Tranh cãi quanh gồ giảm tốc mới ở Lào Cai: Nhìn từ thực tiễn
Cập nhật: 1 giờ trước
Hải Phòng biểu dương, khen thưởng giáo viên, trường học tiêu biểu
Tranh cãi quanh gồ giảm tốc mới ở Lào Cai: Nhìn từ thực tiễn
VOV.VN - Thời gian gần đây, nhiều chiếc gồ giảm tốc mới xuất hiện ở Lào Cai gây không ít tranh cãi, bình luận trên mạng xã hội. Có người ủng hộ, có người phản đối, đến nay vẫn chưa phân ngã ngũ.
Thu hút nhiều quan tâm nhất là gồ giảm tốc mới trên đường Lê Thanh, đoạn giao với đường Trần Phú (nút giao đăng kiểm, đầu cầu Kim Tân), thành phố Lào Cai.
Sau khi gồ được dựng lên, nhiều người dân điều khiển phương tiện qua lại bị giật mình, thậm chí ngã nhào khi đang ngồi trên xe máy, xe đạp điện.
Anh Nguyễn Đình Huy, chủ cơ sở nội thất ô tô ở phía đối diện cho biết, gồ giảm tốc này mới lắp cách đây ít hôm. Ngay tối 13/11, khi vừa thi công xong chưa kịp sơn đã liên tiếp gây ra các trường hợp xe 2 bánh tự ngã.
"Tới sáng 14/11 gồ được sơn phủ vàng, phía trước cắm biển cảnh báo, nhưng sau đó vẫn có 3 - 4 người nữa đi qua bị ngã", anh Huy thông tin.
Theo anh Huy, khu vực bố trí gồ giảm tốc ở đầu đường Lê Thanh còn thiếu ánh sáng vào buổi tối, những ai đi qua lần đầu sẽ khó xử lý: "Ngay cả khi đã giảm tốc vẫn có cảm giác xóc rất mạnh, nhất là xe tải ban đêm đi qua đều gây tiếng động lớn ảnh hưởng tới xung quanh”.
Liên hệ với ông Đào Minh Khánh, Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND thành phố Lào Cai, được biết, gồ giảm tốc trên đường Lê Thanh nói trên nằm trong số 8 chiếc gồ mới lắp tại những vị trí giao nhau thường xuyên có xe tải trọng lớn di chuyển qua; những vị trí này trước kia từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
"Chiều rộng mỗi gồ là 1m, còn chiều cao là 6cm - mức thấp nhất so với tiêu chuẩn. Do người dân ban đầu chưa quen nên còn bỡ ngỡ, một thời gian tự nhiên mọi người sẽ chủ động ý thức giảm tốc độ xuống. Những khu vực thiếu ánh sáng chúng tôi sẽ bổ sung. Ngoài ra, sẽ tính toán thêm các gồ giảm tốc thấp hơn phía trước gồ để tăng tính nhận biết", ông Khánh nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Lào Cai, loại gồ giảm tốc mới được dựng lên ở thành phố còn gọi là gồ "sống trâu", loại này cao hơn nhiều so với những chiếc gờ mọi người thường thấy. Chúng được thiết kế với mục đích ghi rõ trong tiêu chuẩn là nhằm "cảnh báo và cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi đi đến vị trí cần phải giảm tốc độ".
Ông Huy cho rằng, việc phải lắp gồ giảm tốc xuất phát từ nghịch lý "đường càng to, càng đẹp thì càng xảy ra nhiều tai nạn". Thực tế thời gian qua, các lực lượng thường xuyên ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm, góp phần giúp hạn chế tai nạn giao thông, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
"Đô thị văn minh là đô thị không có đèn đỏ. Nhưng vì một bộ phận người tham gia giao thông chưa văn minh nên bất đắc dĩ phải dùng biện pháp cưỡng bức", ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy cho biết, khi nào ý thức chấp hành giao thông của người dân tăng lên, những chiếc gồ giảm tốc này cũng sẽ mất đi. Ví dụ như đầu tuyến đường B6 giao với Đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai được dựng lên sau khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đối với học sinh, sau một vài năm tình hình ổn định thì đã gỡ bỏ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất luận có gồ hay không có gồ, mỗi khi qua ngã 3, ngã 4, người điều khiển phương tiện giao thông đều phải chú ý quan sát và giảm tốc độ.
Đối với gồ giảm tốc ở đầu đường Lê Thanh, ông Huy cho hay, theo Quyết định 2890 của UBND tỉnh Lào Cai mới ban hành ngày 11/11 vừa qua về tổ chức giao thông trong địa bàn thành phố, cả 2 tuyến Lê Thanh và Trần Phú đều là trục chính, cho phép các phương tiện bao gồm xe tải trọng lớn di chuyển.
"Chủ yếu làm gồ trên đường nhánh đoạn nối ra trục chính, còn trên trục chính sẽ hạn chế làm gồ để thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá để có ý kiến với UBND thành phố điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp giữ gồ có thể thêm các gờ giảm tốc phía trước dẫn vào. Trường hợp bỏ gồ vẫn có các phương án khác như bố trí nhiều gờ có độ cao tương đối hoặc lắp đèn vàng cảnh báo trước nút giao", ông Huy nhấn mạnh.
Hiện, không riêng thành phố Lào Cai, 8/9 huyện, thị xã còn lại của tỉnh đều đang đồng loạt lắp đặt các gồ giảm tốc. Để bảo đảm thống nhất, khoa học, ông Huy lưu ý các địa phương cần căn cứ Tiêu chuẩn cơ sở 34:2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện. Đặc biệt, gồ giảm tốc phải phủ sơn đỏ hoặc vàng và bố trí biển cảnh báo từ xa; khi lắp đặt cần theo tuần tự lắp gờ trước rồi mới đến gồ phòng trường hợp có gồ mà chưa có gờ dễ khiến người điều khiển phương tiện đi qua không kịp phản ứng dẫn đến té ngã.
Theo mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh Lào Cai phấn đấu xử lý trên 5.000 điểm bất cập về an toàn giao thông, trong đó có khoảng 2.000 gồ giảm tốc mới sẽ được lắp đặt.
Phát biểu tại cuộc họp thường kì tháng 11 của UBND tỉnh Lào Cai, Đại tá Cao Minh Huyền, Giám đốc Công an tỉnh này cho biết, 10 tháng qua, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tai nạn giao thông toàn tỉnh Lào Cai giảm gần 500 vụ, số người thiệt mạng giảm gần 10 người và số người bị thương giảm gần 600 người.
Riêng đối với lắp đặt gồ giảm tốc, đây là kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ tỉnh Bắc Ninh sau khi triển khai hiệu quả. Khi áp dụng ở Lào Cai, một số địa phương đã chủ động tích cực, đơn cử như huyện Bảo Thắng đến nay đã hoàn thành 75% mục tiêu.
“Chúng tôi và ngành giao thông không hướng dẫn các địa phương phải đấu thầu hay phải làm cao su cho đẹp, chỉ cần đường nào vật liệu đó, làm sao lan tỏa dần tới tận các xã, thôn, bản để nâng cao ý thức người tham gia giao thông”, Đại tá Cao Minh Huyền nhấn mạnh.
Từ khóa: lào cai, gờ giảm tốc, tranh cãi quanh gờ giảm tốc, tai nạn giao thông
Thể loại: Xã hội
Tác giả: an kiên/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN