7 sự thật về triệu chứng đổ mồ hôi đêm
Cập nhật: 13/11/2022
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Đổ mồ hôi đêm kèm theo các cơn bốc hỏa trong ngày có thể báo hiệu cảnh báo các vấn đề liên quan tới sức khỏe, đáng chú ý là ở phụ nữ mãn kinh.
Đổ mồ hôi đêm là bệnh gì?
Không phải tất cả mọi người đều gặp chứng đổ mồ hôi đêm, triệu chứng này thường gặp ở một số người hoặc một nhóm tuổi nhất định. Biểu hiện của chứng đổ mồ hôi đêm thường rất bất ngờ, dù đi ngủ với cảm giác hoàn toàn thoải mái, thậm chí có thể hơi lạnh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, người bệnh sẽ có cảm thấy nóng như lửa đốt, lưng ướt đẫm mồ hôi.
Theo các chuyên gia, đổ mồ hôi ban đêm là một trong những biểu hiện của những người phụ nữ bắt đầu hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh. Đổ mồ hôi ban đêm là triệu chứng vận mạch (VMS) bao gồm: cảm giác nóng đột ngột, dữ dội thường xảy ra khi mạch máu giãn nở, làm tăng lưu lượng máu, và sau đó mạch co lại. Cơ thể sẽ bị đổ mồ hôi, da chuyển sang màu đỏ và nhịp tim tăng nhanh.
Một số phụ nữ có thể bị đổ mồ hôi vào ban đêm trong hơn 10 năm
Theo số liệu nghiên cứu, có khoảng 75% phụ nữ mãn kinh trải qua các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. Điều này có thể xuất hiện từ nhiều năm trước kỳ kinh nguyệt cuối cùng. TS Stephanie Faubion, Giám đốc Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS) cho biết: "Thời gian trung bình của các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm là từ 7 đến 9 năm, và khoảng 1/3 phụ nữ sẽ bốc hỏa trong một thập kỷ hoặc hơn".
Đổ mồ hôi ban đêm và bốc hỏa không giống nhau
Nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS) cho thấy, đổ mồ hôi vào ban đêm gây căng thẳng hơn so với cơn bốc hỏa đơn thuần, dù vào ban ngày hay ban đêm.
Ngoài ra, những phụ nữ bốc hỏa nhiều hơn vào ban đêm thay vì ban ngày có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Tình trạng đổ mồ hôi ban đêm cũng kéo dài hơn và tiết ra nhiều mồ hôi hơn.
Một số phụ nữ có khuynh hướng đổ mồ hôi ban đêm
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Women's Midlife Health cho thấy, đổ mồ hôi ban đêm có xu hướng xảy ra nhiều hơn và nhiều hơn ở phụ nữ da màu so với phụ nữ da trắng. TS Faubion cho biết: "Đổ mồ hôi đêm không di truyền nhưng nó có thể ảnh hưởng bởi văn hóa xã hội và hoàn cảnh sống như người gặp khó khăn về tài chính hoặc bị phân biệt chủng tộc có xu hướng bị đổ mồ hôi đêm hơn. Tuy nhiên một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2021 trên tạp chí Menopause cho rằng, các biến thể di truyền giống nhau liên quan đến tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa".
Một nghiên cứu do các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành cũng cho thấy, phụ nữ sống ở Trung Quốc ít cơn bốc hỏa hơn và cường độ bốc hỏa nhẹ hơn so với phụ nữ ở Mỹ. Nghiên cứu cho biết, điều này có thể là do họ tiêu thụ nhiều đậu nành trong chế độ ăn uống của mình hơn hoặc liên quan đến các yếu tố văn hóa xã hội khác.
Tác nhân chính gây ra đổ mồ hôi khi mãn kinh chưa được xác định
Theo TS Faubion, đổ mồ hôi ban đêm là do lượng estrogen suy giảm nhưng thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa biết được cơ chế thực sự của việc đổ mồ hôi vào ban đêm.
"Chúng tôi nghĩ rằng nó giống như một bộ điều chỉnh nhiệt bị lỗi trong vùng dưới đồi của não, là trung tâm kiểm soát nhiệt độ của bạn", TS Faubion lý giải.
Theo các nhà khoa học, về mặt lý thuyết là buồng trứng bắt đầu ngừng sản xuất nội tiết tố, mức estrogen bắt đầu dao động trong khi mức progesterone giảm dần, kích hoạt các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi của não - nơi chịu trách nhiệm kiểm soát thân nhiệt. Khi vùng dưới đồi nhận thấy sai lệch về nhiệt độ, cơ thể sẽ truyền tín hiệu cho toàn thân giải phóng nhiệt bằng cách làm tim bơm máu nhanh hơn, mạch máu dưới da giãn nở để lưu thông máu nhiều hơn, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh để làm mát cơ thể. Sau khi vã mồ hôi, người thường có cảm giác ớn lạnh.
Đổ mồ hôi đêm không phải lúc nào cũng do mãn kinh gây ra
Có một thực tế là không phải đổ mồ hôi đêm lúc nào cũng là dấu hiệu của mãn kinh, có một số bệnh có thể gây đổ mồ hôi ban đêm như: bệnh lao, HIV, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, lupus ban đỏ và một số bệnh ung thư, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và nhiều bệnh khác.
Đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể do các tác dụng phụ của một số thuốc người đó sử dụng như chất ức chế aromatase, tamoxifen, opioid, steroid, thuốc chống trầm cảm, thuốc cao huyết áp, tiểu đường...
Tập hít thở chậm giúp giảm tần suất của chứng bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác
Để đối phó với các triệu chứng mãn kinh, các chuyên gia từ Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ (NAMS) khuyên, người bệnh nên tập hít thở chậm, cố gắng thở từ 6 đến 8 lần mỗi phút trong 15 phút, cứ hai lần mỗi ngày hoặc có thể tập thở ngay thời điểm cảm thấy bắt đầu bốc hỏa. Các chuyên gia cho biết, điều này có thể hữu ích cho phụ nữ tiền mãn kinh và sau mãn kinh khỏe mạnh trong việc giảm cả số lượng và mức độ của các triệu chứng mãn kinh khó chịu này.
Không phải tất cả các phương pháp điều trị đổ mồ hôi ban đêm đều là bằng nội tiết tố
Cách hiệu quả nhất để đối phó với chứng đổ mồ hôi ban đêm là liệu pháp hormone. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận một số thuốc để sử dụng khi gặp vấn đề bốc hỏa, thậm chí bác sĩ có thể sử dụng cả những thuốc chống trầm cảm để điều trị triệu chứng mãn kinh./.
Từ khóa: dấu hiệu mãn kinh, phụ nữ bốc hoả là gì, tại sao phụ nữ bốc hoả, tiền mãn kinh, phụ nữ tiền mãn kinh nên ăn gì
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN