Âm vang tinh thần thanh niên Cộng sản từ công trình Thủy điện Hòa Bình

Cập nhật: 22/03/2021

VOV.VN - Cách đây hơn 40 năm, theo nguyện vọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao cho đoàn viên thanh niên là lực lượng chủ công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Ước mơ “Điện khí hóa” của cả nước khi đó đã được bàn tay, khối óc và nhiệt huyết của tuổi trẻ dần biến thành hiện thực. Tinh thần tình nguyện, sự vô tư cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc đã thắp sáng dòng điện phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, để lại một biểu tượng lao động sáng tạo cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, từ cuối năm 1979, hàng chục nghìn thanh niên khắp mọi miền đất nước đã tình nguyện đi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Trên công trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó, mọi người không quản khó khăn, gian khổ, hăng say lao động tới ba ca, bốn kíp “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”.

Nhớ lại những ngày làm việc quên mình ngay tại quê hương, nơi có Công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình, Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng cho biết, khi đó bà không biết tiếng Nga, để học lái máy xúc, phương pháp duy nhất là quan sát để làm theo chuyên gia người Nga. Người phụ nữ bé nhỏ đã chiến thắng chính mình khi lái được máy xúc lớn, chỉ một gầu xúc, đất đá đã đầy một xe. Cho dù tại công trường xây dựng thủy điện ngày đó nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, công việc vất vả, hiểm nguy, nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thúc giục những bàn tay, khối óc biến dòng sông thành điện.

Nhớ lại quãng thời gian làm việc tới 45 công lao động trong một tháng, bà Lê Thị Ngừng tự hào kể: “Thời gian tôi làm sợ nhất có một đêm, đúng ca tôi làm, gồm một kíp 5 người, cả thợ điện và người kéo cáp phải 2 người mới chuyển được cáp đi. Hôm đó trời chuyển cơn mưa rất nhanh, xung quanh là núi cao, dưới là hố sâu, cơn mưa ào nước xuống, cả đội chạy vội lên xe đánh máy lên nửa chừng núi thì mất điện, mưa trút xuống. Sau đó tôi lội nước toàn thuốc mìn. Sau trận đó tôi bị ngấm thuốc mìn vào ốm liệt toàn thân, cứ nghĩ là sắp chết. Nhưng sau 1 tháng tập đi lại được, lại đi lái máy bình thường. Thời gian đó hăng hái, tất cả mọi người như vậy, không biết mệt, với mong muốn sớm có điện cho đất nước để đời sống gia đình đều được hưởng thành quả.”

Cũng nghe theo tiếng gọi sông Đà, ông Nguyễn Đình Thiết, nguyên Phó ban Thanh niên Công nghiệp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều năm đóng góp sức trẻ cho Công trường Thủy điện Hòa Bình. Điều mà ông không thể nào quên là những ngày tháng ngăn sông, đắp đê trong mùa mưa bão. Cả công trường làm việc trắng đêm để những tổ hợp công trình ngầm không bị ngập nước. Nhớ về những kỷ lục được xác lập trên công trường thế kỷ này, ông Thiết cho biết, chỉ cần nghe tên gọi của những khẩu hiệu lao động như “Cao độ 81 hay là chết” là cảm xúc về một thời làm việc khẩn trương, hăng say, vượt khó của thế hệ trẻ lúc bấy giờ lại ùa về.

“Khó khăn nhất của những người làm thủy điện là quá trình ngăn sông, nếu không tính toán kỹ, không đúng thời điểm làm thì sẽ bị tổn hại. Lúc đó công trình thủy điện Hòa Bình có 500 xe tải, xe ủi, trước thách thức mưa bão tới phải huy động tổng lực ra đào đắp để giữ thành quả. Nước lũ về trong đêm tối nên phải làm xuyên đêm, xe máy phải chạy xuyên đêm, huy động tối đa tổng lực.”- Ông Thiết kể lại:

Quyết tâm cao độ, sự sáng tạo, đồng lòng đã làm nên những kỳ tích chinh phục dòng sông Đà. Có lẽ vì thế, với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bí thư đoàn thanh niên của Công trình thanh niên cộng sản Thủy điện Hòa Bình, được góp sức dựng xây đất nước tại một công trình vĩ đại- Thủy điện Hòa Bình là niềm tự hào lớn trong cuộc đời.

Ông Thang Văn Phúc cho biết: “Có mấy trăm các công trình, phần việc thanh niên. Rồi phong trào luyện tay nghề thi thầy giỏi. Đây là một công trình đòi hỏi kĩ thuật và chính cái đó đòi hỏi sự học tập rèn luyện của đội ngũ thanh niên công nhân ở đây, tạo ra cơ hội cho thanh niên rèn luyện, trưởng thành. Không chỉ thanh niên ở công trường mà thanh niên cả nước đã góp nhiều sáng kiến như huy động lương thực thực phẩm, huy động rau quả chở lên để chia sẻ với thanh niên, vì thủy điện hòa bình, vì công trường thanh niên cộng sản. Với cách như vậy tạo ra không khí, phấn khích quyết tâm cao để thể hiện trách nhiệm của những người đoàn viên thanh niên xây dựng công trình thủy điện trên sông Đà đối với cả nước”

Từ hơn 10.000 thanh niên năm 1979, đến năm 1988, đã có 40.000 lao động trẻ trên công trường Thủy điện Hòa Bình. Thanh niên đóng vai trò chủ đạo trong nhiều công đoạn quan trọng như: ngăn sông Đà, thông kênh dẫn dòng, thông hầm xả nước, đắp tuyến đập chính, chống lũ ngày đêm...

Năm tháng trôi qua, nhưng với lớp lớp thanh niên sông Đà ngày ấy, như ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, nguyên Trưởng ban chỉ đạo Công trường thanh niên Cộng sản sông Đà vẫn vẹn nguyên một suy nghĩ, được tôi luyện tại những công trình thanh niên cộng sản là điều kiện tốt để mỗi thanh niên thời đại Hồ Chí Minh cống hiến, trưởng thành và có tác phong công nghiệp hiện đại.

Ông Hồng nhớ lại: “Nhìn lại tất cả những công trình thanh niên cộng sản trước đây đầy một niềm tự hào và nhìn lại những người đồng nghiệp của tôi trước đây đã lăn lội trên công trường, có nhiều người đã ngã xuống. Tại nơi đây sông Đà không chỉ có cống hiến, không chỉ có lãng mạn, không chỉ có sự tự hào mà còn có sự hi sinh.

Đó là kỉ niệm không thể nào quên được nên chúng ta hôm nay được thừa hưởng sự phát triển của đất nước đặc biệt là các thế hệ trẻ, một là nhìn lại truyền thống để mà tự hào, hai là nhớ tới những người đã mang lại ánh sáng của Tổ quốc và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hội nhập quốc tế được tốt hơn, hợp tác quốc tế với thanh niên thế giới để phát triển, đưa tổ quốc tiến lên. Mỗi người hãy coi mình như những thanh niên trên Công trường Thanh niên Cộng sản thời nay.”

Xây dựng Thủy điện Hòa Bình là cuộc ngăn sông lịch sử chạy đua với nước lũ lớn nhất thế kỷ 20. Lớp đoàn viên, thanh niên trên công trường ngày đó đã in dấu ấn thời đại với biểu tượng lao động sáng tạo. Từ chỗ “Nghe âm vang từ trong con lũ, niềm hạnh phúc ánh điện sông Đà” đến cuối năm 1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình chính thức khánh thành và hàng chục năm qua là nguồn cung cấp điện quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ công trình thế kỷ này cho thấy, tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ vẫn luôn là một trong những yếu tố quyết định để Việt Nam cất cánh, nhất là khi “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"./.

Từ khóa: thủy điện Hòa Bình, thanh niên, đoàn thanh niên cộng sản, Hồ Chí Minh, hi sinh

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập