“Bác Hồ là tấm gương lao động về ngôn từ”
Cập nhật: 17/05/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Trong di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài sản quý giá và sinh động, vừa cụ thể thiết thực đó chính là tấm gương lao động ngôn từ của Người.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã rất gắn bó với đất nước Liên Xô - Liên bang Nga ngày nay. Bác cũng là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Vì thế, việc dịch và giới thiệu các tác phẩm viết về Bác sang tiếng Nga sẽ giúp lan tỏa những giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức cao quý của Bác Hồ đến với bạn bè Nga, góp phần vun đắp cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai đất nước.
Nhân kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác, Phóng viên VOV tại Liên bang Nga phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng - Chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á, Viện kinh tế, Viện hàn lâm khoa học Nga - người đã và đang say mê dịch sách về Bác Hồ, cùng một số dịch giả Nga và Việt Nam. Các cuốn sách ông đã tham gia dịch, tiêu biểu là“Người Việt Nam đầu tiên đến Kremlin”, “Bác Hồ viết di chúc”. Hiện ông đang tham gia dự án dịch và xuất bản sách “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Liên Xô”.
TS. Nguyễn Quốc Hùng trả lời phỏng vấn của Phóng viên VOV. |
PV: Được biết ông là người tham gia dịch sách và sưu tầm nhiều tư liệu về Bác Hồ, đặc biệt là có liên quan đến nước Nga. Ông có thể cho biết, cơ duyên bắt đầu như thế nào?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Mỗi khi nói về Bác Hồ trong tôi luôn trào dâng những tình cảm xúc động. Mỗi lần như vậy trong tôi lại ùa về những câu chuyện, hồi tưởng, suy tư, cảm xúc về Người như những dòng chảy tuôn trào tưởng như không bao giờ có thể chấm dứt.
Từ bé tôi đã được nghe những câu chuyện của ông bà, bố mẹ kể về Bác với tất cả lòng kính trọng và tình cảm thiết tha trìu mến. Đặc biệt hơn, khi nhiều năm tôi sống cùng bác ruột mình, người đã có quãng thời gian phiên dịch cho Bác Hồ khi Người sang thăm và làm việc tại Liên Xô, được nghe bác tôi kể những câu chuyện về Bác, hình ảnh Bác Hồ - Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng, văn hóa lớn, Người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.
Sau này khi tôi bắt đầu làm việc trong môi trường khoa học tại Nga, đất nước có vị trí đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tôi có điều kiện hơn để nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp xúc, chia sẻ những tư liệu về Bác. Và tôi càng hiểu thêm về tầm vóc vĩ đại của Bác Hồ.
Tôi thật hạnh phúc và may mắn là được tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà nghiên cứu, học giả Nga, trong đó có nhiều người đã từng được gặp Bác Hồ. Mỗi câu chuyện, chia sẻ của các bạn Nga đều vô cùng thú vị và xúc động. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là thể hiện lòng kính trọng và cảm phục sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi trò chuyện với tất cả những ai đã từng gặp, làm việc, hoặc chỉ một lần được nhìn thấy lãnh tụ kính yêu của chúng ta, các bạn đều chia sẻ chung một cảm nhận, đó là ấn tượng mãi mãi không phai mờ trong ký ức, là những kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của họ.
PV: Khi tham gia dịch các cuốn sách viết về Bác từ tiếng Việt sang tiếng Nga, ông có sự đầu tư công sức như thế nào để làm sao chuyển nghĩa chính xác và dễ hiểu nhất?
TS.Nguyễn Quốc Hùng: Khi tham gia biên tập, dịch những cuốn sách viết về Bác từ tiếng Việt sang tiếng Nga, chúng tôi luôn làm việc với tinh thần cẩn trọng nhất. Bác Hồ luôn sử dụng từ ngữ trong sáng, dễ hiểu nhưng lại rất tinh tế. Trong di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài sản quý giá và sinh động, vừa cụ thể thiết thực đó chính là tấm gương lao động ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi chúng tôi dịch tác phẩm “Bác Hồ viết di chúc” sang tiếng Nga, tôi đã đọc đi đọc lại di chúc thiêng liêng của Bác.Bản di chúc là một ví dụ về tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ. Bác đã cẩn trọng sửa từng lời, công phu trong từng chữ, sắp xếp logic, chặt chẽ nhằm đạt được sự diễn đạt trong sáng giản dị nhất mà lại thu được hiệu quả tối đa. Khi dịch tác phẩm của Người, chúng ta cũng đồng thời học được ở Người sự làm việc thấu đáo, cẩn trọng và tinh tế để có được một bản dịch chuyển tải một cách tốt nhất đến người đọc.
Việc dịch những tác phẩm của Bác Hồ cũng đòi hỏi người dịch phải có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị của những nơi Bác Hồ đã đi qua, nhân sinh quan, thế giới quan của những nhân vật mà Bác đề cập đến trong sách.
Đó là một công việc cực kỳ khó khăn, nhưng với tình cảm yêu thương, lòng kính trọng và cảm phục Bác kính yêu, với một khát khao được lan tỏa những giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức cao quý của Bác Hồ đến với bạn bè thế giới, chúng tôi đã làm việc một cách say mê và cố gắng hết sức mình và hi vọng đã chuyển tải được phần nào những giá trị tư tưởng tinh thần cao quý của Bác Hồ đến trái tim bạn đọc.
TS. Nguyễn Quốc Hùng say mê dịch sách viết về Bác Hồ |
PV: Theo ông, việc tiếp tục dịch, giới thiệu các cuốn sách về Bác Hồ có ý nghĩa như thế nào trong vun đắp và tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diễn giữa Việt Nam và LB Nga? Cá nhân ông có dự định gì?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Bác Hồ là người đã rất gắn bó với đất nước Liên xô-LB Nga ngày nay. Bác là người duy nhất trong số các nhà hoạt động nước ngoài đã đến thăm tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Tất cả những năm tháng đó, đương nhiên, để lại dấu ấn không phai mờ trong ký ức của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là người đặt nền móng cho tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc và bằng mọi cách góp phần phát triển và củng cố tình hữu nghị đó. Những giá trị tư tưởng của Người vẫn đang là kim chỉ nam cho dân tộc Việt Nam, tình cảm của Người với nước Nga, của người dân Nga đối với Người vẫn đang là cảm hứng cho mỗi trái tim của nhân dân hai nước.
Vì thế theo tôi việc tiếp tục dịch, giới thiệu các cuốn sách về Bác Hồ sẽ giúp nhân dân hai nước hiểu thêm về nhau, giúp thế hệ trẻ nhớ lại những trang đối thoại văn hóa, lịch sử rực rỡ trong quan hệ hữu nghị truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tiếp tục lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, tinh thần, những cội nguồn của tình hữu nghị Việ t- Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp và phát triển là mệnh lệnh trái tim của mỗi người chúng ta.
Mới đây chúng tôi đã dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi cuốn truyện tranh của nhà văn Nga Bianki và họa sĩ Sevchenko về đôi bạn voi “Xung và Cung”, đó là một câu chuyện đẹp và cảm động về món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ Việt nam tặng cho trẻ em Leningrad năm 1956.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã tham gia biên tập cuốn “Bác Hồ viết di chúc” của tác giả Vũ Kỳ, sách do nhà xuất bản sự thật phát hành bằng tiếng Nga. Một cuốn sách mang nhiều ý nghĩa với cả độc giả Nga, giúp cho nhân dân hai nước hiểu nhau hơn và gắn bó với nhau hơn. Bởi những tư tưởng của Người được đúc kết trong bản di chúc vẫn đang là tài sản tinh thần vô giá của toàn dân tộc trong hành trình hướng đến tương lai.
Hiện nay, tôi vẫn đang tiếp tục tham gia biên tập và dịch những tác phẩm về Bác Hồ sang tiếng Nga và giới thiệu với bạn đọc Nga. Cuốn sách mà tôi hiện đang tham gia biên tập là cuốn “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô” sẽ được giới thiệu trong năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt nền móng, quan hệ nga việt, dịch sách
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN