Anh hùng Phạm Tuân: “Đừng bao giờ quên 12 ngày đêm lịch sử”
Cập nhật: 28/12/2019
APF thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc
VOV.VN - Cái tên Phạm Tuân đã đi vào lịch sử khi ông là phi công đầu tiên bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ và trở về an toàn.
Hà Nội mùa đông năm 1972 cách đây 47 năm đã chứng kiến 12 ngày đêm khói lửa trong trận chiến Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không với chiến thắng vang dội, đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ đưa Hà Nội về thời kỳ “đồ đá”.
Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng thời cũng tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Nhắc đến "Điện Biên Phủ trên không" không thể không nhắc tới Anh hùng phi công Phạm Tuân- phi công đầu tiên bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội.
Anh hùng phi công Phạm Tuân |
Trở thành phi công từ anh thợ máy
Phạm Tuân quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Tháng 9 năm 1965, khi đang học năm cuối cấp III, Phạm Tuân được gọi vào nhập ngũ. Lúc đó chàng thanh niên Phạm Tuân chỉ cao 1,65m và nặng 52kg, không đủ tiêu chuẩn để thi tuyển phi công. Phạm Tuân đi học thợ máy, sửa chữa máy bay. Sau một thời gian ngắn, do thiếu phi công chiến đấu, Phạm Tuân được tuyển lại học phi công và tốt nghiệp trường Không quân Liên Xô năm 1967, về nước chiến đấu năm 1968 cho đến hết chiến tranh.
Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ máy bay B-52 (tiêm kích bay đêm yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhiều so với lái tiêm kích ban ngày).
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức của ông về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng nhất.
Đêm 18/12, khoảng 7h tối, địch bắt đầu mở chiến dịch đánh vào Hà Nội. B52 bay ở độ cao khoảng 10km, tốc độ từ 900-950km/giờ. MIG- 21 của Việt Nam khi đó có thể tiêu diệt B52. Tuy hiên, chúng chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đưa B52 vào Hà Nội. Mỗi khi xuất kích chiến đấu, B52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4,F100, F111,... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất tốt, nên chúng ta rất khó phát hiện ra B52 để triển khai tấn công.
“Chúng tôi nhận được lệnh của trên là bằng mọi cách phải ngăn chặn. Không quân phải cất cánh, tên lửa phải đánh với mệnh lệnh, nếu không bắn được B52 thì phải xua đuổi để không cho chúng vào Hà Nội. Bảo vệ mục tiêu là trên hết” – Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Và cái tên Phạm Tuân đã đi vào lịch sử khi ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Máy bay tiêm kích MIG-21 F96 mang số hiệu 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái đã bắn hạ siêu pháo đài bay B52. |
Máy bay B52 của Mỹ thời đó được coi là “Siêu pháo đài bay”, là một trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, gồm: B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó là vũ khí chiến lược, hay còn gọi là “quả đấm thép” của Mỹ để triển khai cuộc chiến tranh hiện đại.
Phi công đầu tiên bắn rơi B52
Khoảng 17h ngày 27/12/1972, Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Đến khoảng 22h cùng ngày, Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay này, khi bay qua tầng mây, ông đã nhìn thấy rất nhiều máy bay yểm trợ cho B.52 là F4, nhưng không được đánh và phải bay vòng qua để tìm B52. F4 lúc đó cũng không phát hiện ra MIG-21.
Sau khi vọt qua đội F-4 hộ tống, ông tiếp cận hai chiếc B-52, khi còn cách B-52 khoảng 4 km, dẫn đường mặt đất ra lệnh bắn, nhưng Phạm Tuân chờ thêm mấy giây để tiếp cận gần hơn rồi mới bắn. Chiếc MiG-21 cũng tắt radar và các thiết bị liên lạc để B-52 không phát hiện ra là đang bị áp sát. Ông bắn rơi một chiếc trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái.
“Đấy là trận đầu tiên không quân bắn rơi B52. Chúng tôi vui lắm vì không quân đã hoàn thành nhiệm vụ!” – Trung tướng Phạm Tuân kể.
Anh hùng Phạm Tuân thời trẻ. Ảnh tư liệu |
Nói về nguyên nhân vì sao phải đến giai đoạn cuối của chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không" — từ tối 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972, không quân của ta mới bắn rơi được máy bay B52 của Mỹ, trong khi đó các lực lượng khác đã bắn hạ được B52 rất nhiều, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Trước khi đem B52 ra đánh phá miền Bắc, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của chúng ta. Mỹ nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào… và thuộc từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin mang B52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác vào cuối năm 1972.
Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại. Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F11.
Ba lần được phong tặng Anh hùng
Sau chiến công xuất sắc hạ B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tiếp đó khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng năm đó (1980), ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi.
Nhìn lại lịch sử, soi lại quá khứ, Trung tướng Phạm Tuân khẳng định: “Dưới thời đại Hồ Chí Minh, trận Điện Biên Phủ trên không mang ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước thất bại của Đế quốc Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Nếu như chúng ta không có trận Điện Biên Phủ trên không, chắc chắn cuộc chiến tranh của chúng ta còn kéo dài và sẽ còn những gian khổ, hy sinh nhiều hơn. Chiến thắng này đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, đi đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973”
"Sau này, Mỹ đã dùng các loại vũ khí hiện đại đánh ở nhiều nước thuộc khu vực Trung Đông như Syria, Iraq. Họ có lực lượng mạnh hơn Việt Nam nhưng cũng không thể làm nên chiến thắng như Việt Nam đã làm bởi chúng ta có ý chí, có sách lược và nghệ thuật quân sự, tạo thành sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn mà ngay cả Mỹ cũng không đánh giá hết được"- Anh hùng Phạm Tuân cho biết.
Trao truyền lịch sử cho thế hệ trẻ
Bước sang tuổi 74, Anh hùng Phạm Tuân đã có 12 năm nghỉ hưu. Nhiều năm tham gia chiến trận, giờ là lúc ông muốn được nghỉ ngơi, đi thăm thật nhiều nơi trên đất nước Việt Nam- những nơi mà trước đây, ông chỉ nhìn thấy từ trên cao. Ông bảo, mình thật may mắn vì đã đi hết chiến tranh mà vẫn còn lành lặn để hưởng không khí hòa bình.
Anh hùng Phạm Tuân được các em học sinh mến mộ |
Khi đến nói chuyện với thế hệ trẻ, ông thường rất tự hào khi nói về Không quân Việt Nam, về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử, về những kỷ niệm đáng nhớ khi bay vào Vũ trụ, truyền cảm hứng và khát vọng tuổi trẻ cho các em.
Năm nay, đúng dịp kỷ niệm trận Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng Phạm Tuân dù không được khỏe do cái chân của ông đang đau, nhưng ông vẫn dành thời gian đến nói chuyện với các em học sinh ở trường THCS Chu Mạnh Trinh- huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
“Tôi muốn các em đừng bao giờ quên lịch sử, nhất là những người trẻ. Chúng ta đã có một quá khứ hào hùng, Hà Nội từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tôi muốn kể lại để các em hiểu được, thời đó, cha anh chúng đã sống và chiến đấu thế nào. Tôi muốn các em đừng quên trận chiến Điện Biên Phủ trên không và 12 ngày đêm lịch sử của Hà Nội"- Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Trung tướng Phạm Tuân xúc động đón nhận bó hoa từ cô hiệu trưởng trường THCS Chu Mạnh Trinh (Văn Giang- Hưng Yên). |
Chọn một cuộc sống giản dị khi rời cánh bay, Phạm Tuân- người 3 lần được phong Anh hùng nói rằng: Tôi rất vinh dự khi được nhận những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhờ có tập thể, nhờ có nhân dân, nhờ có đồng chí, đồng đội, mình đã vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ. Danh hiệu Anh hùng thuộc về nhân dân, về đồng chí, đồng đội mà mình chỉ là người thực hiện mà thôi./.
Từ khóa: phạm tuân, điện biên phủ trên không, mỹ đánh phá hà nội, noel năm 1972
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN