Yên Bái đẩy mạnh phát triển nông sản chất lượng cao

Cập nhật: 25/09/2019

Để đưa nông sản địa phương vươn tới những thị trường lớn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tập trung đưa các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Với trên 1.600 ha cam, quýt, huyện Văn Chấn là địa phương có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái, trong đó có nhiều loại cam ngon như cam sành, cam canh, cam sen…, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu cách đây 2 năm. Với năng suất 12 - 15 tấn/ha/năm,hàng nămsản lượngcamở Văn Chấn đạt trên 8.000 tấn, cho doanh thu trên 200 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới nền sản xuất an toàn, giúp sản phẩm cam vươn tới những thị trường lớn. Thời gian qua, huyện Văn Chấn tập trung đưa các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

yen bai day manh phat trien nong san chat luong cao hinh 1
Những vườn bưởi Đại Minh cho thu nhập cao.

Gia đình ông Nguyễn Minh Nhiệm ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn có thu nhập 300-350 triệu đồng/năm từ cây cam. Ông Nhiệm cho biết, để có được một sản phẩmnông nghiệp sạchvà chất lượng, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vậy và các loại phân bón.

“Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng tôi đã được tham gia các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cam, đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Từ những kiến thức được tiếp thu gia đình đã áp dụng vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm ổn định hơn”, ông Nhiệm nói.

Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng thứ 2 miền Tây Bắc với diện tích gần 3.000 ha. Được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái, hạt gạo nơi đây ngon nức tiếng.

yen bai day manh phat trien nong san chat luong cao hinh 2
Cánh đồng Mường Lò cho gạo ngon nức tiếng

Cùng với sự cần cù chịu khó, người nông dân canh tác trên cánh đồng Mường Lò cũng mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản lượng lúa mỗi năm đạt từ 30.000-32.000 tấn. Trong đó, hai loại lúa đặc sản là Hương chiêm và Séng cù chiếm trên 45% diện tích cánh đồng.

Chị Lường Thị Hoàn ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết, qua nhiều năm sản xuất giống lúa Hương chiêm, Séng cù cho thấy, năng suất khá, chất lượng gạo dẻo thơm, bán được giá cao hơn nhiều so với các loại lúa thường: “Trước đây gia đình sản xuất lúa thường theo phương thức truyền thống, năng suất và chất lượng không được cao, giá không ổn định. Thời gian qua, gia đình sử dụng phân hữu cơ sản xuất hai giống lúa Séng cù và Hương chiêm, chất lượng sản phẩm cao, giá cả lại ổn định”.

Xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hiện có gần 200 ha bưởi đặc sản, được biết đến với tên gọi “ Bưởi tiến vua” nổi tiếng gần xa.

Mỗi năm cây bưởi mang về cho bà con trong xã trên 40 tỷ đồng. Đặc biệt từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho bưởi Đại Minh càng tăng thêm giá trị của loại bưởi này. Từ chỗ xác định nhiều hướng phát triển kinh tế cho người nông dân, đến nay xã Đại Minh tập trung chủ yếu vào cây bưởi.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong những năm tiếp theo chúng tôi nhân rộng giống bưởi Đại Minh này và thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đưa chương trình VietGap vào để nâng cao chất lượng bưởi và thực hiện mô hình các vườn bưởi kiểu mẫu. Hàng năm mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con về cách trồng và chăm sóc để nâng cao chất lượng bưởi Đại Minh”.

yen bai day manh phat trien nong san chat luong cao hinh 3
Sản phẩm Cam Văn Chấn được nhiều người biết đến.

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái khoảng 550.000 ha, chiếm gần 80% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Yên Bái phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, bền vững; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị cho người dân; hỗ trợ xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm, xúc tiến chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở an toàn dịch bệnh, tìm gọi các đối tác đầu tư có thể tiêu thụ hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện”..

Nói đến Yên Bái là nói đến: “Nếp Tú Lệ, tẻ Mưởng Lò”, Sơn tra Mù Cang Chải, Quế Văn Yên, Cam Văn Chấn, Chè Nghĩa Lộ… Ngoài việc tổ chức các sự kiện quảng bá tại địa phương, tỉnh Yên Bái đang tích cực đưa các sản vật nông nghiệp đặc trưng tới các hội chợ, hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội và các thành phố lớn để giới thiệu, xúc tiến thương mại. Từ đây, định hình thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, trên cơ sở đó phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp của địa phương trong những năm tới./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Từ khóa: nông sản chất lượng cao, đặc sản Yên Bái, sản phẩm nông nghiệp sạch, nếp tú lệ, gạo séng cù,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập