Australia mạnh tay tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với Trung Quốc?
Cập nhật: 03/07/2020
VOV.VN - Australia dự chi 185 tỷ USD trong 10 năm tới để mua khí tài quân sự và ứng phó với những thách thức về an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Australia vừa công bố một sự thay đổi lớn trong chiến lược quốc phòng, nhằm thách thức những mối đe dọa từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Asian Times cho biết.
Australia tăng cường chi tiêu quốc phòng giữa lúc căng thẳng với Tung Quốc.Ảnh minh họa:Asia Times. |
Theo kế hoạch, quốc gia này dự chi 185 tỷ USD trong 10 năm tới để mua tên lửa tầm xa, vệ tinh giám sát và thực hiện các biện pháp ứng phó khác. Các loại vũ khí, dự kiến do Mỹ cung cấp, sẽ giúp Australia có khả năng thực hiện những cuộc tấn công vượt ra ngoài biên giới.
Tăng cường mua sắm vũ khí, củng cố năng lực phòng thủ
Trong bài phát biểu trước các lực lượng vũ trang hôm 1/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, việc duy trì “một lực lượng phòng thủ lớn” sẽ đảm bảo khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại Australia hoặc lợi ích tương lai của quốc gia này.
“Có một động lực mới trong cạnh tranh chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Môi trường an ninh xung quanh Australia giờ đã khác so với trước kia. Nguy cơ tính toán sai lầm, thậm chí là xung đột đang gia tăng”, ông Morrison nói.
Theo nhà lãnh đạo Australia, việc tăng cường năng lực phòng thủ giúp đảm bảo 3 mục tiêu chính: định hình môi trường chiến lược của Australia, răn đe các hành động chống lại lợi ích của nước này và đáp trả bằng việc điều động lực lượng quân sự khi cần thiết.
Điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng của Australia sẽ dành ít thời gian hơn cho những điểm nóng nằm ở xa như Trung Đông và tập trung nhiều vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi căng thẳng gia tăng do các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên những tuyến đường thương mại, chẳng hạn như Biển Đông.
Phần lớn ngân sách quốc phòng của Australia sẽ được sử dụng cho vũ khí và việc nghiên cứu, trong đó, 51,5 tỷ USD dành cho cho hải quân, 38 tỷ USD cho lực lượng chiến đấu trên đất liền và 44,7 tỷ USD cho lĩnh vực hàng không. Australia cũng sẽ phân bổ 10 tỷ USD chống lại các vụ tấn công mạng, 4,8 tỷ USD cho tác chiến trong không gian, đánh dấu lần đầu tiên Canberra bước chân vào lĩnh vực này. Việc tài trợ cho hoạt động chống tấn công mạng được đưa ra sau khi Thủ tướng Morrison cáo buộc “một tổ chức nhà nước” đang tấn công hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng quan trọng và các tổ chức chính trị của Australia.
Với nguồn kinh phí mới, các trung tâm nghiên cứu tại Australia sẽ phát triển “năng lực không gian” nhằng tăng cường khả năng giám sát thông qua các cảm biến và hệ thống theo dõi. Australia cũng sẽ xây dựng một mạng lưới vệ tinh có khả năng trao đổi, liên kết thông tin một cách độc lập.
Khí tài quân sự mà Australia để mắt nhiều nhất đến hiện nay là tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C do Hải quân Mỹ cung cấp, có tầm bắn hơn 370km. Tên lửa này sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu Super Hornet và thay thế cho tên lửa Harpoon có tầm bắn 124km.
Ngoài ra, Australia cũng dành 6,4 tỷ USD cho việc nghiên cứu phương tiệnlượnsiêuvượtâm(HGV), vũ khí năng lượng trực tiếp cùng các công nghệ tầm xa và tốc độ cao khác đang được Trung Quốc và Mỹ triển khai.
Để khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực, Australia sẽ lắp đặt hệ thống giám sát dưới nước, sử dụng cảm biến công nghệ cao nhằm phát hiện và theo dõi hoạt động hàng hải. Nước này cũng đang xem xét triển khai tàu ngầm không người lái, ít nhất cho đến khi 12 tàu ngầm tấn công mới sẵn sàng đi vào hoạt động đầu những năm 2030.
Hạm đội hiện tại của Australia có 6 tàu ngầm, được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2003. Tuy nhiên, những con tàu này đang gặp trục trặc về kỹ thuật và dự kiến sẽ phải nghỉ hưu vào năm 2026.
Trung Quốc mắc sai lầm khi thổi bùng căng thẳng với Australia?
Đối phó với Trung Quốc?
Mặc dù trong bài phát biểu, ông Morrison không đề cập cụ thể Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh chính là nguyên nhân khiến Australia đưa ra mức chi tiêu quốc phòng mới.
Một số nhà phân tích cho rằng, đang có sự lo ngại về việc Bắc Kinh có thể cố gắng khai thác sự bất ổn về chính trị và kinh tế của các quốc đảo nhỏ ở thái Bình Dương để đạt được lợi ích.
Ông Peter Jennings, giám đốc Viện chính sách chiến lược Australia nhận định: “Khi nói đến những hành vi xấu đang xảy ra trong khu vực như cưỡng ép, đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, … thì thực sự chỉ có một quốc gia thực hiện những hành vi này, đó là Trung Quốc”.
Theo các nhà quan sát, một điểm đáng chú ý khác trong bài phát biểu của ông Morrison là nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lực lượng để lấp đầy khoảng trống phòng thủ mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để lại. Australia dường như đã chấp nhận sự thật rằng quốc gia này cần phải tập trung hơn nữa vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Morrison tuyên bố, Canberra sẽ tìm cách hợp tác với những quốc gia “thân thiện” trong khu vực để ngăn chặn các quốc gia “không thân thiện” xây dựng căn cứ quân sự hoặc các cơ sở hạ tần chiến lược khác. Các chiến lược gia Australia hiện nay cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng ít nhất một căn cứ quân sự ở nam Thái Bình Dương.
Khác với Mỹ, Australia có khả năng gắn kết chặt chẽ hơn với các đồng minh châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại khu vực Thái Bình Dương, Canberra đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Fiji và Quần đảo Solomon, đồng thời xem Papua New Guinea như một đồng minh chiến lược trong tương lai./.
Từ khóa: Australia tăng chi tiêu quốc phòng, ngân sách quốc phòng, Trung Quốc, khí tài quân sự, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN