APEC 2024 thúc đẩy tầm nhìn về một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 hôm qua đã ra tuyên bố chung khẳng định tầm nhìn về một cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương thịnh vượng, hoà bình và kiên cường, trao quyền cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất để họ được hưởng lợi ích từ nền kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao những kết quả cụ thể đạt được trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, tái khẳng định cam kết về một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động và kết nối nhất thế giới. Tuyên bố cũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu nhiều thách thức.

Đây là lần thứ 3 Peru đăng tai tổ chức APEC sau các năm 2008 và 2016. Sự kiện diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi thế giới chứng kiến xu hướng phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng những dấu hiệu rõ rệt của khủng hoảng khí hậu.

Đánh giá về những kết quả đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Tổng thống Peru Dina Boluarte nhấn mạnh: “Chúng ta đã kết thúc thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 31 dưới sự chủ trì của Peru... Tuyên bố được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 31 phản ánh tầm nhìn về xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và kiên cường, trao quyền cho người dân để hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu”.

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 31 cũng chính thức khép lại vai trò Chủ tịch của Peru. Là nước Chủ tịch APEC 2025, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận những thách thức đang chờ đợi tại hội nghị thượng đỉnh năm tới, đồng thời lưu ý những vấn đề do các chính sách bảo hộ gây ra.

“Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong hệ thống thương mại đa phương do chuỗi cung ứng bị phân mảnh và chủ nghĩa bảo hộ gây ra. Ngoài ra, những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, chẳng hạn như khủng hoảng khí hậu, tăng trưởng thấp cố hữu và rủi ro địa chính trị ở Ucraina và Trung Đông. Với tư cách là chủ tịch APEC vào năm tới, Hàn Quốc đang phải gánh trên vai gánh nặng lớn hơn bao giờ hết”, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 31, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua 11 tuyên bố của Bộ trưởng và 8 văn bản chính sách kỹ thuật. Trong đó, Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại kêu gọi khôi phục hợp tác đa phương, giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội, mang lại lợi ích hữu hình cho người dân khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Lộ trình Lima đề xuất các khuyến nghị về chính sách công để giải quyết vấn đề phi chính thức trong các nền kinh tế APEC bằng cách tiếp cận toàn diện. Công cụ chính sách kỹ thuật này được coi là kết quả quan trọng nhất của APEC Peru 2024. Bên cạnh đó là Các nguyên tắc và khuyến nghị tự nguyện của APEC về bình đẳng giới và cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ  và Tuyên bố Ichma về “Diện mạo mới của Khu vực thương mại tự do” trong chương trình nghị sự châu Á-Thái Bình Dương.

Từ khóa: APEC, châu Á-Thái Bình Dương, APEC 2024

Thể loại: Thế giới

Tác giả: thu hoài/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan