Ấn tượng Kỳ họp Quốc hội gần cuối nhiệm kỳ
Cập nhật: 19/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nhiều quyết sách cũng như nội dung bàn thảo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV để lại ấn tượng ở cả lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng và giám sát.
Diễn ra trong bối cảnh gần cuối nhiệm kỳ và trong điều kiện khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự đổi mới phương thức hoạt động bằng hai đợt họp trực tuyến và tập trung, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra. Nhiều quyết sách cũng như nội dung bàn thảo đều để lại ấn tượng ở cả công tác lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát.
Trước hết phải kể đến công tác xây dựng pháp luật. Với việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật. Và có lẽ cũng lần đầu tiên lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến các đại biểu bằng phiếu về nhiều nội dung liên quan đến dự án luật ngay tại kỳ họp ở vòng 1 – tức vòng cho ý kiến vào dự án luật.
Các ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, tranh luận về nội dung nào đó trong dự thảo luật lần đầu trình Quốc hội là điều rất bình thường, qua đó giúp cho Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện để tiếp tục trình UBTVQH thảo luận trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua ở vòng 2 tại kỳ họp tiếp theo. Nhưng điểm khác mà theo đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì đây là sự đổi mới, đó là tiến hành thăm dò ý kiến đại biểu bằng phiếu liên quan tới dự án luật ngay sau phiên thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau và được cử tri, dư luận quan tâm.
Cụ thể ở đây là 2 dự án luật: Bảo đảm an toàn, trật tự giao thông đường bộ và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nội dung lấy ý kiến cũng thẳng thắn khi đặt vấn đề: Tách hay không tách? Cần thiết hay không? Quan điểm của đại biểu cũng rất rõ ràng: “Không tách” và “chưa cần thiết”. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và giải đáp một cách thuyết phục hơn về các vấn đề mà đại biểu đặt ra trên nghị trường.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh – điều mà gần như tất cả các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở Hội trường đều bày tỏ đồng thuận trước khi ấn nút với mong muốn TPHCM tiếp tục là đàu tàu về kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn cho đất nước.
Một trong những điểm rất quan trọng và khác với mô hình ở Hà Nội và Đà Nẵng mà Quốc hội đã quyết trước đây chính là TPHCM không cần tiếp tục thí điểm mà thực hiện luôn việc không tổ chức HĐND quận, phường từ 1/7/2021 trên cơ sở thiết kế quy định đảm bảo quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân, kiểm soát tốt quyền lực. Đây thực sự là quyết định mạnh mẽ của Quốc hội khoá XIV, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
“Quốc hội sẽ truy đến cùng việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Chỉ khi nào Nghị quyết chất vấn được thực hiện thì thôi” – khẳng định này của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã được thể hiện rõ tại Kỳ họp vừa qua, khi Quốc hội giám sát một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Nói cách khác, Quốc hội giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao trong suốt một nhiệm kỳ.
Với tính chất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối nhiệm kỳ, việc chất vấn “không theo chuyên đề”, không khu biệt nhóm vấn đề cũng tạo không khí thẳng thắn, sôi nổi khi nội dung hỏi – đáp đi thẳng vào những vấn đề mà người dân đang quan tâm, thực tế đang đòi hỏi, nhất là những tồn tại, hạn chế, bất cập cần có giải pháp kịp thời, đột phá. Không khí nghị trường cũng từ đó mang đầy hơi thở cuộc sống.
Nhiều Đại biểu Quốc hội thể hiện được bản lĩnh và sự nghiên cứu kỹ lưỡng qua những câu hỏi ngắn gọn, thẳng thắn, đặt ra những vấn đề “nóng”. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã trả lời thẳng thắn với sự cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận sắc sảo, chặt chẽ, thuyết phục, có tính xây dựng, sự chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan hành pháp, tư pháp và cùng trao đổi định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra.
Gói gọn chỉ trong 2,5 ngày, nhưng số lượt hỏi - đáp và tranh luận đã tăng lên đáng kể và cái gì đã làm được, còn gì chưa làm tốt, lĩnh vực nào nhiều tồn tại, vấn đề nào được giải đáp thuyết phục gần như hiện rõ. Tất nhiên Quốc hội có tính liên tục kế thừa, nên những cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục được giám sát và chắc chắc có vấn đề sẽ còn được lật đi lật lại ở Quốc hội khoá XV nếu chưa đạt yêu cầu, dù khi đó người hỏi và trả lời có sự thay đổi. Có thể khẳng định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 đã để lại ấn tượng tích cực trong cử tri và nhân dân về giám sát tối cao của Quốc hội.
Quốc hội thống nhất cho rằng năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ nhưng có nhiều biến động, khó khăn, nhất là những thách thức rất lớn từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Song chúng ta khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân, khẳng định được uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Quốc hội nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KT-Xh 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Với sự tự tin và kỳ vọng, Quốc hội "chốt" mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6%, dù biết rằng tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.
Một điểm quan trọng cần nhắc tới chính là Quốc hội đã thảo luận, góp ý các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học với cách làm dân chủ, cầu thị với nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện, chất lượng, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là các văn kiện lần này đã đánh giá đúng mực về những thành quả, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Vấn đề còn lại là làm sao chúng ta chuyển vị thế và uy tín đó trở thành một động lực của sự tăng trưởng, động lực của sự phát triển trong giai đoạn tới.
Đại biểu Quốc hội cũng thấy rõ định hướng chiến lược dài hạn và tầm nhìn xa hơn, đến năm 2030 và năm 2045 với mục tiêu trở thành nước phát triển. Đôi lúc chúng ta cảm thấy nó hơi xa, hơi cao, nhưng với khát vọng, trí tuệ, đặc biệt của giới trẻ, đại biểu thấy rằng những mục tiêu đưa ra là khả thi.
Vấn đề còn lại là hành động!./.
Từ khóa: Kỳ họp thứ 10, đại biểu Quốc hội, chất vấn, Thủ tướng chính phủ, góp ý văn kiện Đảng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN