Bài 1: Cứu cây là cứu đói
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - “Đại hồng thủy” là cụm từ diễn tả đúng nhất về sức tàn phá của bão số 3 (Yagi) đối với tỉnh Yên Bái. Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng kinh nghiệm vượt lũ “dày dạn”, Yên Bái đã nhanh chóng đứng dậy sau lũ. Đặc biệt, những Nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành kịp thời sau lũ đã tạo động lực để người dân vùng lũ vượt khó, vươn lên.
Bắt đầu từ đêm 9/9, khi hoàn lưu bão số 3 ập đến Yên Bái, mưa như thác đổ, đất đá sạt lở khắp nơi, lũ từ thượng nguồn đổ về ầm ầm. Dọc một dải trải dài đôi bờ sông Thao, từ thành phố Yên Bái lên các huyện Trấn Yên, Văn Yên chỉ thấy một màu đỏ quạch của nước lũ. Lũ đã làm 54 người chết và nhiều người bị thương; trên 27.000 ngôi nhà bị thiệt hại; cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc bị hư hỏng đồng loạt, thiệt hại ước tính khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp của bà con với hàng nghìn ha lúa, hoa màu gần như mất trắng do bị ngập sâu nhiều ngày.
- Bà tên là Nguyễn Thị Lý, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, nhà bà mất 4 sào lúa, 2 sào ngô, 1 sào rau, tất cả là 7 sào, không còn tí nào. Cả 4 tạ ngô phơi khô rồi cất lên gác xép cũng mất hết.
Rau màu khi bị mất thì đang ở giai đoạn nào vậy bà?
Rau đang bắt đầu hái bán. Lúa thì đang vào trắc rồi, sắp được gặt.
- Tôi là Trần Thị Vui, Chi hội phụ nữ thôn Thịnh Bình, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên bị thiệt hại hoa màu, đao và lúa.
- Cả chi hội mình có bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng?
- Hội viên chúng tôi bị thiệt hại nhất là cây hoa màu, nhà ít nhất là 3 sào trở lên, có nhà 1 mẫu, nhà hơn 1 mẫu...
Tôi tên là Hoàng Tùng, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên
- Nhà chú có bao nhiêu diện tích bị thiệt hại?
- 1 mẫu 2 tất cả, chết hết như này, không còn tí nào hết. 8 sào ao cá cũng đi hết.
- Tình hình như này thì theo chú năm nay thu nhập sẽ như thế nào?
- Bây giờ không biết nữa. Thu nhập chẳng bằng cách gì được, phải đi làm thuê thôi, ở đâu thuê thì đi làm thôi.
Nước rút, bùn đất ngập ngụa, người dân Yên Bái quên đi mệt mỏi, nhọc nhằn sau những ngày dài chạy lũ, quay về cứu chữa các cánh đồng tan hoang. Với họ, chủ động cứu cây trồng là cứu đói cho thời gian dài trước mắt.
“Cống này trước bằng mặt ruộng, sau khi ngập thì hai bên đều cao hơn 40cm, cống bị âm ở dưới. Chúng tôi phải dùng mọi biện pháp, bà con tập trung lại mới có thể chảy được. Cứu được những tràn dâu này thì mới có nguồn sống cho bà con”.
“Đầu tiên là phải thoát nước để không bị úng, sau đó thì áp dụng các biện pháp kĩ thuật trong chăm sóc để khôi phục lại những diện tích mà có khả năng khắc phục được”.
“Chỗ nào quá bùn mà không cải tạo được thì mình phải tính trồng cái gì hợp lí cho thời gian tới”.
Ngay sau lũ, giữa bộn bề công việc, ngày 30/9, HĐND tỉnh Yên Bái khóa 19 đã triệu tập Kỳ họp 19, nhanh chóng thông qua Nghị quyết số 77 quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3, nỗ lực trợ giúp "bà con nông dân một tay" trong việc đưa màu xanh trở lại các cánh đồng.
- Đối với diện tích lúa thuần, lúa lai bị thiệt hại trên 70% mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70% hỗ trợ 5 triệu đồng/ha;
- Diện tích ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 đến 70%, hỗ trợ mức 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ diện tích cây dâu tằm bị thiệt hại trên 70% là 15 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ diện tích nuôi cá bị thiệt hại; hỗ trợ cải tạo phục hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp.
- Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng là 87 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Gương mặt bớt trĩu nặng, hành động hết sức khẩn trương, đầy quyết tâm, những ngày qua, nông dân Yên Bái đã thay thế hầu hết diện tích lúa và hoa màu hư hỏng bằng ngô, đậu, rau... Sự hỗ trợ kịp thời của HĐND tỉnh Yên Bái đã giúp người nông dân vùng lũ vượt khó đúng thời điểm.
- Diện tích nông nghiệp của địa phương do con bão số 3 gây ra rất lớn, lúa trên 100ha, hoa màu gần 80ha. Nghị quyết của HĐND hỗ trợ cho bà con nông dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 rất là kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng của bà con nhân dân.
- Bây giờ ngập hết rồi thì đành phải quay lại làm lại thôi, Nhà nước hỗ trợ cho thì bà con cố gắng khắc phục.
- Về cơ bản hỗ trợ của HĐND tỉnh đã giúp bà con nhân dân xã Tuy Lộc nói riêng và tỉnh Yên Bái có động lực để tiếp tục khắc phục cuộc sống và sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có hơn 7.000ha lúa và hoa màu thiệt hại. Ngay sau khi nước rút, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng cứu chữa những diện tích có khả năng khôi phục được. Đối với những diện tích không thể khôi phục thì chuyển đổi sang lúa và rau màu để có nguồn thu trong thời gian sớm nhất cho bà con.
Với sự hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái, màu xanh đã trở lại nhanh hơn dự kiến. Theo đó, vụ Đông này các cánh đồng được dự kiến gieo trồng khoảng 5.500 ha ngô và 3.500 ha rau màu, nhưng sau bão lũ đã trồng thêm 1.627 ha, đưa tổng diện tích cây vụ Đông lên hơn 10.600 ha.
“Chúng tôi chủ động xây dựng phương án tổng thể cho toàn tỉnh về sản xuất cây vụ đông; tăng cường cán bộ và các đoàn công tác xuống hỗ trợ bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật, phân phối vật tư nông nghiệp xuống cho bà con. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện tại màu xanh đã quay trở lại, phủ xanh các diện tích bị thiệt hại”, ông Nguyễn Xuân Huy cho biết.
Đều đặn hàng ngày xuống với dân khôi phục các cánh đồng, bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trấn Yên cho biết, hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái là rất kịp thời và mức hỗ trợ cũng rất phù hợp trước những mất mát của bà con.
“Chúng tôi hướng dẫn cho bà con nhân dân khôi phục đất để trồng lại các diện tích dâu trong thời gian sớm nhất, thứ hai là tập trung triển khai các giải pháp trồng cây vụ đông trên diện tích đất lúa, đất màu bị thiệt hại. Đối với các chính sách hỗ trợ sản xuất sau bão số 3 thì tỉnh đã ban hành các Nghị quyết rất kịp thời, phù hợp, hiện nay huyện đang thực hiện để giúp bà con sớm khôi phục lại sản xuất. Mức hỗ trợ theo các Nghị quyết là rất phù hợp và cao hơn so với các quy định trước đây, một phần giúp cho bà con vơi đi những khó khăn trong sản xuất”.
Bà Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, những thiệt hại do bão lũ gây ra là rất lớn, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và phát triển kinh tế của nhân dân, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, lũ rút, HĐND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan hoàn thiện sớm nhất dự thảo Nghị quyết để HĐND tỉnh xem xét và thông qua, từ đó hỗ trợ người dân được sớm nhất, kịp thời nhất, phát huy hiệu quả cao nhất.
“UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương đã rất khẩn trương, tích cực tổ chức triển khai thực hiện chính sách theo quy định của Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh; bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh”.
Màu xanh đã trở lại trên “vựa rau” Tuy Lộc (TP Yên Bái); những triền dâu ven sông Hồng cũng mơn mởn trên đồng đất Trấn Yên… Không lâu nữa, những dấu vết cuối cùng của trận “đại hồng thủy” sẽ không còn ám ảnh những người nông dân miền núi.
Bao đời nay, người dân Yên Bái vẫn sinh sống dựa vào phù sa màu mỡ của dòng sông Hồng, trận lũ dù rất lớn nhưng không dễ dàng làm người dân nản chí, bỏ cuộc. Mang màu xanh trở lại những cánh đồng, chính quyền và nhân dân Yên Bái một lần nữa đã khẳng định “kinh nghiệm” khắc phục hậu quả thiên tai trên tinh thần khẩn trương và hiệu quả suốt bao năm qua.
Bài 2: Miễn học phí – điểm tựa nâng bước học sinh vùng lũ tới trường
Từ khóa: yên bái, cứu cây, cứu đói, bão số 3, bão yagi, người dân vùng lũ
Thể loại: Xã hội
Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN