50 năm cuộc đối đầu trên không: Lập thế trận, giăng lưới lửa thiên la địa võng
Cập nhật: 21/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, sự hiệp đồng của các lực lượng tên lửa phòng không, không quân, không quân tiêm kích, pháo cao xạ... đã lập nên một thế trận phòng không thiên la địa võng, đặc sắc, có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại, đập tan chiến dịch 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tính chung trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Linebacker II, đế quốc Mỹ đã huy động 193 chiếc máy bay chiến lược B-52, chiếm gần 50% tổng số máy bay B-52 của toàn nước Mỹ. Cùng với đó là 48 máy bay F111, 999 chiếc máy bay chiến thuật, 6 tàu sân bay và một số loại máy bay tiếp dầu, bảo đảm. Để đối phó với lực lượng không quân hùng hậu, tối tân hiện đại như vậy, chúng ta đã tạo lập một thế trận phòng không khoa học, cơ động, linh hoạt, giăng bẫy, bắt những con ma, thần sấm và siêu pháo đài bay phải khuất phục. Vậy, thế trận đó đã được chúng ta tạo lập và chuyển hóa như thế nào?
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đáp trả cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh lân cận năm 1972, chúng ta đã tập trung mọi lực lượng đánh máy bay B-52; trong đó lấy lực lượng bộ đội Tên lửa làm cơ sở để tạo lập và chuyển hóa thế trận. Do sớm dự kiến được đường bay của B-52, ta đã bố trí các đơn vị tên lửa trên mỗi hướng bay, vừa bảo đảm an toàn mục tiêu bảo vệ, vừa bắn rơi được nhiều B-52; đồng thời đưa tên lửa vào triển khai ở các trận địa chủ chốt, các trận địa vòng trong. Theo đó, cụm Hà Nội có 3 trung đoàn tên lửa; cụm Hải Phòng có 2 trung đoàn, các trận địa được bố trí ôm sát mục tiêu, hình thành từng khu vực, trên từng hướng trọng điểm, bảo đảm trong mọi điều kiện, tên lửa đều tập trung đánh được B-52.
Sự phối hợp điển hình giữa tên lửa và không quân cuộc chiến đấu này được coi là điển hình, là nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của bộ đội phòng không, không quân.
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Trình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viện Quốc phòng cho rằng, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng phòng không, đặc biệt là tên lửa phòng không với không quân là vấn đề rất khó, phức tạp. Nhưng chúng ta đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa hai lực lượng theo nhiệm vụ và theo thời gian hoặc theo độ cao, khi nào thì không quân đánh, khi nào thì tên lửa đánh, và đặc biệt là không quân được giao nhiệm vụ đánh từ xa, ngoài tầm hỏa lực, phá vỡ đội hình địch, còn tên lửa phòng không thì tập trung đánh máy bay B-52 vào.
Đại tá Nguyễn Công Tuệ, Chủ nhiệm Khoa Quân chủng, Học viên Chính trị cho biết thêm, chúng ta xác định lực lượng chủ yếu đánh B-52 là tên lửa phòng không và không quân tiêm kích. Ngoài ra còn xác định một lực lượng quan trọng nữa là pháo phòng không tầm cao. Và thực tế là cả 3 lực lượng này đã phát huy và cả 3 lực lượng này đều bắn rơi máy bay B-52. Trong đó, tên lửa bắn rơi 29 máy bay, không quân bắn rơi được 2 chiếc, pháo phòng không bắn rơi 3 chiếc. Đây là một nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến phòng không.
Trong triển khai thế trận, ta sử dụng không quân đánh chặn B-52 ở vòng ngoài theo cánh cung từ Yên Bái đến Thanh Hóa, sử dụng tên lửa ở Hải Phòng vừa trực tiếp đánh địch, bảo vệ mục tiêu vừa làm nhiệm vụ đánh địch phía ngoài trên hướng đông cho Hà Nội, bảo đảm thế trận chung vừa rộng khắp, vừa có chiều sâu. Các trung đoàn tên lửa phòng không được bố trí chủ yếu ở Hà Nội; bố trí thế đánh cả vòng trong và vòng ngoài, bảo đảm đánh địch từ nhiều hướng. Quá trình tác chiến, thế trận của tên lửa phòng không luôn giữ được sự ổn định, phát huy tối đa sức mạnh, cùng các lực lượng phòng không - không quân đã vô hiệu hóa các thủ đoạn của địch. Trung tướng Phạm Tuân, Phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 cho biết, mặc dù lưới lửa phòng không của ta giăng kín bầu trời nhưng bộ đội không quân rất yên tâm và tin tưởng vào sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng.
"Tôi nghĩ đấy là một sức mạnh tổng hợp, mà cả trong chiến dịch 12 ngày đêm như vậy chưa có một lần nào bắn nhầm cả", Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Trong cuộc tập kích đường không chiến lược, để thu hút hỏa lực và đánh phá các trận địa tên lửa của ta, địch còn tung các tốp máy bay chiến thuật bay theo đội hình giả làm máy bay B-52 để đánh lừa tên lửa ta. Nếu ta phóng tên lửa vào các tốp B-52 giả sẽ bộc lộ trận địa, lập tức địch phóng tên lửa tự dẫn Shrike vào trận địa tên lửa và trận địa radar của ta. Tương kế, tựu kế, bộ đội tên lửa đã vận dụng linh hoạt các phương pháp điều khiển, các phương pháp bám sát và chọn cự ly phóng thích hợp, bình tĩnh gạt tên lửa tự dẫn của địch, bảo đảm an toàn trận địa. Mặc dù địch đã phóng hàng chục tên lửa tự dẫn vào trận địa tên lửa, nhưng chỉ có 1 quả trúng đích. Đây là một biện pháp rất độc đáo trên cơ sở khai thác và sử dụng tối ưu tính năng khí tài của ta. Đó là sự chỉ huy hiệp đồng thống nhất và chính xác đến từng giây.
Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân phân tích: "Tổ chức chỉ huy trên không là phút giây, chứ không phải là hàng giờ. Bộ đội có đánh giỏi mấy đi nữa, nhưng tổ chức chỉ huy không tốt, không hiệp đồng, không phối hợp, không chỉ đạo, không đi trước một bước thì rất khó đánh".
Sự hiệp đồng về thế trận được phân chia nhiệm vụ rất cụ thể cho các lực lượng: Tên lửa phòng không là lực lượng nòng cốt, tập trung đánh B-52 ban đêm. Lực lượng không quân được sử dụng để đánh tiêu diệt và cản phá B-52 từ xa, ngoài khu vực hỏa lực của tên lửa, phá vỡ đội hình chiến thuật của địch, buộc chúng phải bộc lộ lực lượng trong vùng nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tên lửa đánh địch. Đồng thời, không quân tiêm kích còn là mồi nhử dụ cho các máy bay F4 và F111 bay vào tầm với của các trận địa pháo cao xạ và súng máy phòng không. Lực lượng súng, pháo phòng không được bố trí đánh địch rộng khắp, trong đó, pháo phòng không 100mm được bố trí ở các khu vực trọng điểm, tăng cường hỏa lực đánh B-52.
Ở khu vực mục tiêu bảo vệ chủ yếu, bố trí hỗn hợp giữa pháo phòng không và tên lửa phòng không cùng các loại súng máy phòng không để bảo vệ. Lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ được huy động để trinh sát, phát hiện, đánh mục tiêu bay thấp và vây bắt giặc lái. Các lực lượng phòng không - không quân có kế hoạch hiệp đồng, phân chia khu vực, độ cao và thời gian tác chiến chặt chẽ tạo nên thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, hiểm hóc, liên hoàn, vừa có chiều sâu, vừa có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động nhịp nhàng. Nhờ đó, ta có thể đánh liên tục, từ xa đến gần, ở mọi tầng cao, từ nhiều phía cả trực diện, phía sau, bên sườn, cả ban ngày lẫn ban đêm,... tạo thành “lưới lửa phòng không”, khiến địch không thể cơ động phòng tránh.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng mô tả đó là một thế trận phòng không thiên la địa võng, đặc sắc, có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
"Lực lượng tham gia rất rộng bao gồm cả phòng không, không quân, tên lửa và hỏa lực của tất cả các đơn vị, có cả hỏa lực của dân quân tự vệ, đặc biệt là các cụ phụ lão cũng tham gia vào trận đánh 12 ngày đêm tại Hà Nội. Có thể nói đây là lần đầu tiên ta tổ chức thành công chiến dịch phòng không trên một quy mô lớn và đánh thắng đòn tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ. Và đó là một thế trận phòng không chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại", Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phân tích thêm.
50 năm đã đi qua, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đó như một bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Những bài học về dự báo chiến lược, hiểu và nắm chắc đối tượng tác chiến, tổ chức, xây dựng lực lượng, về trang bị vũ khí, về xây dựng và phát huy thế trận chiến tranh nhân dân và đặc biệt là chuẩn bị nhân tố con người trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới. Âm hưởng của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn là bản hùng ca bất tận, cổ vũ nhân dân ta làm nên những kỳ tích mới, những Điện Biên Phủ mới trên mặt trận kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.
Từ khóa: chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 50 năm chiến thắng điện biên phủ trên không, chiến dịch 12 ngày đêm tại Hà Nội, tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, Chiến dịch Linebacker II
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN