Apple nguy cơ “chia tay” với Google và mất trắng 20 tỷ USD
Cập nhật: 20/08/2024
Thương vụ béo bở giữa Apple và Google đang bị đe dọa sau khi một thẩm phán Mỹ tuyên bố “ông lớn” tìm kiếm Internet là độc quyền.
Ngày 5/8, thẩm phán liên bang Amit P. Mehta tuyên bố Google là công ty độc quyền. Phán quyết được đưa ra gần một năm sau khi Chính phủ Mỹ và Google gặp nhau tại tòa án, đánh dấu cuộc đối đầu chống độc quyền lớn nhất nước Mỹ trong hơn 20 năm.
Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ cùng các bang cáo buộc Alphabet chi hàng chục tỷ USD hàng năm để “đặt mặc định trái phép” Google trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, Alphabet cũng trả tiền cho các hãng smartphone khác như Samsung.
Nhận xét về phán quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland khẳng định đây là “chiến thắng lịch sử cho người dân Mỹ. Không công ty nào, dù lớn hay có ảnh hưởng đến đâu, được đứng trên luật pháp. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực thi mạnh mẽ luật chống độc quyền”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng gọi phán quyết này là "một chiến thắng cho người dân Mỹ". Trong tuyên bố tối ngày 5/8, bà cho biết: “Như Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đã nói từ lâu, người Mỹ xứng đáng có được một Internet miễn phí, công bằng và cởi mở với cạnh tranh”.
Alphabet tuyên bố có kế hoạch kháng cáo.
Theo các nhà phân tích Phố Wall, để tránh các hình phạt chống độc quyền, Alphabet có thể sử dụng một biện pháp khắc phục là hủy bỏ thương vụ với Apple.
Hãng tin tài chính Bloomberg chỉ ra, năm 2022, Google chi 20 tỷ USD cho Apple – tương đương 36% doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm qua trình duyệt Safari – để giành được đặc quyền này. Số tiền này năm 2021 là gần 26 tỷ USD, theo thẩm phán Mehta. Dựa theo hồ sơ tòa án, năm 2020, khoản thanh toán của Google cấu thành 17,5% lợi nhuận hoạt động của Apple.
Hồi tháng 5, truyền thông dẫn tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, giao dịch giữa hai “ông lớn” công nghệ Mỹ kéo dài tới ít nhất tháng 9/2026. Apple có quyền đơn phương gia hạn thêm hai năm.
Các nhà phân tích của Evercore ISI nhận xét, phương án tiềm năng nhất hiện nay là thẩm phán ra phán quyết buộc Google không được trả tiền để trở thành mặc định hoặc những công ty như Apple phải chủ động cho người dùng lựa chọn công cụ tìm kiếm hơn là cài đặt mặc định, cũng như cho phép người dùng thay đổi trong cài đặt nếu muốn.
Theo Giáo sư luật Herbert Hovenkamp đến từ Đại học Pennsylvania, nếu sản phẩm đang thống trị thị trường, tốt hơn nên tránh các thỏa thuận độc quyền và bảo đảm bất kỳ giao dịch nào cũng cho người mua quyền tự do lựa chọn sản phẩm thay thế.
Nếu sợi dây bị chặt đứt, Apple vẫn còn một số tùy chọn như Microsoft Bing hoặc sản phẩm tìm kiếm mới của OpenAI. Gần đây, “táo khuyết” thông báo sẽ đưa chatbot ChatGPT lên thiết bị. “Quay lưng” với các thương vụ độc quyền sẽ giúp công ty thoát khỏi sự giám sát của các nhà quản lý.
Nhà phân tích Gadjo Sevilla của Emarketer nhận định đây là bước lùi tạm thời của Apple, đặc biệt khi họ kiếm được nhiều tiền từ Google. Song, nó cũng là cơ hội để xoay trục giải pháp tìm kiếm AI.
Thỏa thuận với Apple là quan trọng nhất trong các thỏa thuận mặc định của Google, vì iPhone là smartphone được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ. Theo Bloomberg, năm 2002, “táo khuyết” đồng ý sử dụng Google trong trình duyệt Safari miễn phí nhưng sau đó hai bên quyết định chia sẻ doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm. Đến tháng 5/2021, Google chi hơn 1 tỷ USD mỗi tháng cho Apple.
Vẫn theo hồ sơ tòa án, Microsoft – chủ sở hữu công cụ tìm kiếm Bing – liên tục muốn lôi kéo Apple nhưng bất thành. Nhà sản xuất Windows đề nghị chia sẻ 90% doanh thu quảng cáo cho Apple để Bing trở thành mặc định trên Safari.
Trong phiên tòa năm 2023, CEO Microsoft Satya Nadella với tư cách nhân chứng đã tiết lộ, công ty sẵn sàng thực hiện nhiều nhượng bộ, bao gồm cả giấu đi thương hiệu Bing, để thuyết phục Apple thay đổi.
“Bất cứ ai được họ chọn, đều sẽ trở thành vua”, CEO Nadella nói trước tòa.
Từ khóa: Apple, Apple, nguy cơ, Google, mất trắng 20 tỷ USD
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả: theo du lam/vietnamnet
Nguồn tin: VOVVN