6 lầm tưởng phổ biến liên quan đến chứng sa sút trí tuệ
Cập nhật: 09/12/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Dưới đây là 6 lầm tưởng phổ biến về chứng sa sút trí tuệ.
Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ chung để mô tả các tình trạng ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tư duy và xã hội ở mức độ mà nó bắt đầu can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và bệnh Parkinson, đều được gọi là sa sút trí tuệ. Tình trạng sức khỏe tâm thần này chủ yếu ảnh hưởng đến những người sau 65 tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi hơn do một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Trong thời gian gần đây, mọi người đã có thêm kiến thức về tình trạng này và cách quản lý nó. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quan niệm sai lầm khi nói đến tình trạng sa sút trí tuệ.
Chứng sa sút trí tuệ là một tình trạng bình thường của quá trình lão hóa
Sa sút trí tuệ chắc chắn phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người sẽ phát triển tình trạng này. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng có thể phát triển chứng sa sút trí tuệ khi mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định như chấn thương đầu, rối loạn hormone và những bệnh khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng của 9% trường hợp sa sút trí tuệ bắt đầu xuất hiện trước khi người đó 65 tuổi.
Chứng sa sút trí tuệ là một tình trạng di truyền
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Chỉ riêng gen di truyền không làm cho bạn dễ bị đãng trí hoặc mất trí nhớ. Mặc dù có một số loại bệnh mất trí nhớ hiếm gặp có liên quan chặt chẽ với gen, nhưng phần lớn chúng không được di truyền. Điều đó có nghĩa là nếu người thân của bạn mắc bất kỳ loại sa sút trí tuệ nào, bạn sẽ không có khả năng phát triển tình trạng tương tự. Chứng sa sút trí tuệ có liên quan đến một số yếu tố như hút thuốc, lười vận động, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và thận.
Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer giống nhau
Sa sút trí tuệ và Alzheimer là hai thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau để mô tả các tình trạng với các triệu chứng như mất trí nhớ, thiếu tập trung và hay quên. Trong thực tế, cả hai hoàn toàn khác nhau. Sa sút trí tuệ không phải là một căn bệnh mà là tập hợp các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức của một người. Mặt khác, Alzheimer là một căn bệnh và là một dạng bệnh mất trí nhớ phổ biến.
Sa sút trí tuệ không thể ngăn ngừa
Sa sút trí tuệ là tình trạng sức khỏe tâm thần không thể đảo ngược. Các triệu chứng của bệnh phát triển chậm và chỉ đáng chú ý khi chuyển sang giai đoạn nặng. Tình trạng này không thể được ngăn chặn hoàn toàn, nhưng việc thay đổi lối sống và tuân theo thói quen lành mạnh chắc chắn có thể giảm thiểu nguy cơ hoặc trì hoãn sự khởi phát của tình trạng này.
Sa sút trí tuệ là do tiếp xúc với nhôm
Nhiều người tin rằng nấu ăn bằng nồi nhôm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này hoàn toàn không chính xác. Không có nghiên cứu nào cho thấy việc tiếp xúc với nhôm có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ hoặc bất kỳ tình trạng nào khác liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Không có phương pháp điều trị cho chứng sa sút trí tuệ
Tình trạng này không thể được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được điều trị thích hợp có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Các lựa chọn điều trị cho chứng sa sút trí tuệ phụ thuộc vào loại sa sút trí tuệ mà một người đang mắc phải. Các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ do các bệnh lý nền như bệnh tuyến giáp, khối u não sẽ biến mất khi tình trạng này được điều trị. Trong các trường hợp khác, sử dụng liệu pháp sẽ giúp bạn sống một cuộc sống bình thường./.
Từ khóa: sa sút trí tuệ, chứng sa sút trí tuệ, nguyên nhân sa sút trí tuệ
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN