Bám sát các chỉ tiêu của Quốc hội, tạo đột phá trong triển khai nhiệm vụ
Cập nhật: 05/01/2022
(VOV5) -Năm 2022, Chính phủ xác định triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ Việt Nam xác định năm 2022 phải tận dụng tốt mọi cơ hội để phục hồi tăng trưởng, đạt những mục tiêu phát triển mà kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đề ra. Vì vậy, ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, Chính phủ tiến hành một loạt hoạt động thể hiện quyết tâm này.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai kết luận của trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Năm 2022, Chính phủ xác định triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%.
Bám sát các chỉ tiêu của Quốc hội, tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ
Ngày 5/1, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai kết luận của trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu phải chỉ ra được nguyên nhân và giải pháp triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022: Thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tôi đề nghị tập trung vào những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; tập trung bàn về phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được sự đột phá, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022
Về nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến kinh tế, Chính phủ xác định tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững. Cụ thể, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đồng thời, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhóm giải pháp tiếp theo đó là phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, ngày 4/1, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết. Nếu được thông qua, Chương trình sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Lần này Chính phủ rất kiên quyết, mạnh mẽ để đưa ra chính sách tài khóa tiền tệ cho việc phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Chính phủ cũng đưa ra rất cụ thể những đối tượng bị ảnh hưởng mà cần sự hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng như chính sách tiền tệ. đó là việc xât dựng nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Lan tỏa tinh thần chủ động, hành động quyết liệt tới các địa phương
Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra 82 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực bên cạnh 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Đồng thời, triển khai nhất quán từ Trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sau dịch bệnh.Quan trọng hơn, lãnh đạo Chính phủ lan tỏa tinh thần chủ động, hành động của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội trở thành sự chuyển động quyết liệt của 63 địa phương. Bởi, khi cả 63 tỉnh, thành thực sự chuyển động thì các chương trình, chính sách hỗ trợ mới thực sự phát huy tác dụng; đất nước mới thực sự bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển.
Những kết quả tăng trưởng tích cực của Việt Nam xuất hiện từ cuối năm 2021 cho thấy Chính phủ đã kiểm soát tốt tình hình và sẵn sàng triển khai nhiều hoạt động cải cách, đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Việc Chính phủ hành động khẩn trương, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2022 để triển khai thực hiện những mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho thấy quyết tâm đưa đất nước phát triển trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID – 19.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, kinh tế xã hội, chỉ tiêu, Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5