Ba Lan thành lập 49 Trung tâm hội nhập người nước ngoài để hỗ trợ người di cư

Cập nhật: 13/10/2024

VOV.VN - Ủy ban châu Âu mới đây cho biết, 49 Trung tâm hội nhập người nước ngoài (CIC) đang được thành lập tại Ba Lan theo yêu cầu của Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách Xã hội của nước này nhằm giúp những người di cư mới đến hòa nhập vào xã hội Ba Lan.

Các trung tâm hội nhập người nước ngoài sẽ cung cấp các dịch vụ khác nhau như điểm thông tin và tư vấn, các khóa học thích ứng và định hướng, khóa học tiếng Ba Lan trình độ A1/A2, hỗ trợ hợp pháp hóa việc lưu trú, hỗ trợ pháp lý liên quan đến việc làm và quyền lao động…và các dịch vụ khác.  

Chương trình giảng dạy các khóa học thích ứng và định hướng sẽ được chuẩn hóa trên toàn quốc và bao gồm các khối chủ đề như:  thông tin cơ bản và lịch sử Ba Lan, Hiến pháp và Hệ thống chính trị, hành chính của Ba Lan, Chính quyền địa phương tại Ba Lan, Di sản văn hóa Ba Lan…Trung tâm hội nhập người nước ngoài cũng có thể cung cấp các dịch vụ bổ sung như các khóa học ngôn ngữ ở trình độ B1/B2, hỗ trợ tâm lý cho người lớn, các lớp học khắc phục tâm lý cho trẻ em,…

Các trung tâm này được Quỹ tị nạn, Di cư và Hội nhập (AMIF) của Ủy ban Châu Âu tài trợ, và dự kiến Ba Lan cũng ​​sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ khác như Quỹ Xã hội Châu Âu, quỹ lao động của chính phủ hoặc ngân sách địa phương. Chính phủ Ba Lan hy vọng, bằng cách thiết lập nghĩa vụ đăng ký rõ ràng hơn đối với người nước ngoài, nước này có thể xác định chính xác hơn số lượng và sự phân bố địa lý của người di cư.

Việc thành lập các Trung tâm hội nhập người nước ngoài tại Ba Lan diễn ra trong bối cảnh số lượng người nhập cư vào Ba Lan trong những năm gần đây ở mức cao nhất trong lịch sử nước này và cũng là mức cao nhất ở châu Âu. Cuối năm 2023, có 1,13 triệu người nước ngoài đã đăng ký trong hệ thống bảo hiểm xã hội (ZUS) của Ba Lan, chiếm gần 7% tổng số người đăng ký trong hệ thống.

Trong khi đó, tháng 3/2024, kiểm toán viên nhà nước Ba Lan đã cảnh báo, dòng người di cư - bao gồm cả một lượng lớn người tị nạn Ukraine kể từ năm 2022 đã khiến các cơ quan nhà nước Ba Lan không thể ứng phó.

Ba Lan sẽ tạm đình chỉ quyền tị nạn sau căng thẳng biên giới với Belarus

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 12/10 thông báo kế hoạch tạm thời đình chỉ quyền tị nạn như một phần chiến lược hạn chế di cư bất hợp pháp. Động thái có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Belarus, trong bối cảnh Ba Lan nhiều lần chỉ trích quốc gia láng giềng phải chịu trách nhiệm về làn sóng người di cư trái phép đổ vào nước này.

Phát biểu tại một sự kiện do đảng Liên minh Dân sự (KO) tổ chức, Thủ tướng Donald Tusk nhấn mạnh, biện pháp là cần thiết là xây dựng hình ảnh Ba Lan như một quốc gia an ninh và an toàn.

“Bằng cách xây dựng hình ảnh một quốc gia an toàn, Ba Lan cũng sẽ trở thành một nơi hấp dẫn để những người Ba Lan trở về. Tại sao những người Ba Lan sống ở Anh, Pháp hay Mỹ lại không muốn quay trở lại đất nước để học tập và tại đây họ sẽ sớm kiếm được nhiều tiền như ở Anh. Tôi tin chắc rằng, với chiến lược di cư mới, Ba Lan thực sự sẽ không chỉ là nơi tốt nhất, mà còn là nươi an toàn nhất ở châu Âu”, ông Donald Tusk nói.

Thủ tướng Donald Tusk dự kiến sẽ trình bày chiến lược di cư mới tại cuộc họp Chính phủ vào ngày 15/10 tới, đúng 1 năm cuộc bầu cử giúp liên minh do ông lãnh đạo lên nắm quyền tại Ba Lan.

Ban đầu Ba Lan không phải là quốc gia quá cảnh cũng như không phải là quốc gia điểm đến của người di cư và người tị nạn. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, quốc gia Đông Âu đã trở thành quốc gia tiền tuyến khi những người di cư bắt đầu tìm cách vào Belarus, từ đó đến Ba Lan và các quốc gia châu Âu khác. 

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2023, ông Donald Tusk đã theo đuổi chính sách cứng rắn đối với vấn đề di cư. Tháng 7 vừa qua, Quốc hội Ba Lan đã thông qua luật cho phép lực lượng an ninh có thể sử dụng vũ khí chống lại người di cư trái phép ở biên giới Belarus.

Từ khóa: Ba Lan, Ba Lan, người di cư, Ủy ban châu Âu ,Belarus,biên giới Belarus,Thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk

Thể loại: Thế giới

Tác giả: như hoa/vov-praha

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập