Bà Rịa-Vũng Tàu: Sắp xếp hợp lý cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập xã, phường

Cập nhật: 25/05/2024

VOV.VN - Bà Mã Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Nội vụ, TP Bà Rịa cho biết, số lượng cán bộ, công chức dôi dư thành phố sẽ bố trí làm việc tại phường Phước Trung, những trường hợp còn lại sẽ bố trí các xã, phường khác của thành phố. Các phường khác còn thiếu thì sẽ tổ chức thi tuyển.

Đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 1 huyện và 5 xã sau khi thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Qua kết quả lấy ý kiến cử tri, hầu hết đều đồng thuận. Cán bộ công chức cấp xã, phường an tâm tư tưởng và mong muốn tiếp tục được làm việc tại địa phương sau sắp xếp.

Người dân đồng thuận

TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung để thành lập phường Phước Trung trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 phường.

Ông Đỗ Quang Khuê (khu phố 5, phường Phước Hiệp) chia sẻ, khi biết tin chính quyền địa phương chuẩn bị sáp nhập phường và thành lập phường mới, tên gọi mới, ông và các con đều ủng hộ chủ trương. Sau khi sáp nhập, mọi thủ tục hành chính, định cư sẽ thay đổi rất nhiều, ông Khuê mong muốn chính quyền sẽ hỗ trợ cho người dân về thủ tục liên quan đến BHYT, hộ khẩu, lý lịch cá nhân…:

"Tâm tư nguyện vọng người dân phường Phước Hiệp sau khi nghe tin sáp nhập phường vào phường Phước Trung và lấy tên Phước Trung thì rất ủng hộ. Mong rằng sau khi chuyển đổi thì thủ tục hành chính làm sao tạo điều kiện cho nhân dân làm nhanh, đồng thời cũng phải hỗ trợ kinh phí cho người dân để chuyển đổi", ông Khuê cho biết.

Ông Từ Văn Minh (ngụ ở tổ 16, ấp Mỹ Thuận, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) cho biết, sau khi được chính quyền xã phổ biến chủ trương nhập xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải, ông cũng như người dân trong vùng rất phấn khởi, ủng hộ chủ trương của Nhà nước.

Theo ông Minh, khi nhập vào thị trấn, nhiều quyền lợi của người dân sẽ hoàn toàn khác với xã nông thôn trước đây, nhất là hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

"Nghe thông tin sáp nhập xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải, người dân rất đồng tình. Bởi vì, khi nhà nước đầu tư thì bao giờ thị trấn cũng được quan tâm hơn, nhất là hạ tầng, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, giá đất bồi thường cũng cao hơn cấp xã, rồi BHXH, điện, nước, thị trấn sẽ được đầu tư nhiều hơn", ông Minh chia sẻ.

Cán bộ an tâm, tiếp tục cống hiến

Thời gian đầu, khi chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhiều cá cán bộ chuyên trách, không chuyên trách các xã, phường đã có không ít tâm tư dẫn đến tình trạng thờ ơ trong công việc… với nhiều lý do, như: sau khi sắp xếp mình sẽ đi đâu, có còn được làm việc?

Tuy nhiên, sau khi được Thường vụ Đảng uỷ, Thường trực Ủy ban phường, xã tuyên truyền vận động, đến nay hầu hết công chức xã, phường đã an tâm tư tưởng, mong muốn được tiếp tục cống hiến, làm việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Long Mỹ cho biết, từ năm 2004 bà đã tham gia công tác tại UBND xã Long Mỹ, với nhiều vị trí việc làm như cán bộ đoàn, công tác văn phòng, thi đua, từ 2019 đến nay là Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã. Qua hơn 20 năm làm việc tại địa phương, đến nay bản thân bà Thanh vẫn muốn được tiếp tục cống hiến.

"Là cán bộ công chức cấp xã, hiện tôi rất an tâm tư tưởng để làm việc. Qua sắp xếp có thể thay đổi vị trí công tác, tuy nhiên nguyện vọng của tôi cũng mong muốn tiếp tục phục vụ Nhà nước và nhân dân trên địa bàn", bà Thanh cho biết.

Tương tự, chị Mai Thị Thu Hiếu, nhân viên Thống kê phường Phước Trung, TP.Bà Rịa chia sẻ, ban đầu nghe thông tin sáp nhập phường cũng rất lo mất việc, tuy nhiên được lãnh đạo giải thích chị đã an tâm tư tưởng.

Sắp xếp hợp lý cho cán bộ dôi dư

Đến nay, các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính tại Bà Rịa– Vũng Tàu đã hoàn thành công việc theo tiến độ, trình HĐND tỉnh. 

Theo UBND huyện Đất Đỏ, thống kê sơ bộ sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, số công chức, người hoạt động không chuyên trách không xảy ra tình trạng dôi dư, còn cán bộ lãnh đạo dôi dư khoảng 20 người.

Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, đối với cán bộ dôi dư, huyện sẽ căn cứ các quy định, sau đó gặp gỡ những cán bộ này để nắm tâm tư, nguyện vọng.

"Hiện tại huyện đang tính toán từng bước đối với các bộ dôi dư, nếu những trường hợp này có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hay nguyện vọng tiếp tục làm việc thì huyện sẽ sắp xếp, tính toán. Trên cơ sở vị trí việc làm, huyện sẽ điều chuyển những trường hợp dôi dư về những đơn vị khác", bà Đỗ Thị Hồng cho biết.

Còn tại TP Bà Rịa, sau sát nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, có 3 trường hợp cán bộ, công chức dôi dư, trong đó có 2 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu và 1 trường hợp tự nguyện xin nghỉ việc.

Bà Mã Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Nội vụ, TP Bà Rịa cho biết, số lượng cán bộ, công chức dôi dư thành phố sẽ bố trí làm việc tại phường Phước Trung, những trường hợp còn lại sẽ bố trí các xã, phường khác của thành phố. Các phường khác còn thiếu thì sẽ tổ chức thi tuyển.

"Những phường, xã sau khi nhận cán bộ, công chức của phường Phước Hiệp rồi mà vẫn còn thiếu thì tổ chức thi tuyển nên không sợ dôi dư", bà Mã Thị Thu Thảo cho biết.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống chính quyền địa phương, mong muốn tạo ra những đơn vị hành chính tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập. Sự đồng hành của người dân, cán bộ công chức sẽ là bước đi vững chắc, định hướng cho bức tranh phát triển bền vững và thịnh vượng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.

Từ khóa: dôi dư , sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập xã huyện, Bà Rịa -Vũng Tàu,cán bộ, dôi sư, sáp nhập

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lưu sơn/vov-tphcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập