ASEAN cam kết cùng các nước hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân
Cập nhật: 23/10/2024
Gaza: cư dân thêm nỗi thống khổ trước mùa đông khắc nghiệt (25/11/2024)
Nhật Bản: nhiều địa phương báo động nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm PFAS (25/11/2024)
VOV.VN - Từ ngày 18-22/10, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Uỷ ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Uỷ ban 1) đã tiến hành thảo luận chuyên đề vũ khí hạt nhân với sự tham gia đông đảo của các nước thành viên Liên Hợp Quốc và đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.
Tham dự và khai mạc phiên họp, Bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng Thư ký, Đại diện cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về giải trừ quân bị nêu bật bức tranh an ninh toàn cầu ngày càng phức tạp, cho rằng vũ khí hạt nhân cùng với khủng hoảng khí hậu, gia tăng bất bình đẳng và công lý chưa được bảo đảm là các mối đe doạ hiện hữu nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Để giải quyết những thách thức này, các nước cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các cam kết giải trừ quân bị, cải tổ bộ máy giải trừ quân bị toàn cầu thông qua các hành động mang tính liên thế hệ, liên văn hóa, đa ngành và liên khu vực. Đại diện nhiều nước bày tỏ quan ngại về tình trạng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục hiện đại hoá, nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và các phương tiện chuyên chở; kêu gọi chấm dứt sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân và các thoả thuận về chia sẻ vũ khí hạt nhân nhằm giải quyết gốc rễ nguyên nhân của chạy đua vũ trang hạt nhân.
Phát biểu thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định cam kết của ASEAN đối với mục tiêu hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh ASEAN coi trọng chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các nước ASEAN kỳ vọng chu kỳ đánh giá sắp tới của Hiệp ước sẽ đạt được kết quả thực chất, tạo động lực quan trọng hướng tới giải trừ quân bị toàn diện và triệt để.
Bên cạnh đó, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là một thoả thuận lịch sử góp phần từng bước đạt mục tiêu này. Nhân dịp này, Đại sứ nhắc lại lời kêu gọi của ASEAN đối với các quốc gia có vũ khí hạt nhân cần thực hiện nghĩa vụ và cam kết về giải trừ vũ khí với lộ trình và hành động cụ thể, đồng thời, tiếp tục ký, phê chuẩn để Hiệp ước Cấm thử hạt nhân (CTBT) sớm có hiệu lực.
Đề cao tầm quan trọng và đóng góp của các khu vực phi vũ khí hạt nhân đối với cơ chế chống phổ biến và giải trừ quân bị toàn cầu, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ASEAN cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân thông qua Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, hoan nghênh nước các sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn “cả gói” đối với Nghị định thư của Hiệp ước, đồng thời khẳng định tiếp tục nỗ lực cùng với các nước còn lại thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước này.
Các nước ASEAN đánh giá cao kết quả hợp tác giữa ASEAN với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình thời gian qua, đồng thời, khẳng định ASEAN tiếp tục cùng các nước thảo luận tích cực, xây dựng trong Ủy ban 1 nhằm hiện thực hoá mục tiêu một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu quốc gia tại phiên họp, Đoàn Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đề cao vai trò và hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trong lĩnh vực sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời tái khẳng định sẽ cùng với các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, thúc sự tham gia của các nước này vào Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, hướng tới xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Từ khóa: vũ khí hạt nhân, vũ khí, Liên Hợp Quốc, ASEAN, An ninh quốc tế
Thể loại: Thế giới
Tác giả: pv/vov-washington
Nguồn tin: VOVVN