Anh cung cấp tên lửa Storm Shadow hỗ trợ Ukraine tấn công vào sâu lãnh thổ Nga

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Anh dự kiến sẽ cung cấp tên lửa Storm Shadow để hỗ trợ Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cung cấp loại vũ khí tầm xa tương tự là ATACMS.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết Vương quốc Anh nhận thấy cần phải "tăng cường" hỗ trợ Ukraine - nơi hệ thống điện đã bị hư hại nghiêm trọng bởi các cuộc ném bom của Nga hôm 17/11, đồng thời kỳ vọng các quốc gia châu Âu khác sẽ noi theo hành động ủng hộ của Mỹ. 

"Chúng ta phải bảo đảm Ukraine nhận được những gì họ cần, vào thời điểm họ cần, bởi chúng ta không thể để ông Putin thắng cuộc xung đột này," ông Starmer nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tăng cường hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là về các hệ thống tên lửa tầm xa.

Động thái này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine bày tỏ sự thất vọng với Anh về vấn đề tên lửa tầm xa, phàn nàn rằng không những không có tiến triển trong việc sử dụng tên lửa ở Nga, mà Anh còn ngừng cung cấp loại tên lửa này.

Tên lửa Storm Shadow có tầm bắn khoảng 250km, tương tự tên lửa ATACMS của Mỹ, đã được Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu được quốc tế công nhận phía bên kia biên giới. 

Tuy nhiên, trước đó, Mỹ vẫn kiên quyết áp đặt hạn chế với việc sử dụng loại tên lửa này, bất chấp mọi nỗ lực vận động của Anh. Lập trường này sau đó mới dần được nới lỏng khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua bầu cử Mỹ đầu tháng 11 năm nay.

Ngày 17/11 vừa qua, Tổng thống Biden đã nhượng bộ và cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để đối phó cuộc phản công dự kiến có sự tham gia của khoảng 50.000 lính Nga tại Kursk, sau nhiều năm từ chối cấp phép.

Trước hành động này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Rõ ràng, chính quyền sắp mãn nhiệm ở Washington đang tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa và làm gia tăng căng thẳng quanh cuộc xung đột tại Ukraine".

Ông Peskov cũng nhắc lại cảnh báo của Tổng thống Putin hồi tháng 9, rằng việc NATO cho phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga sẽ đồng nghĩa với hành động trực tiếp “tham chiến” của NATO. Từ đó, Nga sẽ "đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa", bao gồm khả năng cung cấp vũ khí tầm xa cho các quốc gia khác để tấn công các mục tiêu ở phương Tây.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot cho biết Tổng thống Macron sẵn sàng xem xét việc cấp phép sử dụng tên lửa Storm Shadow của Pháp tấn công lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho rằng quyết định của Tổng thống Biden là "quan trọng" và "cần thiết", dù Đức vẫn giữ quyết định không cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine.

Tuy nhiên, cũng có sự chỉ trích từ Hungary khi Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó tuyên bố: "Những người ủng hộ chiến tranh chính thống đã phát động cuộc tấn công cuối cùng, sau khi tuyệt vọng vào thực tế mới".

Từ khóa: tên lửa, tên lửa storm shadow, hỗ trợ ukraine, tấn công lãnh thổ nga, tên lửa tầm xa, vũ khí tầm xa, atacms, xung đột ukraine

Thể loại: Thế giới

Tác giả: ctv tố uyên/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập