Yên Bái xóa nhà tạm - "điểm tựa" để người dân miền núi vươn lên

Cập nhật: 12 giờ trước

VOV.VN - Xuân này, niềm vui nhân đôi với nhiều hộ nghèo ở tỉnh miền núi Yên Bái, bởi họ được đón Tết, vui xuân trong những căn nhà mới kiên cố.

Sự nỗ lực của cấp ủy, các cấp chính quyền, cùng sự chung tay của cả cộng đồng trong thực hiện đề án xóa nhà tạm trên địa bàn đã giúp họ có "điểm tựa" an cư để vươn lên. 

Đón khách đến chúc Tết trong căn nhà xây kiên cố rộng gần 100 m2, với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng bếp, anh Trịnh Văn Hiến, 40 tuổi, ở thôn 2, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái không dấu được niềm vui.

Từng là một thợ mộc có tay nghề nên trước đây thu nhập của anh nuôi được cả gia đình 4 người. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, anh bị tai nạn lao động khiến sức khỏe giảm sút, kinh tế kiệt quệ, bao dự định phải gác lại, trong đó có việc làm nhà kiên cố để tránh mưa, tránh nắng. May mắn là năm nay, theo đề án làm nhà cho hộ nghèo giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Yên Bái, gia đình anh nhận được 50 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, cộng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, người thân và tiền vay mượn thêm nên căn nhà mới đã được hoàn thành trong niềm vui của các thành viên trong gia đình.

"Nhà nước và các tập thể đã giúp đỡ tôi có được căn nhà yên ấm hơn, tôi rất vui và phấn khởi. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng phấn đấu để sớm thoát khỏi cảnh nghèo" - anh Hiến chia sẻ.

Cũng như gia đình anh Hiến, nhà anh Sùng A Khoáng, dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) cũng được đón Tết trong căn nhà mới vững chãi. Anh Khoáng chia sẻ, có căn nhà vững chãi để ở là niềm mong ước của gia đình suốt nhiều năm và nay đã thành sự thật nhờ sự quan tâm của Nhà nước sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Anh Khoáng cho biết: "Nhà tôi được Nhà nước hỗ trợ, với nhà hảo tâm và chính quyền địa phương hỗ trợ 70 triệu nữa. Tôi rất biết biết ơn".

Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, song Yên Bái luôn quan tâm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chính sách để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Riêng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023- 2025, sau hai năm thực hiện, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 căn nhà, hoàn thành 100% mục tiêu đặt ra. Tổng kinh phí huy động ước đạt gần 370 tỷ đồng, cao hơn gấp 2,5 lần so với kinh phí dự kiến huy động theo đề án. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ làm 750 nhà ngoài đề án với kinh phí huy động gần 100 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ và xây dựng nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, các địa phương và ngành chức năng đã tiến hành khảo sát chi tiết từng hộ gia đình và thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục, tập quán của người dân. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng thi công nhằm đảm bảo tính bền vững và an toàn.

Chia sẻ về cách làm để thực hiện hiệu quả đề án, ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ và bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UNBD huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: "Một trong những cách làm hiệu quả mà thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai là huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ. Ngoài kinh phí ủng hộ từ nhà nước, cộng đồng, địa phương đã đẩy mạnh sự vận động đóng góp, giúp đỡ của dòng họ, gia đình, kết hợp với giúp đỡ về ngày công của lực lượng công an, quân đội và các đoàn thể…".

Theo ông Hà: "Có nhiều hộ rất là khó khăn, trong quá trình thực hiện nếu để riêng hộ gia đình thì không làm được nên là ở Mù Cang Chải chúng tôi huy động nguồn lực tại chỗ như huy động sự đóng góp của cộng đồng, của bản làng, của anh em, họ hàng. Có những hộ gia đình độc thân quá khó khăn hay già yếu, neo đơn thì chúng tôi giao cho các tổ chức hội giúp các hộ đó". 

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Trần Huy Tuấn cho biết, hiện nay, toàn tỉnh còn trên 2.200 hộ người có công, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang ở nhà đơn sơ, tạm bợ, dột nát. Với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát xong trước ngày 30/8/2025.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu phải phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn sớm cải thiện điều kiện về nhà ở, ổn định cuộc sống, tự tin vươn lên thoát nghèo. 

"Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp ít, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Đặc biệt, các địa phương lưu ý phải nắm vững, nắm chắc số lượng các hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở để có phương án hỗ trợ kịp thời" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Những ngôi nhà khang trang được xây dựng và trao tặng đã tiếp thêm niềm tin, động lực, trở thành "điểm tựa" để các hộ người có công, người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh. Đến hết năm 2024, tỉnh Yên Bái chỉ còn 5,68% số hộ thuộc diện hộ nghèo, đứng thứ 6/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; qua đó, góp phần quan trọng đưa Yên Bái trở thành điểm sáng tiêu biểu, dẫn đầu các tỉnh trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới – diện mạo mới ở Yên Bái

VOV.VN - Với 80% số xã về đích nông thôn mới; 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Yên Bái đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tây Bắc. 

Từ khóa: yên , yên bái, xóa nhà tạm, xóa nghèo, nhà tạm, tết, nhà, hộ nghèo, xóa nhà tạm ở yên bái,người dân,miền núi

Thể loại: Thời sự

Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan