Ba kịch bản chấm dứt xung đột Nga-Ukraine sau sự trở lại của ông Trump

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Truyền thông đang nói nhiều hơn về cách cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ chấm dứt, trong bối cảnh lễ nhậm chức của ông Trump đã đến rất gần. Hiện có ba kịch bản khả thi nhất về cách cuộc xung đột hiện nay sẽ chấm dứt dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử.

Màn kết của xung đột Nga-Ukraine đang là “điểm nóng” thảo luận trên các mặt báo trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh phương Tây và hai bên tham chiến đều đang đặt kỳ vọng vào sự trở lại của ông Trump sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm qua. Tuy nhiên, dù nhiều chi tiết liên quan đến một kế hoạch hòa bình đã được tiết lộ bởi các đồng minh thân cận nhưng cho đến thời điểm này, ông Trump vẫn chưa chính thức lên tiếng về kịch bản cuối cùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với tư cách là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Ukraine và có tiếng nói trong các tổ chức quốc tế, quyết định của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến cái kết của cuộc chiến hiện tại mà còn tác động đến khả năng lập lại hòa bình lâu dài. Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, hiện có ba kịch bản khả quan về cách chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Kịch bản thứ nhất

Giải pháp đóng băng xung đột và tạo ra một vùng phi chiến sự giữa Nga - Ukraine được truyền thông đề cập vào tháng trước; theo đó Ukraine cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm và Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev để ngăn chặn cuộc tấn công mới của Nga. Một khu phi quân sự kéo dài 1.200km sẽ được xây dựng để đánh dấu phạm vi kiểm soát của cả Kiev và Moscow, trong khi Nga vẫn giữ quyền kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Ông Zelensky mới đây cũng để ngỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy một vị trí chính thức trong NATO, đồng thời nhấn mạnh lệnh ngừng bắn là cần thiết để "đảm bảo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không quay lại" để giành thêm lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, thành lập một khu phi quân sự như vậy không phải là một giải pháp đảm bảo hòa bình lâu dài. Cho đến nay, phía Nga đã thẳng thừng phản đối đề xuất này, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow sẽ đàm phán nếu các điều kiện mà nước này đưa ra được đáp ứng. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhấn mạnh, bất kỳ giải pháp tiềm năng nào giữa Moscow và Kiev chắc chắn sẽ phải tính đến lợi ích an ninh của Nga, thừa nhận thực tế lãnh thổ mới và "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột".

Thêm vào đó, kịch bản này cũng đề cập đến việc châu Âu sẽ đưa quân đội đến giám sát khu vực phi quân sự này để đảm bảo không có giao tranh xảy ra. Điều này được cho là sẽ mở rộng phạm vi can hệ của phương Tây đến cuộc xung đột hiện tại - điều mà không quốc gia nào mong muốn, bao gồm cả Mỹ.

Kịch bản thứ hai

Kịch bản thứ hai là Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Điều này có thể xảy ra nếu Mỹ và phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Ukraine sau đó có thể giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, ít nhất là tái lập lại đường biên giới hai nước trước tháng 2/2022.

Ukraine vào tháng 9/2022 từng phát động một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga và giành lại được đáng kể lãnh thổ mà Moscow kiểm soát trong giai đoạn đầu cuộc xung đột. Hồi tháng 8/2024, cuộc tấn công chớp nhoáng vào vùng Kursk thuộc lãnh thổ Nga cũng mang lại cho Ukraine một số thành quả ban đầu và cho đến nay, dưới áp lực quân sự lớn từ phía Moscow, Kiev vẫn bám trụ quyết liệt sau 4 tháng giao tranh. Ở thế co kéo hiện nay, việc Ukraine đảo ngược cục diện chiến sự hay không vẫn phụ thuộc phần nhiều vào quyết định viện trợ từ các đồng minh.

Những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden cũng chứng kiến những nỗ lực viện trợ mạnh mẽ dành cho Kiev, trước khi Nhà Trắng đổi chủ vào tháng 1/2025. Trong tuần này, Washington đã công bộ gói viện trợ mới trị giá khoảng 500 triệu USD dành cho Kiev, bao gồm tên lửa cho bệ phóng HIMARS, đạn pháo, máy bay không người lái, xe bọc thép và trang bị bảo hộ chống các cuộc tấn công hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân, cùng nhiều loại thiết bị khác. Đây là gói viện trợ thứ ba của Mỹ dành cho Ukraine được công bố trong tháng 12 này, tiếp sau 2 gói viện trợ trước đó có trị giá lần lượt là 988 triệu USD và 725 triệu USD.

Tuy nhiên, PSG.TS Nguyễn Thị Quế cũng cho rằng kịch bản này có rất ít khả năng xảy ra, đặc biệt sau sự trở lại của ông Trump - người ủng hộ một thỏa thuận hòa bình thay vì tìm kiếm bên chiến thắng trong cuộc xung đột hiện tại. Mới đây, nhân vật được Tổng thống đắc cử Mỹ chọn làm Ðặc phái viên về vấn đề Ukraine và Nga - ông Keith Kellogg đang cân nhắc tới giải pháp cứng rắn hơn nhằm buộc buộc hai bên tham chiến phải ngồi vào bàn đàm phán, liên quan đến cách thức Washington sử dụng nguồn viện trợ quân sự của mình.

“Và đó là lý do chúng ta cần đến giải pháp thứ ba, giải pháp mà tôi cho là khả thi nhất. Đó là cuộc chiến sẽ không dừng lại cho đến khi một bên chấp nhận đầu hàng”, bà Nguyễn Thị Quế nói.

Kịch bản thứ ba

Trong kịch bản thứ ba, xung đột Nga-Ukraine sẽ không kết thúc trên bàn đàm phán do hai bên tham chiến chưa thể đạt được đồng thuận dựa trên các điều khoản hòa bình. Điện Kremlin cho đến nay luôn kiên định với yêu cầu buộc Kiev phải lui quân khỏi 4 vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập hồi tháng 9/2022, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia; đồng thời giữ thế trung lập về mặt chính trị. Trong khi đó, dù đã có phần “xuống thang” trong vấn đề nhượng bộ lãnh thổ, Ukraine vẫn kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua tư cách thành viên của nước này như một phần của thỏa thuận hòa bình.

Một vị trí chính thức trong liên minh quân sự này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ nhận được cam kết bảo vệ từ các quốc gia thành viên khác trong trường hợp bị tấn công. Cam kết này được ghi tại điều khoản nổi tiếng nhất của Hiến chương NATO - Điều 5. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự, trong đó có kho vũ khí hạt nhân của Nga là lý do mà NATO trì hoãn yêu cầu tham gia của Kiev gần 3 năm qua.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế cho rằng, một lý do khác khiến cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên tham chiến chưa thể diễn ra là do Kiev đang trên bờ vực vuột mất “con bài mặc cả” Kursk, dù ông Trump nhiều lần tuyên bố ủng hộ giải pháp này. Cuộc phản công lớn của Nga trong những tháng gần đây đã đẩy lui Ukraine khỏi phần lớn các vùng lãnh thổ mà quân đội nước này giành được trước đó.

“Thành công về mặt quân sự có thể mang lại lợi thế chính trị và rõ ràng Ukraine đang không có lợi thế đó. Hiện tại, họ không thể ngồi vào bàn đàm phán mà biết rõ sẽ cầm chắc thất bại”, PGS.TS Nguyễn Thị Quế nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Quế, với kịch bản này, Nga và Ukraine sẽ tiếp tục giao tranh cho đến khi một trong hai bên kiệt quệ về tinh thần và quân lực; từ đó chấp nhận đầu hàng. Điều này từng xảy ra với cuộc chiến giữa Gruzia và Nam Odessa - một quốc gia đòi ly khai khỏi Gruzia vào năm 2008. Cuộc chiến chỉ diễn ra 5 ngày sau khi Nga chính thức tham chiến và áp lực quân sự từ Moscow đã buôc Gruzia đầu hàng và để Nam Odessa tuyên bố độc lập.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quế cũng nhấn mạnh, bất kể kịch bản nào xảy ra, hậu quả sâu rộng về mặt xã hội, kinh tế và chính trị của xung đột hiện nay đối với hai bên tham chiến cũng như với toàn bộ châu Âu là không thể tránh khỏi.

“Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này. Nếu ông Trump ủng hộ giải pháp đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine thì tôi hi vọng ông ấy sẽ sớm thực hiện nó ngay khi quay trở lại nhiệm sở”, bà Nguyễn Thị Quế nói.

Từ khóa: ukraine, Trump, Nga, kịch bản

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: diệp thảo/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập