58 bài thi điểm 0 ở Tây Ninh: Lỗi do phần mềm của Bộ hay người chấm?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Nhiều chuyên gia chấm thi trắc nghiệm cho rằng, ngay cả khi bài thi của thí sinh bị lỗi do tô mờ, tô sai SBD, máy chấm thi vẫn hiện thông báo sửa lỗi.

Thông tin về 58 bài thi trắc nghiệm tại Tây Ninh được tăng từ 0 lên tối đa 8,75 điểm sau khi phúc khảo đang khiến dư luận đặt ra những băn khoăn, lo ngại về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Chị Trần Hoàng Anh (Tây Hồ, Hà Nội), có con thi THPT quốc gia năm nay chia sẻ: “Con gái tôi thi theo khối A0, điểm báo về thấp hơn so với dự tính khoảng hơn 1 điểm. Thế nhưng tôi không làm đơn phúc khảo, vì cho rằng vẫn có thể có sự chênh lệch. Nhưng khi nghe thông tin về những bài thi chấm sai kết quả tại Tây Ninh, Đà Nẵng, Nam Định, tôi cũng không khỏi băn khoăn”.

58 bai thi diem 0 otay ninh: loi do phan mem cua bo hay nguoi cham? hinh 1
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được kỳ vọng sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhưng vẫn có những sai sót trong chấm thi đáng tiếc.

Điều khiến chị Hoàng Anh cũng như nhiều phụ huynh và thí sinh khác lo ngại hơn nữa là nhiều môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, thí sinh không được phép mang đề thi ra ngoài, rất khó để đối chiếu kết quả, nếu như quá trình chấm thi có vấn đề, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của thí sinh.

Thực tế, việc thí sinh bị chấm “oan” 0 điểm, không chỉ diễn ra ở Tây Ninh, tại Đà Nẵng, cũng có tới 252 thí sinh yêu cầu phúc khảo, 596 bài thi/môn thi có yêu cầu phúc khảo. Số điểm của những bài thi này cũng tăng từ 2,75 lên 7 điểm.

Tại Nam Định, cũng có 10 thí sinh với 14 bài thi sau khi được chấm phúc khảo tăng điểm. Trong đó, có những bài thi trắc nghiệm tăng từ 2-7 điểm.

Trả lời với báo chí về việc 58 bài thi trắc nghiệm được điểm 0, ông Trần Đức Thuận, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, đơn vị chủ trì chấm các môn trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh cho rằng, những bài thi thi trắc nghiệm bị điểm 0 có thể do 3 nguyên nhân chính là giấy in, chất lượng in phiếu trả lời trắc nghiệm…nên máy quét không nhận dạng được chính xác phiếu trả lời trắc nghiệm.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân thí sinh tô sai mã đề; thí sinh chọn lại phương án mới nhưng không tẩy hết phương án cũ.

Ông Thuận cho rằng, cũng không thể khẳng định được lỗi thuộc về bên nào, nhưng khi có hàng ngàn bài thi, chỉ có vài chục trường hợp là không quá lớn. Lỗi có thể do “máy nhận dạng không kỹ, không hết”.

Về phía Bộ GD-ĐT, thông tin đến báo chí ngày 30/7, Bộ cho biết, nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 do thí sinh tô sai mãi đề thi, SBD, tô mờ đáp án.

Nhưng sau đó, một đại diện của Bộ lại tiếp tục khẳng định lại trên báo chí rằng, đó mới chỉ là báo cáo của đơn vị chấm thi trắc nghiệm, Bộ chưa đưa ra kết luận cuối cùng và vẫn đang trong quá trình điều tra.

Do máy nhận dạng không kỹ hay cán bộ tắc trách?

TS Lê Việt Thủy, Giám đốc trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin (ĐH Kinh tế quốc dân), Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia 2019 tại Nam Định khẳng định rằng rất hiếm có trường hợp nào phần mềm chấm thi trắc nghiệm không nhận dạng được bài thi.

Ngay sau khi quét bài của từng phòng thi, phần mềm sẽ cảnh báo những bài thi chưa nhận dạng được để Ban chấm thi kiểm tra, quét lại.

Theo đó, các trường hợp dẫn đến bài thi trắc nghiệm không được nhận dạng là: giấy thi trắc nghiệm bị lỗi các điểm nhận dạng. Lỗi này cũng có những trường hợp như khi máy quét bài kéo bài thi trắc nghiệm bị lệch mép giấy, quét ngược mặt của bài thi (mặt trắng), thí sinh để dây mực hoặc các vết bẩn trên một số vị trí của tờ giấy thi...

Theo TS Lê Việt Thủy, khi nhận dạng bài thi, máy sẽ chỉ xảy ra 2 trường hợp là nhận dạng được câu trả lời hoặc không nhận dạng được. Trường hợp thí sinh tô mờ mà máy không nhận dạng được (coi như thí sinh chưa tô), máy đều hiển thị để cán bộ chấm thi kiểm tra lại trực quan bằng mắt thường (so sánh ảnh quét thô và kết quả nhận dạng).

Hoặc trường hợp thí sinh sửa đáp án, đã tẩy đáp án cũ nhưng chưa tẩy hết hoàn toàn, máy có thể nhận dạng cả 2 đáp án và cũng sẽ cảnh báo để cán bộ chấm thi kiểm tra lại trực quan bằng mắt thường (so sánh ảnh quét thô và kết quả nhận dạng), báo cáo lãnh đạo Ban chấm thi quyết định.

Cũng theo TS Thủy, khả năng bài thi trắc nghiệm nhận điểm 0 rất hiếm. Nếu có, nguyên nhân chủ yếu xảy ra do thí sinh tô nhầm sang mã đề khác.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, có 3 yếu tố có thể dẫn đến sai sót trong điểm thi tại Tây Ninh là máy móc, giấy thi, hoặc cán bộ coi thi.

Trước đó, phục trách công tác chấm thi tại Đắk Lăk, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng đã phát hiện ra 1.400 bài thi bị lỗi do thí sinh tô mờ, sai SBD, phần mềm không chấm được. Ngay sau khi phát hiện, hội đồng chấm thi đã mời thanh tra, công an, tổ chức tô lại, sửa lỗi trong bài thi của thí sinh.

Tương tự, khi chấm thi tại Hội đồng thi Thanh Hóa, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã phát hiện hàng nghìn bài thi mắc các lỗi như tô mờ, sai SBD... và kịp thời khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Do đó, tại các địa phương này, rất ít trường hợp phúc khảo bài thi.

Trả lời trên báo Thanh niên ngày 2/8, một cán bộ chấm thi tại TP HCM cũng cho biết, đơn vị này đã phát hiện lỗi bất thường trong chấm thi bài tổ hợp trước đó khi làm nhiệm vụ tại ĐBSCL. Cụ thể, có những điểm thi chỉ có điểm môn thành phần đầu tiên, 2 môn còn lại là điểm 0 tất cả thí sinh. Lỗi được xác định do phần mềm, sau khi Bộ chỉnh sửa gửi phiên bản cập nhật thì khắc phục tình hình.

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt thí sinh suýt bị trượt tốt nghiệp, ĐH vì bị điểm 0 do hệ thống phần mềm thiếu hoàn thiện, vừa chạy “vừa vá” hay sự sai sót của chính những người vận hành?

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai sót trong chấm thi tại các địa phương để tránh gây tâm lý hoang hoang cho thí sinh và phụ huynh, nhất là sau khi có những sai phạm về gian lận thi cử đã xảy ra năm 2018./.

Từ khóa: 58 bài thi điểm 0 ởTây Ninh, lỗi do phần mềm của Bộ, cán bộ chấm thi, chấm thi trắc nghiệm, phúc khảo bài thi

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập