12 thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Cập nhật: 11/01/2022

VOV.VN - Năm 2022 , Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục phát triển trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế - môi trường – xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội.

Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung và ngành cao su nói riêng. Tuy nhiên bằng nhiều giải pháp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ổn định hoạt động sản xuất và đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong đó còn hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đạt kết quả ngoạn mục với doanh thu và thu nhập khác ước đạt trên 29.000 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch. Xác định doanh nghiệp phát triển bền vững là xu hướng tất yếu VRG đã triển khai phương án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS/FM) tại các công ty thành viên.

Tính đến đầu năm 2022, có 12 thành viên VRG được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 1001:2010 trên 70.000 ha cao su và được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 2002:2013 cho 22 nhà máy.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động quan hệ hợp tác với các tổ chức về phát triển bền vững, phối hợp với Oxfam Campuchia để thực hiện Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng cho khu vực Campuchia, tham gia xây dựng hoàn thiện bản đồ số GIS cho toàn bộ diện tích cao su cho mục tiêu tái kết nối với FSC, các chứng chỉ rừng và hoàn thiện hệ thống quản lý.

Với vai trò là một tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn, trong năm 2022, VRG tiếp tục phát triển trên nền tảng 3 trụ cột: Kinh tế - môi trường – xã hội, thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ khác có liên quan./.

Từ khóa: công nghiệp cao su, chứng chỉ quản lý rừng, bảo vệ môi trường, diện tích cây cao su, chế biến mủ cao su, việc làm cho người lao động, thu nhập người trồng cao su

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập