Áp lực y tế cơ sở khi điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Cập nhật: 10/12/2021

[VOV2] - Nhiều địa phương hiện đã thực hiện theo dõi điều trị F0 không không triệu chứng tại nhà và các cơ sở thu dung ở tầng 1. Điều này tăng thêm áp lực cho y tế cơ sở từ việc quyết định điều trị tại tầng nào đến theo dõi, điều trị F0...

Y tế phường, xã và những phần việc chưa từng có trong tiền lệ

Trong các đợt dịch Covid-19, y tế cơ sở, cụ thể là cấp phường, xã là một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vai trò của y tế cơ sở thể hiện rất rõ ràng trong việc xét nghiệm, điều tra, tuy vết, hỗ trợ tất cả các tuyến trong phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid 19. Đây là điều PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng Bộ môn Y học gia đình, trường Đại học Y Hà Nội khẳng định.

Hiện nay, sau khi lượng vaccine đã phủ tương đối, cộng thêm quyết tâm mở cửa để phục hồi kinh tế và sống chung với đại dịch, vai trò y tế cơ sở đã có thay đổi lớn khi ở vị trí kiểm soát, thậm chí điều trị những ca nhiễm không triệu chứng...

Số ca nhiễm mới thường xuyên trên 10.000 ca. Số người F0 tại cộng đồng cao nhưng triệu chứng ít hoặc nhẹ hơn được điều trị tại tầng 1 gồm tại nhà hoặc các cơ sở thu dung của tầng 1. Trách nhiệm quản lí, điều trị các ca F0 của y tế cơ sở cũng bởi thế sẽ tăng lên.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, thông thường, mỗi trạm y tế phường, xã chỉ khoảng dưới 10 người. Trong đó nhiều nhất chỉ có 1 bác sỹ, phụ trách nhiều phần việc khác nhau, từ khám chữa bệnh thông thường, tiêm vaccine cho trẻ, tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, cấp phát thuốc thông thường. Và giờ thêm nhiệm vụ truy vết, ghi nhận số liệu, phân loại F0 để chuyển tuyến hoặc điều trị tại cơ sở, cung ứng thuốc… Chưa kể nhiều địa phương như Hà Nội, dịch chồng dịch, ví dụ như cùng lúc lưu hành dịch sốt xuất huyết, tạo nên áp lực quá tải cho công việc của y tế cơ sở.

Hệ thống y tế cấp xã, phường được xây dựng và vận hành từ rất lâu buộc phải chuyển mình nhanh chóng trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid 19, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh.

Thực tế ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, nhiều cán bộ y tế xã, phường đồng loạt xin nghỉ việc trước sức ép công việc và trách nhiệm quá lớn. Hà Nội và các địa phương gần đây mới bắt đầu triển khai các biện pháp phòng chống dịch thích ứng linh hoạt với tình hình mới bằng việc cho phép F0 không triệu chứng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, như lời bác sỹ Nguyễn Tường Phượng, Trạm trưởng Trạm y tế phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, địa bàn ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng khá cao, khối lượng công việc gấp nhiều lần so với trước tạo nên áp lực lớn cho anh em trong trạm. 

"Một người nhiễm Covid không triệu chứng sẽ được điều trị ở nhà như thế nào? Điều kiện cơ sở vật chất ra sao để ra quyết định hướng điều trị? Việc theo dõi và kiểm soát diễn biến của từng bệnh nhân khi lực lượng quá mỏng… Rất nhiều vấn đề được đặt ra với y tế cơ sở", bác sĩ Tường Phượng chia sẻ.

Làm gì để nâng cao năng lực của lực lượng phòng chống dịch ở cơ sở?

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, dịch bệnh với tốc độ lây lan lớn không cho phép chờ đợi chỉ đạo hoặc hoàn thiện quá nhiều thủ tục. Một bệnh nhân ở cộng đồng cần được quyết định sớm trong vài tiếng đồng hồ về hướng điều trị cũng như xử lí các vấn đề lây nhiễm trong cộng đồng. Bản thân người nhiễm bệnh cũng mong đợi và đặt niềm tin vào lực lượng y tế giữ thẩm quyền quyết định ngay tại thời điểm phát hiện.

Trong điều kiện hoàn hảo, toàn bộ dữ liệu về bệnh nhân đã có sẽ góp phần để cán bộ y tế cơ sở sớm đưa ra quyết định. Tuy nhiên, tất cả những thông tin về điều kiện cách li tại nhà, các thành viên trong gia đình…vẫn đang trong giai đoạn điều tra và thống kê. Vì vậy, theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, không chỉ cần hoàn thiện hồ sơ mà cần điện tử hóa và kết nối thông tin phục vụ những trường hợp khẩn cấp như phòng dịch và giảm áp lực cho y tế cơ sở.

Bác sỹ Nguyễn Tường Phượng cho biết, gần đây, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã kêu gọi sự chung tay, góp sức của những bác sỹ, y tá đã nghỉ hưu cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, theo Trưởng trạm y tế phường Vĩnh Phúc, rất cần có cơ chế cho những người tham gia những phần việc nặng nhọc, vất vả và cả nguy hiểm cùng sự hỗ trợ trang thiết bị cũng như những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn từ ngành y tế để một đơn vị như y tế phường đủ sức thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Sự thông cảm, ý thức phòng dịch của người dân cùng sự hỗ trợ, đồng cảm từ lãnh đạo ngành y tế, đặc biệt là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và chính quyền sở tại theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh sẽ góp phần làm nên sức mạnh cho y tế cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Số ca mắc nhiều địa phương trên cả nước đang tăng lên khi chúng ta chuyển sang giai đoạn mới. Thực tế, người dân nhiều nơi đang quay về “bình thường cũ” bằng những cuộc tụ tập đông người, bằng việc không thực hiện 5K. Việc phủ Vacccine đã và đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên kể cả người được tiêm đầy đủ 2 mũi vacccine vẫn có thể lây nhiễm. Cùng với thời gian kháng thể sẽ giảm dần. Ngành y tế đang lên phương án tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, “Không bao giờ được quên yêu cầu 5K trong phòng chống Covid 19”, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh.

Từ khóa: f0 điều trị tại nhà, y tế cơ sở, y tế phường, phường Vĩnh Phúc, điều trị bệnh nhân covid, không triệu chứng, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập