80 năm thành lập QĐND Việt Nam: Chuyện kể về những chiến sĩ đầu tiên ở Cao Bằng
Cập nhật: 12/09/2024
VOV.VN - Trong số 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, có đến 25 người con ưu tú của Cao Bằng. 80 năm qua, những người con quê hương cách mạng vẫn luôn trân trọng, khắc ghi và tự hào về thế hệ ông cha, những người đã không tiếc máu xương cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.
Năm nay đã bước sang tuổi 80, ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng vẫn nhớ những câu chuyện của cha mình - cụ Dương Mạc Thạch, bí danh Xích Thắng (1915-1979, quê ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (TTGPQ).
Năm 1934, cụ Dương Mạc Thạch tham gia cách mạng và lăn lộn với phong trào ở huyện Nguyên Bình. Năm 1940 cụ Thạch là Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh uỷ Cao Bằng và khi thành lập Đội Việt Nam TTGPQ, cụ Dương Mạc Thạch được cử làm Chính trị viên. Ngày đầu, Đội khó khăn về tài chính để mua lương thực, vũ khí,... cụ bàn với gia đình gom góp, ủng hộ số tiền 500 đồng (một khoản tiền lớn thời bấy giờ).
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, cụ Thạch đã cùng Đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy 2 trận thắng đầu tiên tại Phai Khắt, Nà Ngần...
Cầm trên tay tấm ảnh cha mình, ông Dương Mạc Thăng nói: "Khi Bác Giáp từ dưới xuôi lên Cao Bằng hoạt động đã được ông cụ thân sinh tôi đưa vào vùng Nguyên Bình để phát triển phong trào cách mạng. Bác Giáp cũng ở nhà tôi thời gian khá dài, từ 1941 sang 1942, hai ông có kết nghĩa anh em với nhau, từ đó phong trào cách mạng ở Nguyên Bình phát triển mạnh. Khi Bác Hồ quyết định thành lập Đội Việt Nam TTGPQ, bác Giáp là người thay mặt Trung ương Đảng thành lập và lựa chọn con người, lựa chọn cán bộ chỉ huy, có lẽ bác Giáp đã khá hiểu ông cụ nhà tôi nên đã chọn tham gia và giao làm Chính trị viên của Đội."
Còn ông Tô Vũ Công (năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi), con trai của cụ Tô Vũ Dâu (1922-2001, bí danh Thịnh Nguyên, quê tại xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng) cho biết, khi cụ Tô Vũ Dâu còn sống, căn nhà ở Xóm 1, xã Vĩnh Quang vẫn là nơi tụ họp, trò chuyện của cha mình và những cựu đội viên Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Qua những câu chuyện của cha mình và các bác, các chú... ông Công biết được rằng cha mình tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và khi 19 tuổi đã là chủ nhiệm Việt Minh của xã. Khi gia nhập Đội, cụ Tô Vũ Dâu đã góp 2 khẩu súng của gia đình để làm vũ khí đánh giặc và lập công lớn trong trận đánh đồn Nà Ngần.
Ông Tô Vũ Công cho biết: "Bố tôi kể, tuyển chọn vào Đội Việt Nam TTGPQ là phải chọn những thanh niên ở đội xung kích các địa phương, những thanh niên tích cực, xung kích và có quyết tâm giải phóng dân tộc bị áp bức. Khi đi có gì góp nấy, nhà nghèo nên ông góp 2 khẩu súng và mang theo cả gạo đi, ngày đầu khó khăn lắm. Ông vẫn nói ông rất tự hào vì ông được phân công vào tiểu đội xung kích, nghĩa là khi vào trận, sẽ có mình ở hàng đầu rồi."
Trong số 34 chiến sỹ đầu tiên của QĐND Việt Nam, tỉnh Cao Bằng có 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao và Mông. Rất nhiều người con ưu tú khác của quê hương Cao Bằng dù không trực tiếp tham gia nhưng đã góp công không nhỏ trong xây dựng cơ sở cách mạng, hỗ trợ hậu cần, góp phần quan trọng cho đội quân non trẻ ra đời và giành được những chiến công vang dội ngay ngày đầu thành lập.
Ông Dương Văn Sơn, nguyên Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình, hiện ở xóm Nà An, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng kể: Cha của ông, lão thành cách mạng Dương Văn Long là một trong những người trực tiếp tham gia hỗ trợ về hậu cần, bảo vệ bí mật và xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc tại Tam Kim để đồng chí Võ Nguyên Giáp an tâm lựa chọn mảnh đất này làm nơi thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Có lần lính dõng khủng bố, vây đuổi, hai người đã phải dìu nhau chạy xuyên rừng từ Phai Khắt, vượt sông ở Nà An, Nà Viểng (xã Tam Kim) qua vùng Hoa Thám.
Ông Sơn tự hào khi cả bố, mẹ và các bác của mình đều là những bậc Lão thành cách mạng: "Bố tôi kể, bác Văn về đây là ăn ở với dân thôi, còn học cả tiếng Tày nữa, bác rất thương yêu bà con ở đây, coi người dân ở đây như những người trong làng, trong xóm thôi. Nên được bà con tin tưởng, bác Văn nói gì bà con đều nghe theo."
Sau những trận đánh thắng lợi đầu tiên, theo yêu cầu của cách mạng, các chiến sỹ được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau, người tiếp tục tham gia chiến đầu, người được cử về các địa phương phát triển phong trào. Trong đó, cụ Dương Mạc Thạch được cử cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp phát triển phong trào cách mạng, cướp chính quyền tại Bắc Kạn và trở thành chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh này. Còn cụ Tô Vũ Dâu trở về vùng Hòa An tiếp tục gây dựng phát triển lực lượng sang các huyện lân cận.
Ông Tô Vũ Công kể : "Bố tôi dặn chúng tôi phải đoàn kết trong gia đình, nữa là về truyền thống gia đình phải gìn giữ, không để người khác chê mình là yếu về chính trị, năng lực văn hóa, khó khăn không được đầu hàng, phải quyết vượt qua, phải giữ cho được truyền thống và danh dự của gia đình."
Dù thời gian có qua đi nhưng không chỉ có thế hệ con, cháu của những chiến sỹ đầu tiên trong Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - mà hôm nay, trong tất cả những người con quê hương Cao Bằng luôn dâng trào niềm tự hào. Bởi từ tán rừng Trần Hưng Đạo, dưới sự chở che, đùm bọc của nhân dân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đời, mở ra một chặng đường mới đầy vẻ vang cùng dân tộc đi đến thắng lợi.
Từ khóa: Cao Bằng, Cao Bằng,quê hương cách mạng,Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
Thể loại: Nội chính
Tác giả: công luận/vov-đông bắc
Nguồn tin: VOVVN