-19 lan rộng. |
Tuy nhiên, dịch Covid-19 lan rộng khiến nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Theo khảo sát, tại các chợ dân sinh, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ các mặt hàng thiết yếu sức mua tăng mạnh. Đặc biệt, những sản phẩm phòng dịch, thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, tăng sức đề kháng được thống kê vào danh sách sản phẩm khách hàng lựa chọn hàng đầu.
Ông Hà Duy Thắng, quản lý chuỗi Nông sản sạch Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ: “Các thực phẩm bổ dưỡng như cá hồi, gà ác, thịt bò,... hay các loại quả giàu vitamin như cam quýt trong thời gian này số lượng chuỗi bán ra tăng từ 2 - 4 lần so với trước đây”. Ông Thắng cho biết thêm, người tiêu dùng cần sự tiện lợi trong phòng chống dịch nên thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, đồ khô... cũng được ưa chuộng.
Bên cạnh đó là sự chuyển biến trong việc lựa chọn các kênh mua sắm của người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ, người dân tránh tiếp xúc đám đông để hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh nên rất nhiều người chọn hình thức sắm trực tuyến (online), hoặc gọi điện thay vì đến tận chỗ bán lựa chọn như trước đây.
Bà Lưu Thị Hòa, chủ cửa hàng Đặc sản vùng cao về bản, 192 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Trước đây khách online và khách trực tiếp đến cửa hàng mua có số lượng ngang nhau. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid xảy ra, khách đặt hàng thông qua online tăng mạnh. Vẫn có khách đến cửa hàng nhưng số lượng rất ít”.
Còn đối với Không gian sản phẩm bền vững Xứ sở Dế Mèn, mô hình phân phối thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm thiết yếu trực tuyến theo đặt hàng, bà Tô Thị Quỳnh Mai, Giám đốc cho biết: “Số lượng khách hàng trong tháng qua tăng khoảng 150%”.
Để “giữ chân” khách hàng?
Để đáp ứng nhu cầu, chuỗi Nông sản sạch Hạ Long, Quảng Ninh mạnh dạn thuê đầu bếp để chế biến sẵn phục vụ khách hàng mỗi ngày một món an toàn, giàu dinh dưỡng như gà ác hầm, vịt trời om nước dừa, gà hấp muối... Bên cạnh đó, các thực phẩm như rau, củ, quả hay sản phẩm sơ chế vẫn được chuỗi duy trì với nguồn hàng ổn định, dồi dào.
Điều đặc biệt, chuỗi tăng cường hình thức khách đặt hàng qua điện thoại, online và hàng được giao trực tiếp đến tận nhà và miễn phí ship, không tăng giá sản phẩm. Ông Hà Duy Thắng, quản lý chuỗi cho biết: “Trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi cố gắng đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong việc phòng chống dịch bệnh. Thông tin về nguồn gốc sản phẩm và các tiêu chuẩn an toàn của thực phẩm được đăng tải công khai trên facebook để người tiêu dùng yên tâm đặt mua sản phẩm”.
Có lẽ vì những thay đổi mang tính thích ứng này mà dù lượng khách đến chuỗi mua trực tiếp giảm mạnh nhưng chuỗi vẫn “giữ chân” được khách hàng. Được biết, chuỗi vẫn giữ vững doanh thu bằng thời điểm khi chưa có dịch Covid-19. Thậm chí có những ngày doanh thu đạt trên 200 triệu đồng, tăng từ 30% - 35% so với trước đây.
Theo chia sẻ của bà Lưu Thị Hòa, chủ cửa hàng Đặc sản vùng cao về bản, trong những ngày dịch cao điểm, cửa hàng hỗ trợ khách bằng việc vừa giảm giá vừa miễn phí ship. Cùng với đó là việc gia tăng số lượng cũng như đảm bảo chất lượng các thực phẩm hỗ trợ phòng dịch. Cũng theo bà Hòa, đây chính là cơ hội để cửa hàng củng cố và đánh giá được niềm tin của khách.
Còn Không gian sản phẩm bền vững Xứ sở Dế Mèn triển khai các hoạt động như cập nhật các kiến thức và sản phẩm phòng dịch theo tiêu chí “ăn sạch, sống xanh”; tăng cường nhân viên giao hàng để khách có thể nhận hàng nhanh chóng, kịp thời; tinh gọn các khâu để giảm giá thành sản phẩm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dịch Covid-19 chỉ giúp xu thế mua hàng trực tuyến, nhu cầu về sự tiện lợi diễn ra sớm hơn, bởi đây là xu hướng tất yếu. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp bán lẻ, bán lẻ trực tuyến đã và đang mang lại doanh thu cao. Áp dụng công nghệ trong kinh doanh đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và bán hàng online, đây là điều các doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt để duy trì sức cạnh tranh./. DN nhỏ và vừa khó trụ vững nếu đại dịch Covid-19 kéo dài
Từ khóa: Covid-19, dịch Covid-19, bán hàng đa kênh, kinh doanh bán lẻ, bán hàng online
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN