50 năm giải phóng miền Nam: Bí mật nghe radio trong nhà tù Côn Đảo

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Chiếc radio được các chiến sĩ cách mạng khéo léo che dấu trước sự lùng sục của kẻ thù và khiến tên trưởng trại Bảy Đức phải thốt lên lời thán phục khi căn hầm bí mật được khui trong đêm giải phóng Côn Đảo.

Cuối năm 1971, trước sự đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, địch buộc phải đưa một số tù chính trị bệnh nặng về đất liền chữa trị, trong số này có ông Phạm Văn Ba (sau này là Trưởng ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo TP Đà Nẵng).

Sau cuộc phẫu thuật tại bệnh viện, ông Phạm Văn Ba bị địch giam giữ tại nhà tù Chí Hòa. Khi chuẩn bị tái lưu đày ra Côn Đảo vào tháng 12/1972, ông Phạm Văn Ba bất ngờ nhận được 2 chiếc radio. Chiếc radio 3 band do 2 người Pháp bị bắt vì treo cờ giải phóng lên trước trụ sở Hạ viện ngụy là Jean Pierre Debris và Andre Menras tặng. Chiếc radio 1 band do chiến sĩ giải phóng quân Phạm Sĩ Công tặng.

Ngày lên tàu về Côn Đảo, ông Phạm Văn Ba giấu chiếc radio lớn trong xô xách nước rồi ngụy trang bằng quần áo và đồ dùng. Chiếc radio nhỏ được cho vào lon guigoz, bên trên đổ đầy đường cát. Một số đồng đội theo sát ông Ba để bảo vệ.

“Trên tàu, chiếc xô vứt lăn lóc chẳng ai ngó tới. Lỡ chẳng may kẻ địch phát hiện, thì chúng cũng không làm được gì nếu không người nào khai nhận” – Ông Phạm Văn Ba kể về quyết định táo bạo lúc sinh thời.

Ra tới Côn Đảo, ông Phạm Văn Ba và đồng đội tiếp tục khéo léo che mắt kẻ địch, đưa trót lọt 2 chiếc radio vào Trại 2 rồi sang Trại 6B - nơi giam giữ tù chính trị câu lưu, có truyền thống đấu tranh bất khuất trước kẻ địch.

Nhờ có radio, các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo nắm được nội dung Hiệp định Paris ngay từ cuối tháng 1/1973 và cương quyết đấu tranh buộc kẻ địch phải thi hành nghiêm chỉnh hiệp định.

Tuy nhiên, chiếc radio cũng đặt ra một loạt vấn đề từ nơi cất giấu, người sử dụng, chế độ thông tin, bảo vệ... Ngoài ra, để mua được pin cho radio cần có sự phối hợp của bộ phận y tế, bộ phận nhà bếp và một số trật tự có cảm tình với cách mạng. Đầu mối lo liệu nguồn pin là ông Phan Xuân Thanh và ông Lê Tuý.

Chiếc radio 1 band được để ở phòng 7, nhưng ít lâu sau bị trục trặc, phải hủy. Chiếc radio 3 band được đưa về phòng 6 (bệnh xá) rồi chuyển sang phòng 2. Đảng ủy Trại 6B cũng quyết định chuyển ông Bùi Văn Toản (sau này là Tiến sĩ sử học) từ phòng 8 sang phòng 2 để phát huy tối đa hiệu quả việc khai thác thông tin qua radio.

Để thực hiện việc chuyển phòng, ông Bùi Văn Toản phải giả bệnh để được chuyển lên bệnh xá. Đồng thời, phòng 2 cũng đưa người lên bệnh xá nhằm tạo chênh lệch số lượng người giữa các phòng.

Khi ông Toản “khỏi bệnh” thì anh em ở phòng 8 chặn cửa không cho vào với lý do phòng đã nhốt quá đông người và yêu cầu chuyển sang phòng ít người hơn. Bọn trật tự buộc phải đưa ông Toản sang phòng 2.

Ở phòng mới, ông Bùi Văn Toản cùng ông Ung Văn Bê khoét tường làm “hầm” cất giấu radio. Nắp hầm được ngụy trang bằng nước cháo, thuốc tím hòa cùng thuốc đỏ, che thêm thùng carton đựng quần áo.

Hằng đêm, ông Bùi Văn Toản vờ mắc màn ngủ nhưng thực chất là lấy radio ra nghe qua dây encouter để theo dõi tin tức trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng và các đài nước ngoài rồi ghi chép lại. Ông Ung Văn Bê làm nhiệm vụ cảnh giới.

“Tôi tập trung theo dõi và ghi chép kỹ các nội dung các bài bình luận, xã luận, thông tin về ý đồ chiến lược của địch… Đây là cơ sở để lãnh đạo Trại đề ra phương hướng đấu tranh hưởng ứng phong trào ngoài đời và tổ chức cho anh em học tập” – Ông Bùi Văn Toản hồi tưởng lúc sinh thời.

Tin tức mà ông Toản khai thác qua radio được báo cáo lên cấp trên rồi bí mật phổ biến tới các phòng. Ông Châu Văn Mẫn (sau này là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) được ông Nguyễn Vui – Đảng uỷ viên, phó ban điều hành Trại giao nhiệm vụ chép lại các bản tin.

“Mỗi tài liệu, bản tin tôi phải sao chép 11 bản, trừ tin của đài nước ngoài chỉ sao 1 bản” – Ông Châu Văn Mẫn nhớ về những ngày kê bìa lên đầu gối, cắm cúi ghi chép tài liệu, không cho ai dòm ngó.

Chỉ có lãnh đạo các phòng mới được tiếp cận bản tin chép lại. Sau đó, các thành viên trong phòng được phổ biến thông tin trong các buổi sinh hoạt qua hình thức truyền miệng.

Chiếc radio giúp các tù chính trị Côn Đảo không còn bị lạc hậu với tình hình thời sự bên ngoài và tốn công sức xác minh thông tin như trước. Phong trào làm báo trong trại giam cũng có bước phát triển vượt bậc, với những tờ báo như Xây dựng, Sinh hoạt, Vươn lên…

Năm 1974, địch tăng cường lục soát. Nơi cất giấu radio trên tường có nguy cơ bị lộ. Ông Bùi Văn Toản, ông Ung Văn Bê phải tìm kiếm địa điểm mới để làm “hầm”.

Sau thời gian nghiên cứu, ông Toản và ông Bê nhận thấy chỉ có cầu tiêu là khu vực khả thi. Các viên gạch ở đây được xây sơ sài, có thể dễ dàng rút ra. Tuy nhiên, radio lớn hơn lỗ cầu tiêu nên hai ông phải mất mấy ngày để đục cho lỗ rộng ra rồi mài tròn lại như cũ.

Công việc lấy và cất radio hàng ngày do ông Ung Văn Bê đảm trách. Sau khi giấu radio vào hầm, ông Bê phải nguỵ trang cho viên gạch bằng một lớp phân tươi. Tiêu chuẩn rửa tay cho công việc này chỉ một lon nước lạnh.

Dẫu vậy, phần việc gian nan nhất lại là xếp hàng vào nhà vệ sinh, vì hơn 80 người mới có một cầu tiêu nên mỗi đêm các thành viên trong phòng phải đăng ký thứ tự vào cầu. Có hôm ông Bê và ông Toản phải chờ đến 5 giờ sáng mới cất xong radio.

Được một thời gian, địch nghi ngờ ta có radio. Chúng bắt ông Phan Xuân Thanh nhưng không thể khai thác được thông tin. Các chiến sĩ cách mạng tạm đem radio ra chôn giấu bên ngoài phòng, ít lâu sau việc theo dõi tin tức hằng đêm mới được nối lại.

Đêm 19/1/1975, ông Toản nghe được tin quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long từ hôm 6/1 nhưng chưa kịp phổ biến thì sáng 20/1/1975 địch tiến hành chuyển toàn bộ tù chính trị Trại 6B sang nhốt ở xa lim Trại 7. Vì chuyển trại đột ngột nên các chiến sĩ cách mạng không kịp mang theo radio.

Chiếc radio nằm lại dưới cầu tiêu phòng 2 Trại 6B tới đêm 30/4/1975 rạng sáng 1/5/1975 mới được lấy lên. Thời điểm ấy, lực lượng tù chính trị vừa biết tin Sài Gòn đã được giải phóng và kết hợp cùng lực lượng yêu nước bên ngoài vùng lên giải phóng Côn Đảo.

“Khoảng 3 giờ sáng, tôi cùng anh Phạm Văn Ba, anh Ung Văn Bê và một số anh em sang phòng 2 trại 6B khui hầm bí mật, mang chiếc radio về Trại 7” – Ông Bùi Văn Toản hồi tưởng.

Lần đầu tiên ông Toản không còn phải giấu diếm việc nghe radio như trước. Ông tháo lớp nylon, bông băng bọc ngoài, thay pin mới rồi mở hết âm lượng cho các đồng đội nghe tin chiến thắng.

Trong đêm Côn Đảo được giải phóng, tên trưởng trại Bảy Đức ngỡ ngàng thốt lên: “Mấy ông tài thật. Tôi biết mấy ông có radio, đã cho lục soát rất kỹ mà vẫn không tìm ra”.

Bài viết có tham khảo tư liệu trong các cuốn sách:

- Ác liệt Côn Đảo (NXB Trẻ)

- Côn Đảo 6694 ngày đêm (NXB Trẻ)

- Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo (NXB CAND)

- Tù Chính trị câu lưu Côn Đảo: Sự kiện và nhân vật (NXB Quân đội nhân dân)

Từ khóa: Côn Đảo, Côn Đảo, nhà tù Côn Đảo, Radio,nghe Radio trong nhà tù Côn Đảo,Radio Côn Đảo, tù chính trị Côn Đảo, Bùi Văn Toản, Châu Văn Mẫn,Jean Pierre Debris, Andre Menras

Thể loại: Nội chính

Tác giả: bảo long/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập