Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong mùa lũ
Cập nhật: 28/10/2020
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc – Viện Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội khuyến cáo cách ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và phòng bệnh đường ruột.
Thiếu nước sạch và thực phẩm do lũ có thể khiến người dân miền Trung mắc các bệnh đường tiêu hóa. PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc – Viện Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội khuyến cáo cách ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và phòng bệnh đường ruột.
- Phóng viên: Thưa bác sĩ, chế độ dinh dưỡng của người dân nên điều chỉnh như thế nào để hồi phục sức khỏe sau lũ?
- PGS Trịnh Bảo Ngọc: Có những nguyên tắc cần đảm bảo đó là ăn đủ dinh dưỡng và không bỏ bữa. Việc ăn no là cần thiết nhưng trong điều kiện lũ lụt thì việc có đủ thực phẩm để ăn no là điều rất khó khăn. Chính vì thế, có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm này như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô.... Cố gắng bổ sung chất đạm như: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc.... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước. Cần quan tâm nhất ở đây là bổ sung đạm, dầu mỡ đó những chất bị thiếu hụt khi phải nhịn đói nhiều ngày.
Cần có những bữa ăn hằng ngày với đầy đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể một cách từ từ, lượng thức ăn sẽ tăng dần lên cho đến khi nhịp sống trở lại bình thường. Nhóm vitamin và chất khoáng cũng không thể thiếu, có thể ăn rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang tại địa phương. Rau quả nên dùng tươi, tránh sử dụng rau quả dập nát, nấu xong rồi ăn ngay để tránh hao hụt vitamin. Ngoài ra, có thể mua một số vitamin sẵn có bằng chế phẩm và đa khoáng chất. Uống liên tục từ 7-10 ngày. Những chất này cần thiết đặc biệt là cho người cao tuổi và trẻ em.
- Phóng viên: Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn thực phẩm sau lũ?
- PGS Trịnh Bảo Ngọc: Trong mọi hoàn cảnh phải lưu ý lựa chọn thức ăn sạch, an toàn, chế biến dạng luộc, hầm để dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Người dân nên ăn chín uống sôi. Ăn rau quả tươi, tránh để dập. Chọn thực phẩm tươi sống phải còn tươi. Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sắn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung và còn hạn sử dụng. Nước ngập khó tránh việc các loại thực phẩm khô như lạc gạo, đậu … bị ẩm hoặc mốc, bà con tuyệt đối không nên tận dụng để ăn vì có thể gây ảnh hưởng sức khỏe.
Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ. Khu chế biến phải được vệ sinh sạch sẽ. Thực sự khó khăn khi nguồn nước sạch không có ngay một lúc. Chúng ta vẫn có thể khắc phục được bằng cách đun sôi toàn bộ bát đũa, dùng hàn the để lọc thô, lắng cặn những chất bẩn để làm sạch nước. Đợi đến có nước sạch về thì lại đun sôi những đồ dùng này lần nữa để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn đường ruột….
- Phóng viên: Thưa bác sĩ, để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bà con cần tuân thủ những nguyên tắc gì trong bảo quản thức ăn đã qua chế biến?
- PGS Trịnh Bảo Ngọc: Cần bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn. Lưu ý thức ăn cũ cần chú ý không để bị ôi thiu, khi thức ăn bị hỏng cần đổ bỏ. Thức ăn cần được che đậy để tránh bụi, ruồi nhặng hay sự xâm nhập của côn trùng, gặm nhấm và các động vật khác. Không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín vì dễ nhiễm vi khuẩn. Bà con tuyệt đối không nên để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu vực chế biến thực phẩm.
- Xin cảm ơn bác sĩ./.
Từ khóa: mưa lũ, dịch bệnh sau lũ, an toàn thực phẩm, lũ miền Trung
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN