70 năm Hiệp định Geneve: Sức ép trên bàn đàm phán hòa bình
Cập nhật: 08/07/2024
Bí thư Thành ủy Hà Nội: QĐND Việt Nam trung thành, xung kích, tin cậy
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
VOV.VN - Tại hội nghị Geneve, từ thế bị động, lẻ loi, đơn độc, Việt Nam đã vững vàng, kiên định đấu tranh và đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, mở đường cho dân tộc đi đến hoà bình trọn vẹn.
Cách đây 70 năm, tháng 7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Việt Nam đã thực sự có được hoà bình trên một nửa đất nước. Mặc dù đến Hội nghị Geneve với tư cách là người chiến thắng nhưng trên bàn đàm phán Geneve, đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị bao vây và tạo sức ép từ nhiều phía. Do vậy, nhiều kỳ vọng, mong muốn của chúng ta chưa thành hiện thực.
Những điều khoản ký kết của Hiệp định Geneve chưa phản ánh đầy đủ, tương xứng với những thắng lợi chúng ta giành được trên chiến trường. Nhưng trong bối cảnh đó, từ thế bị động, lẻ loi, đơn độc, chúng ta đã vững vàng, kiên định đấu tranh và đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược, mở đường cho dân tộc đi đến hoà bình trọn vẹn.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Hiệp định Geneve được ký kết (21/7/1954 – 21/7/2024), phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao.
PV: Trong bối cảnh Hội nghị Geneve là cuộc chơi của các nước lớn, do các nước lớn triệu tập, Việt Nam chỉ là 1 trong 9 bên tham gia hội nghị, trong khi các nước đến với hội nghị đều có những toan tính lợi ích riêng của họ. Trong bối cảnh mà chúng ta giành được hoà bình trên một nửa đất nước. Đó có được coi là một trong những thành công lớn nhất mà chúng ta đạt được trên bàn đàm phán Geneve, thưa Giáo sư?
GS Vũ Dương Huân: Tôi cho rằng, cái chính là chấm dứt chiến tranh xâm lược, buộc Pháp phải rút quân, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia thì đó là những vấn đề cốt lõi và đặc biệt, chúng ta giành được hoà bình ở một nửa đất nước.
Nhớ lại hội nghị đàm phán Hiệp định Sơ bộ năm 1946, một vấn đề đặt ra là vấn đề độc lập, tự chủ. Mình đòi độc lập, tự chủ nhưng người Pháp kiên quyết không chấp nhận vì nếu trao trả độc lập, tự chủ cho Việt Nam thì những thuộc địa Pháp sẽ như thế nào. Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới kiến nghị đưa ra cái gọi là tự do. Từ “tự do” rất hay của Bác đưa ra và gỡ được quan điểm của hai bên, đưa quan điểm hai bên gần nhau hơn. Nhưng tự do lại có chính phủ, có quân đội, có tài chính riêng nằm trong Liên bang Đông Dương. Nghĩa là có những thành tố của độc lập.
Bác Hồ rất tài giỏi và khôn khéo như thế, để cho quan điểm gần nhau mới ký được Hiệp định Sơ bộ. Như vậy, từ Hiệp định Sơ bộ đến Geneve chúng ta mới tiến lên một bước xa hơn. Từ chỗ Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do, bây giờ công nhận độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không chỉ của Việt Nam mà còn của Lào, Campuchia nữa. Đó là thắng lợi rất lớn, thắng lợi cực kỳ quan trọng, liên quan đến độc lập, chủ quyền, lãnh thổ.
PV: Mặc dù chúng ta mới chỉ giành được hoà bình trên một nửa đất nước nhưng đó là một thắng lợi to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình của sự nghiệp cách mạng. Ông có thế cho biết, vấn đề về đình chỉ chiến tranh, xác định giới tuyến quân sự tạm thời đã được thảo luận như thế nào ở Hội nghị Geneve?
GS Vũ Dương Huân: Trong đàm phán hội nghị Geneve về Đông Dương có nhiều vấn đề đặt ra. Liên quan đến chiến tranh thì phải chấm dứt chiến tranh, phải ra một thỏa thuận về hòa bình. Một trong những nội dung đàm phán cực kỳ cam go mà các bên đều quan tâm chính là phân vùng giới tuyến quân sự tạm thời. Trong đàm phán có vấn đề đặt ra là: Nếu hòa hoãn thì lực lượng chiến đấu hai bên phải sắp xếp lại như thế nào? Đó là một vấn đề phức tạp đặt ra.
Lúc đầu có phương án là ai ở đâu thì đóng ở đó, tức là đình chiến tại chỗ. Có nhiều phương án đặt ra, chúng ta cũng suy nghĩ phương án đó. Nhưng theo đề xuất của các nước lớn, đặc biệt là của Trung Quốc là nên có những vùng tương đối rộng, hai là mô hình chấm dứt chiến tranh như Triều Tiên, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Điều đó cũng ảnh hưởng đến Hội nghị. Cuối cùng thỏa thuận là chia ngang để hình thành những khu tập kết lớn, để tập trung quân của hai bên cho thuận tiện.
PV: Vì sao chúng ta không phát huy được hết khả năng thắng lợi về quân sự trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve?
GS Vũ Dương Huân: Cái chính là đàm phán không phải hai bên giữa Việt Nam và Pháp. Đáng nhẽ cuộc đàm phán giữa chúng ta và Pháp thì sẽ phát huy được thế mạnh của mình nhưng đây là đàm phán đa bên. Đàm phán đa bên là với các nước lớn, do các nước lớn triệu tập, do các nước lớn chủ trì. Anh nào đi đàm phán cũng vì lợi ích của dân tộc của họ, coi trọng lợi ích của họ, làm sao coi trọng đến các nước nhỏ bé được. Vì đàm phán đa bên và cái đó mới thấy rằng ngoại giao Pháp đã suy tính chuyện này. Nhờ đàm phán giữa các nước lớn cho nên Pháp giành được nhiều lợi ích hơn, không phải đàm phán trực tiếp với Việt Nam. Nếu đàm phán trực tiếp Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ ở thế thượng phong.
PV: Mặc dù là đàm phán đa bên nhưng chúng ta vẫn có thể lấy thắng lợi quân sự là chiến thắng Điện Biên Phủ để có thể buộc các nước tham gia hội nghị phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của chúng ta?
GS Vũ Dương Huân: Mình là thiểu số, là 1 trong 9 đoàn. Cộng cả hai nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Trung Quốc thì cũng chỉ 3/9. Nghĩa là trong hội nghị đôi khi bỏ phiếu theo đa số. Như thế thì rõ ràng mình là 3/9 và thậm chí là 1/9 cho nên rất là hạn chế. Nhiều vấn đề lợi ích của Việt Nam, quan điểm Việt Nam, mặc dù Liên Xô trong thâm tâm thì ủng hộ nhưng cuối cùng lại vì phương Tây và cũng vì lợi ích của họ. Cho nên Liên Xô, Trung Quốc cũng không ủng hộ đối với mình như mình mong muốn. Thí dụ vấn đề Campuchia, hội nghị trù bị thì đồng ý nhưng ra hội nghị chính thức lại không đồng ý.
PV: Rất tiếc là đại diện lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia lại không được tham gia hội nghị. Phải chăng cũng vì thế mà chúng ta gần như đơn thương độc mã, độc lập tác chiến trên bàn đàm phán Geneve?
GS Vũ Dương Huân: Lào, Campuchia rõ ràng là một bên tham gia cuộc chiến. Lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia cũng có đóng góp lớn, thế nhưng họ không được mời tham gia hội nghị. Họ không được mời tham gia hội nghị là điều cực kỳ hạn chế cho chúng ta và cho các bạn Lào, Campuchia. Cuối cùng, họ quyết định trong đoàn Việt Nam có một thành viên của Lào và 1 thành viên của Campuchia, trong khi phải là đoàn độc lập mới có tiếng nói, có vị trí, vị thế ủng hộ chúng ta. Nhưng cuối cùng là hai lực lượng này không được tham gia hội nghị.
Mình đấu tranh nhiều phiên, trước khi vào họp hội nghị mình đấu tranh cho lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia tham gia hội nghị. Trong hội nghị mình cũng đấu tranh rất nhiều lần, nhưng mình là đơn thương độc mã cho nên không làm gì được.
PV: So với Hội nghị Geneve là 9 bên thì đến Hội nghị Paris thực chất chỉ có 2 bên là Việt Nam và Mỹ. Chúng ta đã đàm phán trực tiếp với Mỹ mà không phải thông qua một khâu trung gian nào. Đây có được coi là một bài học mà chúng ta rút ra được từ Hội nghị Geneve không?
GS Vũ Dương Huân: Từ những bài học sau này, chúng ta rút kinh nghiệm rất sâu sắc và rất giá trị cho đàm phán ở Paris. Đàm phán ở Paris, chúng ta không đàm phán đa bên mà đàm phán trực tiếp với Mỹ, cho nên không ai can thiệp vào cuộc đàm phán đó.
PV: Như vậy là chúng ta đã hoàn toàn độc lập, tự chủ và tự quyết các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc, không để các nước lớn chi phối, thưa ông?
GS Vũ Dương Huân: Trước hết, đường lối đối ngoại của chúng ta là phải độc lập, tự chủ. Nếu không có độc lập, tự chủ thì sẽ bị người khác chèo kéo, bị o ép, bị gây áp lực, phải thay đổi lập trường….điều đó cực kỳ nguy hiểm.
Cho nên, bài học lớn nhất rút ra được là bài học về độc lập, tự chủ. Độc lập, tự chủ thì mới quyết định được chiến lược, sách lược đàm phán của mình; độc lập, tự chủ thì mới sắp xếp được lực lượng của mình. Sức mạnh của ngoại giao chính là sức mạnh tổng hợp của trong nước. Cho nên, để có được độc lập, tự chủ, để đàm phán thành công thì cái lớn nhất chính là phải củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Và bây giờ Việt Nam muốn có độc lập, tự chủ, giữ được độc lập, tự chủ, rồi thực hiện chính sách cân bằng nước lớn thì mình phải có sức mạnh. Chứ anh có độc lập, tự chủ nhưng anh không có sức mạnh thì cũng sẽ bị lôi kéo, gây sức ép.
PV: Tại Hội nghị Geneve, lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn và nằm trong sự tính toán về lợi ích giữa các nước. Vậy theo Giáo sư, trong đối ngoại hiện nay, đâu là nguyên tắc tối thượng để chúng ta không bị cuốn theo những tính toán của các nước lớn?
GS Vũ Dương Huân: Muốn đàm phán thì phải có nhân nhượng. Hai bên phải nhân nhượng với nhau thì đàm phán mới tiến lên. Anh cứ giữ quan điểm lập trường của anh mà không đáp ứng quan điểm lập trường của bên đối tác, đối tượng thì không bao giờ đàm phán tiến lên.
Phải nhân nhượng nhưng chính Bác Hồ nói là nhân nhượng phải có nguyên tắc, chứ không phải bằng mọi giá, bằng mọi cách. Thế nào là nguyên tắc, tôi cho rằng, nguyên tắc lớn nhất, to nhất chính là lợi ích quốc gia dân tộc.
PV: Xin cảm ơn ông.
Tháng 1/1954, ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp họp tại Berin và quyết định sẽ triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneva, Thuỵ Sỹ để giải quyết hai vấn đề là chiến tranh ở Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc tấn công đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Biên Phủ thì Hội nghị Geneva bắt đầu khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của 9 bên: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Ban đầu, Hội nghị chỉ bàn về vấn đề chiến tranh Triều Tiên.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta toàn thắng. Từ Việt Nam, tin tức nhanh chóng đến được Hội nghị. Ngay hôm sau, vấn đề Đông Dương đã được đưa lên bàn nghị sự. Phái đoàn Việt Nam lúc đó do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đến dự hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia.
Trải qua 75 ngày đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có 8 phiên họp toàn thể, 21 phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva được ký kết. Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Nhưng sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử.
Từ khóa: Hiệp định Geneve, Hiệp định Geneve, Việt Nam, đàm phán
Thể loại: Nội chính
Tác giả: trường giang/vov (thực hiện)
Nguồn tin: VOVVN