Australia tìm cách giải quyết vấn đề thiếu hụt tài nguyên đất hiếm
Cập nhật: 05/11/2024
Apple giảm giá iPhone tại Trung Quốc trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt
"Tập đoàn FPT cần ưu tiên phát triển nhân lực vi mạch, trí tuệ AI"
VOV.VN - Các nhà khoa học Australia đang nỗ lực phát triển các phương pháp hiệu quả hơn để chiết xuất kim loại đất hiếm như gali và germani từ chất thải khai thác.
Những kim loại đất hiếm mà Australia đang tìm cách chiết xuất đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, hiện chủ yếu được cung cấp từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Được biết, Trung Quốc hiện chiếm 90% gali và 60% germani trên thị trường toàn cầu, điều này cho phép họ kiểm soát các khoáng sản thiết yếu cho sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến. Mặc dù có nguồn cung từ các đồng minh của Mỹ và các quốc gia không liên kết, Trung Quốc vẫn giữ lợi thế về công nghệ, cho phép họ sản xuất các khoáng sản này với độ tinh khiết cao hơn và chi phí thấp hơn gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh.
Để giải quyết vấn đề này, Australia đã phối hợp cùng với Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) tìm cách khai thác gali và germani từ các hoạt động khai thác hiện tại. Việc tinh chế alumina (nhôm oxit) từ quặng bauxit có thể tạo ra gali, trong khi tinh chế kẽm cũng có thể sản xuất germani.
Mặc dù Australia đã từng sản xuất gali vào đầu những năm 90 nhưng hoạt động này không kéo dài do thiếu nhu cầu. Tuy nhiên sau 30 năm, thị trường đã thay đổi hoàn toàn với nhu cầu ngày càng tăng đối với các chip điện tử mới và mạnh mẽ hơn. Mặc dù các nhà máy tinh chế kẽm và bauxite khó có thể hoàn toàn chuyển sang sản xuất kim loại đất hiếm nhưng việc đầu tư vào công nghệ cần thiết có thể mang lại nguồn doanh thu bổ sung.
Hiện tại, Australia có năm nhà máy tinh luyện alumina hoạt động, trong đó có một nhà máy đã ngừng hoạt động vào đầu năm nay. Là nước xuất khẩu kẽm lớn thứ ba trên thế giới, Australia có khả năng đầu tư vào công nghệ cho phép khai thác kim loại đất hiếm từ các hoạt động hiện tại.
Sự phát triển này không chỉ cung cấp cho Mỹ và các đồng minh một nguồn đất hiếm thay thế cho Trung Quốc mà còn giúp Australia khai thác nhiều vật liệu hơn từ các hoạt động khai thác và tinh chế của mình. Việc khai thác hiệu quả hơn sẽ giảm thiểu chất thải và tăng giá trị tổng thể của các mỏ khoáng sản.
Từ khóa: đất hiếm, Australia, Trung Quốc
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả: ctv kiến an/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN