Yên Bái một năm nỗ lực vượt khó
Cập nhật: 30/12/2023
HDBank, Vietinbank, Agribank, Vietcombank... được vinh danh Thương hiệu Quốc gia
Quảng Ninh khôi phục sản xuất, kiên trì mục tiêu tăng trưởng cả năm 2 con số
VOV.VN - Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới, nhưng với tinh thần vượt khó, nhiều chỉ tiêu về kinh tế, xã hội của tỉnh Yên Bái vẫn vượt kế hoạch đề ra.
Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 đến thời điểm này đã được các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, tạo tiền đề cho năm 2024 bứt phá, phấn đấu cơ bản về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Trên quan điểm là phải nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất để vượt qua và hoàn thành các nhiệm vụ của năm, Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy Yên Bái về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 đã được tất cả các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện với phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.
Mặc dù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và còn nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ xảy ra hồi tháng 8, nhưng huyện Mù Cang Chải vẫn hoàn thành các chỉ tiêu được giao, trong đó 21/28 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Trước hết, phải xác định trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp ủy, chính quyền, từng tổ chức đoàn thể cũng như từng cá nhân phụ trách đối với các chỉ tiêu. Thứ hai, phải huy động được sự vào cuộc trực tiếp và cụ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các chỉ tiêu. Thứ ba, khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu đó, cùng với việc "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm" thì phải cân đối bố trí, phân bổ nguồn lực cũng như điều kiện để thực hiện".
Tại huyện Yên Bình, với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023, đặc biệt là toàn bộ 22 xã trên địa bàn đều đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, để trở thành huyện nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá, hàng tháng và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí với Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ; có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh chúng tôi kịp thời giải quyết. Đồng thời, phát huy các phong trào thi đua, khen thưởng, đánh giá kịp thời những nơi làm tốt, đồng thời hỗ trợ giúp đỡ, giải quyết những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện".
Chịu tác động từ thị trường thế giới, hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp và nông lâm sản như quế, gỗ rừng trồng gặp rất nhiều khó khăn nhưng huyện Văn Yên đã thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao.
Ông Luyện Hữu Chung, Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết, năm 2023, qua đánh giá đã có 45/45 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có tới 35 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
"Chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương để quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ năm 2023" - ông Chung chia sẻ.
Dự ước đến hết năm nay, Yên Bái sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức 38/40 chỉ tiêu Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy Yên Bái đề ra. Một số kết quả nổi bật là: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 3,76%. Toàn tỉnh đã làm mới, sửa chữa gần 1.600 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công. Yên Bái cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thành phố Yên Bái được công nhận là đô thị loại II. Chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2023 ước đạt trên 65% (vượt so với kế hoạch đề ra là 63,3%).
Theo dự báo, năm 2024, tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 188 về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.
Theo ông Duy: "Xác định chủ đề của năm 2024 là Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư, chuyển đổi số; tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Phấn đấu cơ bản về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, gắn với phương châm hành động: “Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”".
Năm 2023 dần khép lại, không khí thi đua nước rút vẫn đang diễn ra ở tất cả các địa phương của tỉnh Yên Bái, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, tạo tiền đề cho năm 2024 nhiều bứt phá, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Từ khóa: yên bái, yên bái, kinh tế, tăng trưởng kinh tế,hoạt động kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN