35 năm công tác Hợp tác quốc tế của Đài TNVN Hợp tác quốc tế thúc đẩy phát thanh Việt Nam phát triển
Cập nhật: 25/09/2019
Công tác hợp tác quốc tế của Đài TNVN đã góp phần đáng kể trong sự phát triển của ngành phát thanh Việt Nam theo xu hướng hiện đại, đa phương tiện,
Cho tới những năm cuối của thập kỷ 1980, Đài TNVN chủ yếu có quan hệ đối tác và hợp tác với các tổ chức phát thanh truyền hình của các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Hungary, Tiệp, Cu Ba, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ)... và đã được các tổ chức này viện trợ, hỗ trợ về nghiệp vụ, kỹ thuật rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời gian này, đặc biệt do chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam nên phát thanh Việt Nam chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc, cập nhật và bắt kịp với phát thanh hiện đại thế giới, nhất là các nước phát thanh phát triển trên các châu lục, trong khi công nghệ thông tin truyền thông tin bùng nổ và phát triển nhanh chóng làm thay đổi lớn cách thức và công nghệ phát thanh.
Trong thời kỳ đầu những năm 1990, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế,Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, Đài TNVN bằng nội lực cũng như cố gắng vượt bậc đã đặt một nền tảng vững chắc cho quan hệ quốc tế của Đài tiếp tục củng cố, mở rộng mạng lưới, kết nối đối tác, tăng cường hợp tác quốc tế trong thời kỳ 1998-2008, trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Tăng cường quan hệ và hợp tác quốc tế
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của quan hệ và hợp tác quốc tế về phát thanh, truyền hình với mục đích tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến của các nước, đẩy mạnh cải tiến phát thanh Việt Nam từ cách làm biên tập cũ kỹ, lạc hậu, một chiều chuyển sang phát triển phát thanh tăng cường tính tương tác, đối tượng hóa, chuyên biệt hóa; từ kỹ thuật lạc hậu tiến lên bắt kịp kỹ thuật và công nghệ số trong sản xuất chương trình và kỹ thuật phòng thu và phát sóng; Đài TNVN đã chủ động xúc tiến, mở mang, thiết lập quan hệ phát thanh song phương đa phương.
Đài TNVN và Đài PT Quốc gia Ai cập ký kết văn bản hợp tác năm 2002
Đài TNVN đã tự tin thỏa thuận, đàm phán, đẩy mạnh ký kết mới và ký kết tiếp văn bản hợp tác về phát thanh với các tổ chức phát thanh. Trong thời gian này, không phải bất cứ tổ chức phát thanh nào cũng sẵn sàng ký văn bản hợp tác với Đài TNVN, đặc biệt là các nước không phải nước Xã hội chủ nghĩa, các nước trước đây có thái độ thù địch, hoặc không thân thiện với Việt Nam. Trong mối quan hệ đó, họ sẽ là bên “cho”, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, và Đài TNVN là bên “nhận” được hưởng lợi nhiều hơn.
Thông qua các buổi làm việc, Đài TNVN nỗ lực thảo luận, thương thuyết đảm bảo hai bên cùng có lợi, và thuyết phục với cả vị thế của Đài TNVN trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam. Các tổ chức phát thanh các nước đã hiểu được thiện chí, tin tưởng, sẵn sàng thiết lập quan hệ và hỗ trợ Đài TNVN. Trong đó có các tổ chức: Đài phát thanh truyền hình Nhật bản (NHK), Đài phát thanh FM Cocolo Nhật bản, Hãng Phát thanh và Truyền hình Australia (ABC), Đài Phát thanh Autralia (Radio Australia), Hãng Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc (KBS), Đài phát thanh Canada, Đài Phát thanh Thụy điển (Radio Sweden), Đài PTTH Bỉ (RTBF), Hãng Phát thanh Truyền hình Vương quốc Anh (BBC), Đài phát thanh Pháp (Radio France), Đài Phát thanh quốc tế Đức (Dewche Wella), Đài Phát thanh Tiếng nói nước Nga (Radio Voice of Rusia), Đài Phát thanh Rumani (Radio Romania), Đài Phát thanh Bungari (Radio Bulgaria), Tổng cục PTTH Trung Quốc, Đài PTTH Vân Nam, Quảng Đông, Khu tự trị Choang, Đài Phát thanh Bắc Kinh (đối ngoại), Đài Phát thanh Trưng Ương Trung Quốc, Đài Phát thanh Singapore, Đài Phát thanh Thái Lan, Tổng cục Quan hệ Công chúng Thái lan, Đài PTTH Myanma, Đài phát thanh Lào, Đài Phát thanh Campuchia, Đài Phát thanh Ai Cập, vv...
Bên cạnh tăng cường mở mang mạng lưới hợp tác song phương, Đài TNVN tích cực tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế có liên quan tới báo chí, phát thanh, tranh thủ khai thác hỗ trợ tài chính, nguồn lực con người, nghiệp vụ, kinh nghiệm báo chí phát thanh cho Đài.
Đài TNVN đã ký kết các văn bản hợp tác với tổ chức quốc tế UNESCO, hỗ trợ sản xuất Chương trình PT Tầm nhìn UNESCO trong thời gian 6 năm; trang bị phòng sản xuất chương trình cho Trường Cao đẳng 1 và 2; trang bị hệ thống sản xuất và phát sóng không dây và hỗ trợ dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân vùng nông thôn Việt Nam”, đào tạo Đài Phát thanh xã theo công nghệ mới.
Tổ chức hỗ trợ phát triển Đan Mạch (DANIDA) và tổ chức UNFPA hỗ trợ Đài TNVN sản xuất và phát sóng chương trình giải trí giáo dục nhằm thay đổi hành vi về HIV/AIDS”, đào tạo, tập huấn đạo diễn, biên kịch, diễn viên, sản xuất Chương trình kịch dài kỳ (Soap Opera) theo hướng mở, hiện đại, tương tác, phản hồi về phòng chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản trong thời gian 3 năm, có tác động lớn tới phòng chống HIV/AIDS và giáo dục sức khỏe sinh sản trong thanh niên và những người có HIV/AIDS, gây tiếng vang lớn.
Hội đồng Anh (British Council) hỗ trợ và kết nối BBC với Đài TNVN sản xuất các chương trình dạy tiếng Anh trên phát thanh phát trên sóng Đài TNVN và BBC, tổ chức các cuộc thi tiếng Anh trên sóng phát thanh, hỗ trợ in ấn sách dạy tiếng Anh cho thính giả, tiếp đón và trao đổi kinh nghiệm với các đoàn Việt Nam tới tham quan, làm việc.
Hội đồng Phát thanh Truyền hình các nước nói tiếng Pháp (CIRTEF) hỗ trợ Đài TNVN tổ chức các lớp tập huấn trong nước và tại nước ngoài cho hàng chục lượt phóng viên biên tập về các chủ đề như phát thanh trực tiếp, dẫn chương trình, báo chí điều tra, sử dụng âm nhạc trong chương trình, Quản lý phát thanh, vv...
Tổ chức Phát triển hải ngoại Đức, thông qua Đài DW tiếp nhận hàng trăm lượt phóng viên, biên tập Đài TNVN sang thực tập, đào tạo tại chỗ về phát thanh hiện đại; tiếp nhận và gửi hàng chục phóng viên sang Đức và Việt Nam cũng sản xuất các chương trình phát thanh về các chủ đề nóng mà hai bên cùng quan tâm như môi trường, HIV/AIDS vv..., chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh. Qua đó phóng viên Đài TNVN đã học tập được cách thức làm chương trình sinh động, có chất lượng, chính xác... của phóng viên bạn. Ngoài ra hai bên thường xuyên trao đổi băng, đĩa chương trình phát thanh để học tập kinh nghiệm và sử dụng trên sóng phát thanh.
Đại sứ quán Pháp hỗ trợ và kết nối Đài TNVN với Trường Báo chí Lille, Đài Phát thanh Pháp tổ chức hàng chục lớp tập huấn tại Việt Nam về phát thanh trực tiếp, mở, hệ FM, tương tác, làm chương trình chuyên đề văn hóa, kinh tế, chương trình tạp chí, MC chương trình nhạc, talkshow, khảo sát thính giả, kỹ năng phỏng vấn, quản lý phát thanh, đào tạo người huấn luyện, sử dụng âm nhạc trong phát thanh. Cung cấp chuyên gia hiệu đính các chương trình tiếng Pháp, cung cấp thiết bị thu tin tức của Hãng tin AFP miễn phí, vv... Trường Báo chí Lille đã liên tục tiếp nhận và đào tạo báo chí cho các phóng viên, biên tập của Đài TNVN.
Tổ chức liên Chính phủ Pháp ngữ (AIF), Tổ chức Wallonnie-Bruxelle, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Canađa hỗ trợ sản xuất các chương trình dạy tiếng Pháp, in ấn sách dạy tiếng Pháp, tổ chức thi tiếng Pháp trên sóng phát thanh, đào tạo phát thanh trực tiếp, kỹ thuật cho Đài TNVN...
Cơ quan Tình nguyện Hải ngoại Australia hỗ trợ gửi các chuyên gia hiệu đính các chương trình phát thanh tiếng Anh.
Ủy ban Thông tin và Truyền thông của ASEAN (COCI) đã hỗ trợ kinh phí sản xuất chương trình phát thanh “ASEAN Hành động”, dự án trao đổi tin tức giữa các nước ASEAN, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về ASEAN.
Đài TNVN tích cực tham gia vào các hoạt động của các tổ chức PTTH khu vực và quốc tế khác như Viện pháp triển Phát thanh Truyền hình Châu Á-Thái Bình Dương (AIBD), Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á-Thái Bình Dương (ABU), Hội đồng Phát thanh Truyền hình các nước nói tiếng Pháp (CIRTEF) là các tổ chức chủ yếu đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả Đài TNVN, đào tạo hàng nghìn lượt phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, cung cấp tư vấn nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ mới cho Đài TNVN.
Khai thác quan hệ quốc tế để thúc đẩy phát triển phát thanh
Sau 1975 một thời gian, do điều kiện quan hệ đối ngoại hạn chế, cũng như do sự bao vây cấm vận của Mỹ, Đài TNVN đã tụt hậu so với phát thanh thế giới. Cách làm phát thanh một chiều, nói về điều người làm phát thanh muốn nói, chứ không phải nói điều thính giả muốn nghe. Ít tương tác, ít phản hồi trực tiếp, ít tiếng động hiện trường, ít có sự tham gia của công chúng nên ít sống động, không lôi cuốn. Phóng viên, biên tập viên đi phỏng vấn, viết bài không tự trích, pha âm, đọc tin bài mà phải có kỹ thuật viên trích, pha giúp và phát thanh viên đọc tin, bài. Những người làm phát thanh chưa được tiếp cận với các thiết bị phát thanh, phần mềm, công nghệ thông tin-truyền thông sản xuất chương trình phát thanh hiện đại.
Đài TNVN khai thác mối quan hệ với các tổ chức phát thanh nước ngoài và các tổ chức quốc tế, để được hỗ trợ thúc đẩy phát thanh trực tiếp, mở, tương tác, đặc biệt là các chương trình thời sự; tăng cường sự tham gia, hiện diện của người dân, các nhân vật có uy tín trong các tin tức, bài vở và chương trình phát thanh; phát thanh FM theo đồng hồ thời gian, kịch truyền thanh dài kỳ, xử lý phản hồi của thính giả, vv... BBC, Đài PT Pháp, Trung Quốc, ABU, AIBD... đã đào tạo thúc đẩy phát thanh chuyên biệt, đối tượng hóa phát thanh: thời sự trực tiếp, văn hóa, âm nhạc, giao thông...
Với sự hỗ trợ và hợp tác của Đài DW, Đài PT Pháp, Đài PT Canada, Trung Quốc...; Đài TNVN đào tạo các nhà báo phát thanh đa năng: có khả năng thực hiện nhiều vị trí phóng viên, biên tập, xử lý âm thanh, kỹ thuật sản xuất chương trình, quay hình, xử lý hình ảnh và âm thanh video vv... Tổ chức học tập kinh nghiệm của Đài PT các nước như Bỉ, Đài TNVN đưa phát thanh có hình vào thí điểm và là tiền đề cho truyền thông đa phương tiện của Đài sau này.
Lớp đào tạo về Phát thanh trực tiếp do Đài TNVN và Đài phát thanh Canada tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada năm 2004
Đài TNVN trao đổi chương trình phát thanh với hàng chục đài phát thanh, tổ chức phát thanh các nước trên thế giới, hàng năm nhận và sử dụng hàng trăm chương trình phát thanh, âm nhạc của các tổ chức phát thanh các nước, và gửi chương trình trao đổi cho các đài bạn. Đài cũng trao đổi, hỗ trợ các đoàn phóng viên Đài TNVN đi đưa tin, bài, viết bài, chương trình phát thanh, học tập kinh nghiệm, thực tập, đào tạo tại các tổ chức phát thanh nước ngoài nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ PT, bắt kịp PT quốc tế như NHK, Radio Thái Lan, Radio France, KBS, DW, Lào, Campuchia, Myanma, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái lan, Malaysia. Đài TNVN cũng gửi chuyên gia sang làm việc giúp các Đài bạn hiệu đính và sản xuất các chương trình tiếng Việt của Đài KBS, NHK, Trung Quốc...
Trong giai đoạn này, Đài TNVN tăng cường công tác thông tin đối ngoại trực tiếp, quảng bá hình ảnh Việt Nam và Đài TNVN ra nước ngoài một cách có hiệu quả và góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc thông qua các đoàn trao đổi từ cấp lãnh đạo Đài tới biên tập, phóng viên, nhân viên, kỹ thuật viên, và các cơ quan thương trú nước ngoài, các chương trình phát thanh, âm nhạc trao đổi, tham dự các liên hoan âm nhạc trong khu vực và nước ngoài.
Về kỹ thuật và công nghệ phát thanh, thông qua các đợt tư vấn kỹ thuật, hội nghị, hội thảo, trao đổi, đào tạo, thử nghiệm, tài trợ thiết bị, máy móc của các tổ chức như ABU, AIBD, CIRTEF, DW..., thúc đẩy phát thanh tiếp cận và làm chủ công nghệ phát thanh mới như: Lập kế hoạch hệ thống âm thanh phát thanh, máy tính hóa phòng thu và sản xuất chương trình, làm chủ các phần mềm sản xuất âm thanh và chương trình phát thanh, ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong phát thanh, chuyển đổi sang kỹ thuật số, kỹ thuật khôi phục, lưu trữ âm thanh, lưu trữ âm thanh kỹ thuật số, phát thanh kỹ thuật số HD, thử nghiệm phát sóng kỹ thuật số DRM, phát sóng điều khiển từ xa...
Chủ động tham gia, nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của PTVN tại các tổ chức PTQT và song phương
Đài TNVN phát triển lớn mạnh tạo nên sự tự tin vào nội lực, khả năng để Đài chủ động tham gia vào các sân chơi phát thanh-truyền hình lớn trong khu vực và quốc tế.
Nguyên Trưởng ban HTQT Hoàng Minh Nguyệt tham gia chủ trì cuộc Họp báo về Đại Hội Đồng ABU tổ chức tại Việt Nam năm 2005
Với số lượng cán bộ làm HTQT rất hạn chế, có lúc chỉ có 6 người, Đài TNVN đã sẵn sàng đăng cai Cuộc họp của Nhóm sản xuất chương trình phát thanh ASEAN Hành động của Ủy ban Thông tin và Truyền thông ASEAN (COCI), chủ trì các cuộc họp của COCI; tổ chức Liên hoan âm nhạc “Giai điệu ASEAN” với sự tham gia của các ca sỹ, diễn viên của gần hết các nước ASEAN, đăng cai Cuộc họp Đại hội đồng AIBD năm 2002 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, Đại hội đồng ABU năm 2005 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu và Đại hội đồng CIRTEF năm 2009, gây tiếng vang lớn trong các tổ chức phát thanh-truyền hình thế giới và các tổ chức quốc tế. Các tổ chức này đánh giá cao khả năng tổ chức hội nghị chuyên nghiệp, sự hiếu khách, nồng hậu, cũng như những nỗ lực đẩy mạnh phát thanh-truyền hình bắt kịp với trình độ thế giới của Đài TNVN.
Trong thời gian này, với uy tín ngày càng cao Đài TNVN đã được đã được AIBD bầu vào Ban Quản trị của AIBD hai nhiệm kỳ và tham gia Ban Lập kế hoạch Chiến lược của AIBD soạn thảo chiến lược phát triển của AIBD trong tương lai. Đài TNVN đã được bầu là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng các tổ chức phát thanh-truyền hình các nước nói tiếng Pháp (CIRTEF) năm 2002 và Chủ tịch CIRTEF năm 2007, Phó Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật ABU năm 2003, Chủ tịch Tiểu ban thông tin ASEAN-COCI Việt Nam năm 2006-2007. Lãnh đạo Đài TNVN đã được tổ chức ABU vinh danh là “Nhân vật của năm” tại Đại hội đồng ABU năm 2005.
Với vai trò và tiếng nói ngày càng có tác động lớn, Đài TNVN đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng những quyết sách cho phát triển phát thanh trong khu vực cũng như thế giới và tăng cường khai thác các mối quan hệ đối ngoại hỗ trợ phát triển phát thanh của Đài TNVN nói riêng và phát thanh Việt Nam nói chung.
Khởi xướng lập kế hoạch và xúc tiến thành lập các cơ quan thường trú của Đài TNVN tại nước ngoài
Trước những nhu cầu ngày càng cao của thính giả về sự nhanh nhạy, tức thời, chính xác, thuyết phục, chất lượng của phát thanh cũng như sự phát triển, sẵn có và tiện lợi của các công nghệ làm phát thanh hiện đại thì việc Đài TNVN phải có phóng viên tại các địa điểm trên thế giới để phản ảnh tình hình, vận động của sự việc, phản ánh quan điểm của Việt Nam, của Đài TNVN trước những biến động đó, thông tin nhanh nhất có thể một cách chính xác, có chất lượng cao là một yêu cầu khá cấp bách. Trong thời gian dài, nguồn tin thế giới của Đài TNVN chủ yếu từ Thông tấn xã Việt Nam, mua của các hãng thông tấn nước ngoài khác như AFP, AP, BBC rồi xử lý nên đôi khi cũng khá bị động, qua một khâu trung gian xử lý trước khi có thế dùng trên sóng phát thanh. Trước năm 1998, Đài TNVN đã từng có phóng viên thường trú hoạt động tại Lào và Cămpuchia. Tuy nhiên, một thời gian dài đã không còn cơ quan thường trú tại đây.
Trong thời gian từ 1998-2008, Ban HTQT được sự ủy quyền của Lãnh đạo Đài đã xây dựng kế hoạch thiết lập Cơ quan thường trú Pháp, Thái, Nga, Trung Quốc, Nhật, Ai cập, Mỹ, làm tiền đề cho mở rộng mạng lưới sau này và tích cực làm việc với các cơ quan có thẩm quyền trong nước để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thiết lập CQTT.
Đột phá khâu mở CQTT nước ngoài ở địa bàn nào cũng phải suy tính chu đáo. Có ý kiến tại sao không mở ở Mỹ, hoặc mở lại ở Campuchia và Lào trước mà lại là Pháp và Thái Lan. Pháp và Thái Lan là hai địa bàn có nhiều tổ chức quốc tế, khu vực hoạt động sôi nổi. Đài TNVN và Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam có quan hệ hợp tác rất tốt đẹp. Hai nước có nhiều nét tương đồng có thiện cảm và hiểu biết về nhau nhiều. Đại sứ quán Pháp rất ủng hộ dự định của Đài TNVN mở CQTT tại Pháp. Thái Lan là một địa bàn có các hoạt động quốc tế thường xuyên và quan trọng, và là 1 thành viên của ASEAN mà hoạt động của các tổ chức này ngày càng được phản ánh nhiều hơn. Đài TNVN đã làm việc với Cục quan hệ công cộng của Văn phòng Chính phủ Thái Lan và phía họ cũng ủng hộ việc Đài TNVN mở CQTT tại Thái Lan và mong rằng điều đó sẽ làm cho nhân dân hai nước có nhiều thông tin hơn về sự phát triển của hai nước, hiểu biết nhau hơn, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên. Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho Đài TNVN, hơn hẳn ở các nước khác khi lên kế hoạch mở CQTT nước ngoài.
Sự nhất trí của các cơ quan có thẩm quyền và sự đồng ý của Chính phủ cho phép Đài TNVN mở hai CQTT tại Pháp và Thái Lan là sự mở đầu suôn sẻ cho kế hoạch thiết lập mạng lưới các CQTT của Đài sau này. Ban HTQT, cùng với các đơn vị trong Đài làm việc với các bộ ngành liên quan tiến hành khảo sát các địa điểm, chuẩn bị các cơ sở vật chất, hỗ trợ các CQTT hoàn thành thủ tục pháp lý, ngoại giao, nghiệp vụ và đi vào hoạt động ổn định.
Ngoài các Phân xã nước ngoài của Thông tấn xã Việt Nam, các CQTT của Đài Truyền hình Việt Nam tại Lào và Campuchia, chưa có cơ quan báo chí Việt Nam nào khác có CQTT tại các nước phương Tây và các nước không phải là nước XHCN. Với việc lập kế hoạch dài hạn và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền VN lập mạng lưới CQTT nước ngoài, Đài TNVN là đơn vị đẩy lên “xu thế” mở rộng CQTT hoạt động báo chí ở nước ngoài, phản ánh tức thời, chính xác các diễn biến của tình hình tại các địa bàn “nóng”, “điểm”, “chủ chốt”, “nhạy cảm” trên thế giới.
Thông qua các hoạt động sôi nổi, chủ động, tích cực, công tác hợp tác quốc tế của Đài TNVN góp phần vào việc thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, hóa đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước nói chung và các chương trình, kế hoạch phát triển Đài TNVN bắt nhịp với phát thanh hiện đại trong khu vực và thế giới nói riêng, phục vụ nhu cầu học tập, thông tin, giải trí ngày càng cao của người dân./.
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả: Hoàng Minh Nguyệt, Nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV, Nguyên Trưởng ban HTQT
Nguồn tin: R&D