Ảnh hưởng của dịch nCoV có lo thiếu lương thực, thực phẩm?

Cập nhật: 03/02/2020

VOV.VN - Bộ Công thương đã xây dựng kịch bản xấu nhất để đảm bảo đáp ứng nguồn cung hàng hóa thiết yếu trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước. Tăng nguồn dự trữ hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm từ 30-50% tại các trung tâm thương mại; phối hợp phân phối, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử để giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tiêu dùng tiền mặt qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người sang người… là những thông tin được ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết qua trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.

Phóng viên: Thưa ông, trong những ngày vừa qua trên thị trường đã chứng kiến tình trạng găm hàng ép giá ở thị trường nội địa đối với một số mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế… Vậy trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Công Thương có những động thái như thế nào để đảm bảo các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước?

anh huong cua dich ncov co lo thieu luong thuc, thuc pham? hinh 1
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương (Ảnh: KT)

Ông Trần Duy Đông: Trước hết, đối với những mặt hàng vừa qua xảy ra tình trạng tương đối khó khăn là mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế, hiện Vụ Thị trường trong nước cũng đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong cả nước ra quân đồng loạt, tăng cường kiểm tra hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá theo đúng hướng dẫn của pháp luật như Nghị định hướng dẫn Luật giá, theo những hướng dẫn trong thời gian dịch bệnh, thiên tai… nếu doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm thì phải có những biện pháp xử lý nghiêm.

Việc thứ hai cũng liên quan đến mặt hàng này, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu và làm việc với các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương để nắm được năng lực sản xuất cũng như tránh tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng khẩu trang bằng vải để phục vụ cho việc phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Hiện các doanh nghiệp mà Bộ Công Thương làm việc đều cam kết, sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cung ứng cho thị trường đối với mặt hàng khẩu trang vải. Tuy nhiên, mặt hàng hàng này trước khi đưa ra lưu thông, phân phối, để đáp ứng phòng chống dịch thì cũng phải được Bộ Y tế công nhận và chúng tôi nghĩ rằng Bộ Y tế cũng sẽ sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương trong việc công nhận về tiêu chuẩn, quy chuẩn của mặt hàng khẩu trang vải để đưa ra thị trường đáp ứng phòng chống dịch.

Liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm khác như lương thực, thực phẩm, rau quả… thì Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với các nhà phân phối lớn như VinMart, Big C, Sài Gòn Coop… và những nhà sản xuất để có kịch bản, phương án đáp ứng đủ nguồn hàng, các nhu yếu phẩm và trên tinh thần theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng Bộ Công thương là chúng ta phải chuẩn bị kịch bản, kể cả kịch bản xấu nhất.

Phóng viên: Ông vừa nói về kịch bản xấu nhất và những phương án, những tính toán đã được đưa ra để đáp ứng được nguồn cung ở thị trường trong nước khi dịch bệnh xảy ra ở cấp độ cao. Vậy xin được hỏi ông, việc tổ chức hệ thống dự trữ cũng như mạng lưới bán hàng được Bộ Công Thương tính toán triển khai như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Các kịch bản này thì Bộ Công thương cũng đã tính đến và cũng như theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, chúng tôi chuẩn bị phương án cao nhất và phương án xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát theo cấp độ cao nhất. Chính vì thế, chúng tôi đã yêu cầu các hệ thống phân phối lớn đều tăng dự trữ nguồn hàng của quý I năm 2020 từ 30-50% so với năm 2019. Cụ thể như tôi đã chia sẻ thông tin về kế hoạch mua hàng và tăng cường nguồn hàng của những hệ thống phân phối lớn như Vinmart, SaiGon Coop, Big C… Chúng tôi cũng đã yêu cầu Ban Quản lý các chợ đầu mối tăng cường cung cấp hàng để có nguồn hàng dự trữ.

Một số các nhà cung cấp lớn đã cung cấp số liệu cho chúng tôi như VinMart chẳng hạn thì những mặt hàng nhu yếu phẩm lương thực thực phẩm trong quý I này và nguồn dự trữ đều tăng từ 30 đến 50%. Ví dụ như hôm nay chúng tôi vừa nhận được báo cáo và cam kết của Vinmart gửi về thì họ đều có kế hoạch chuẩn bị ổn định nguồn hàng so với quý I của năm 2019 đều tăng khoảng 50% tùy từng mặt hàng, và đa số là tăng từ 30 đến 50%. Ví dụ như: gạo họ có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung tăng 50%, thịt lợn tăng 30%, thịt gà 30%, các loại như thịt bò, hải sản, thực phẩm chế biến thì đều tăng khoảng 40%, rau củ quả, dầu ăn cũng như vậy.

Nói chung, tất cả những mặt hàng thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng là hệ thống phân phối đều thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công thương và sẵn sàng chuẩn bị nguồn cung tăng trưởng khoảng 30% đến 50%.

Phóng viên: Thưa ông đã có một số thông tin lo ngại về tình hình cung ứng các thực phẩm thiết yếu. Vậy dưới góc độ quản lý nhà nước ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Trần Duy Đông: Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay chúng ta có thể yên tâm về nguồn cung các mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, lương thực đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như thế này thì phía Trung Quốc cũng đã có chính sách đóng cửa những cặp chợ ở vùng biên đến ngày mùng 8 tháng 2. Bộ Công Thương cũng đang phải tìm những giải pháp để tiêu thụ nông sản khi trước đây một số lượng rất lớn các mặt hàng nông sản chúng ta xuất sang Trung Quốc thì bây giờ phải tìm những thị trường xuất khẩu thay thế. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước. Do đó, tôi nghĩ rằng nguồn cung cấp các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm về cơ bản đáp ứng đủ.

Chỉ có trong một vài ngày vừa qua có hiện tượng cục bộ một vài điểm rất nhỏ lẻ mặt hàng rau củ quả tăng giá và có thiếu một chút là do vừa rồi mưa đá xảy ra ở ngay trong dịp Tết nên cũng ảnh hưởng một phần đến nguồn cung và chưa trồng kịp để thay thế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã làm việc với các nguồn cung. Ví dụ như chúng tôi đã làm việc với Sở Công thương Thanh Hóa thì Thanh Hóa cũng đã sẵn sàng đưa ra để có nguồn cung điều tiết cung cầu, bù đắp cho một số địa điểm tại các tỉnh chịu sự thiệt hại của mưa đá hay ở một vài điểm tại Hà Nội có chuyện rau củ quả tăng giá… thì cũng đã có nguồn cung được điều từ những tỉnh có nguồn dồi dào mà không bị ảnh hưởng mưa đá để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phóng viên: Thưa ông, từ thực tế của thị trường, trước diễn biến của dịch bệnh hiện nay, Bộ Công Thương có khuyến cáo như thế nào tới người dân cũng như những đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước với Chính phủ và các bộ ngành để có thể quản lý tốt thị trường trong nước?

Ông Trần Duy Đông: Về cơ bản như tôi đã nói thì vấn đề thị trường trong nước vừa qua chủ yếu là liên quan đến mặt hàng khẩu trang, một số mặt hàng liên quan đến dịch bệnh có nhu cầu tăng đột biến như thuốc kháng khuẩn, thuốc sát trùng, găng tay y tế. Về việc này, chúng tôi cũng đã có phương án và trao đổi với Bộ Y tế để tăng nguồn cung ra rồi. Còn liên quan tới các mặt hàng khác thì Bộ cũng đã có những giải pháp để tăng tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản mà đối với thị trường Trung Quốc có thể xảy ra chuyện gián đoạn xuất khẩu để mà tiêu thụ những mặt hàng này trong nước cũng như đẩy mạnh tìm nguồn thay thế.

Đối với người tiêu dùng, tôi cho rằng người dân cũng nên bình tĩnh đối với dịch bệnh này và tôi nghĩ rằng nhu yếu phẩm trong nước có đủ, yên tâm về nguồn cung và tránh bị cuốn theo tại một điểm, hay một số thương nhân họ lợi dụng dịp này để đẩy giá lên.

Về cơ bản, tôi khẳng định rằng nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ. Còn những mặt hàng khác thì các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương đang có kế hoạch đáp ứng đủ cho nhu cầu cùng với việc quản lý rất chặt thị trường trong nước thì hiện tượng găm hàng, tăng giá kể cả các mặt hàng như khẩu trang cũng như thuốc diệt khuẩn, thuốc sát trùng hay những mặt hàng trang thiết bị y tế thì giá cả cũng như nguồn cung cũng sẽ được đáp ứng đủ.

Phóng viên: Thưa ông, cùng với việc đảm bảo nguồn cung thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm được quan tâm như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Vâng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì vấn đề an toàn thực phẩm càng cần phải được tăng cường. Chính vì thế, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm. Chúng tôi đề nghị trong giai đoạn hiện nay, các chợ, các tiểu thương, đặc biệt là những chợ truyền thống - nơi vấn đề an toàn thực phẩm chưa được tốt như các hệ thống phân phối hiện đại thì chúng tôi đề nghị các tiểu thương đều phải ký các cam kết đảm bảo nguồn hàng an toàn thực phẩm.

Thứ hai, chúng tôi cũng có yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, lưu thông, buôn bán những mặt hàng động vật hoang dã hay những mặt hàng có nguy cơ truyền nhiễm bệnh cao, mặc dù việc này pháp luật đã cấm rồi, nhưng trong giai đoạn này thì càng phải tăng cường hơn nữa. Bởi vì nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng dịch bệnh truyền nhiễm từ tỷ lệ qua động vật như cầy hương, tê tê, rắn, rắn, rơi…

Chúng tôi cũng đề nghị các nhà cung cấp hàng vào các hệ thống phân phối và ngược lại, trong giai đoạn hiện nay, các nhà phân phối cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhập nguồn hàng từ các nguồn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, tăng cường nhập hàng và cung cấp hàng đưa vào hệ thống phân phối.

Phóng viên: Thưa ông trước diễn biến của thị trường như vậy thì cơ quan quản lý nhà nước nhận định như thế nào về xu hướng tiêu dùng của năm 2020, và Vụ thị trường trong nước đặt ra những kế hoạch cụ thể như thế nào để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường?

Ông Trần Duy Đông: Đối với dịch bệnh như thế này thì sẽ tác động tới thị trường trong nước. Thứ nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa năm nay có thể giảm do hai ngành là ngành ăn uống dịch vụ và vui chơi giải trí là chịu tác động trực tiếp nêntổng mức bán lẻ có thể giảm.

Thứ hai là xu hướng và phương thức kinh doanh tại thị trường trong nước và thị trường bán lẻ có thể sẽ có vận động theo hướng người tiêu dùng, người dân sẽ chuyển từ chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại, siêu thị để tìm kiếm các nguồn hàng đảm bảo an toàn thực phẩm hơn, chất lượng tốt hơn và đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Thứ ba là phương thức kinh doanh mua bán hàng của người dân cũng sẽ hướng tới mua bán điện tử, và giao dịch qua thương mại điện tử, mua bán online để tránh phải đi tới nơi trực tiếp, cộng với đó là phương thức thanh toán cũng sẽ sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn.

Chính vì thế, Vụ Thị trường Trong nước cũng đã phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số để làm việc với các trung tâm thương mại, các hệ thống phân phối để hỗ trợ họ về phương thức bán hàng cũng như phương thức thanh toán theo đúng xu thế dịch chuyển. Bởi vì trong thời gian tới, cùng với chuyển hướng tới thương mại điện tử và người tiêu dùng lựa chọn chuyển sang các kênh bán hàng hiện đại thì cùng với đó kể cả khâu thanh toán cũng sẽ không tiền mặt nhiều hơn để đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh qua việc thanh toán bằng tiền mặt.

Phóng viên: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!

Từ khóa: corona, virus corona, nCoV, khẩu trang, găm hàng ép giá

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập