10 nguyên nhân khiến bạn không ngừng hắt hơi
Cập nhật: 26/03/2021
VOV.VN - Hắt hơi là một phản xạ hết sức bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ thấy mình hắt hơi liên tục mà nguyên nhân chẳng phải do cảm lạnh hay cảm cúm.
Dị ứng: Hắt hơi là phản xạ của cơ thể nhằm đẩy dị vật ra khỏi khoang mũi. Khi bạn bị dị ứng, cơ chế phản xạ này trở nên cực kỳ nhạy cảm, và bạn sẽ hắt hơi khi hít phải dù chỉ là phấn hoa hay lông mèo. Hắt hơi do dị ứng thường đi kèm với các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi hoặc ngứa mắt.
Viêm xoang: Dị ứng hay cảm lạnh đều có thể phát triển thành viêm xoang - một dạng nhiễm khuẩn xoang mũi, khiến xoang mũi sưng phù. Các triệu chứng viêm xoang bao gồm chảy dịch sau mũi (dịch tiết chảy từ mũi xuống họng), đau nhức mặt, ho, sốt và mệt mỏi.
Dược phẩm: Hắt hơi có thể là tác dụng phụ của một số loại dược phẩm như thuốc ức chế beta hay thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, tác dụng phụ này rất hiếm gặp.
Ngửi mùi nước hoa: Nhiều người hắt hơi liên tục sau khi ngửi mùi nước hoa quá nồng của người khác. Đây là một dạng viêm mũi không dị ứng, tức là khi khoang mũi của bạn bị viêm do phản ứng với nhân tố gây kích thích như nước hoa.
Polyp mũi: Polyp mũi là các u có cuống mềm, màu xám, phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang mũi. Các polyp này có thể gây hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, mất vị giác hoặc khứu giác - các triệu chứng tương tự như dị ứng theo mùa.
Khói bụi: Ô nhiễm không khí có thể gây tình trạng hắt hơi liên tục, bởi các phân tử ô nhiễm trong không khí khi hít phải có thể gây dị ứng. Vào những ngày trời âm u, độ ẩm cao, chất lượng không khí kém, hãy hạn chế ra khỏi nhà, và chú ý đeo khẩu trang đạt chuẩn khi ra khỏi nhà để bảo vệ đường hô hấp của chính bạn.
Không gian bức bí: Nếu không khí trong nhà bạn không thể lưu thông, các chất bụi bẩn trong nhà khó mà thoát ra ngoài được, và hậu quả có thể là những trận hắt hơi kéo dài. Do đó, hãy mở cửa sổ và cửa chính vào những ngày thời tiết đẹp, sử dụng quạt máy và quạt thông gió, hoặc sử dụng máy lọc không khí trong nhà.
Thuốc corticosteroid cho mũi: Kỳ quặc thay, chính loại thuốc dùng để điều trị dị ứng này lại có thể gây tác dụng phụ y như dị ứng: hắt hơi. Các loại thuốc này giảm sưng và làm khô khoang mũi. Nếu tình trạng hắt hơi của bạn là do thuốc này gây ra, bạn sẽ còn thấy các triệu chứng khác như đau nhói mũi hoặc kích ứng họng.
Nhìn vào mặt trời: Nghe có vẻ khó tin, nhưng nghiên cứu đã cho thấy ánh sáng mạnh có thể kích thích phản xạ hắt hơi. Kỳ lạ hơn nữa, tình trạng hắt hơi khi nhìn vào ánh sáng mạnh cũng là do di truyền.
Nhổ lông mày: Nhổ lông hoặc nhổ tóc có thể kích thích dây thần kinh sinh ba (liên quan trực tiếp đến xúc giác ở mặt), “châm ngòi” một chuỗi phản xạ hắt hơi./.
Từ khóa: hắt hơi, dị ứng, sổ mũi, nghẹt mũi, dị ứng theo mùa, ô nhiễm không khí, hắt xì hơi, hắt xì
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN