Ý tưởng của Mỹ thành lập “NATO Arab” liệu có khả thi?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Mỹ đã thúc đẩy thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông mới (còn gọi là “NATO Arab”). Trục đồng minh của Mỹ ở Trung Đông gồm Saudi, Israel và UAE.

Sau khi cả hai bên Mỹ và Iran đưa ra những lời lẽ khiếm nhã và đầy tính đe dọa, thách thức lẫn nhau, khiến cho tình hình có thể vượt tầm kiểm soát và dẫn đến những sai lầm gây nguy hiểm cho an ninh khu vực và toàn cầu, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng đây là một phần trong chiến lược Trung Đông mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, tính khả thi của chiến lược vẫn còn nhiều vấn đề còn bàn cãi, ngay cả trong giới chức quân sự, quốc phòng Mỹ.

y tuong cua my thanh lap "nato arab" lieu co kha thi? hinh 1
Saudi Arabia và Israel là 2 đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Ảnh: BBC.

Gia tăng trụ cột chiến lược

Theo giới phân tích, chiến lược Trung Đông mới của Mỹ được xây dựng trên cơ sở Chiến lược An ninh quốc gia, và được thể hiện trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA-2019). Theo đó, Mỹ muốn thể hiện “sức mạnh cứng” trong chính sách đối ngoại; rút nước này khỏi các cuộc chiến và thực hiện “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”. Thiết lập một cấu trúc an ninh khu vực dựa trên “trục đồng minh”. Trục này gồm Saudi Arabia-Israel-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hồi tháng 5/2017, nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Saudi Arabia, Mỹ đã thúc đẩy thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông mới (MESA), hay còn gọi là “NATO Arab”. Liên minh mới bao gồm các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập, Jordan và Mỹ. Trong đó, Ai Cập và Saudi Arabia đóng vai trò trụ cột chính.

Trong các đồng minh của Mỹ ở khu vực, Washington quan tâm trước hết đến Israel. Theo đó, Tổng thống Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây. Ông cũng công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel. Những động thái này được coi là “bảo trợ” cho chính quyền Thủ tướng Netanyahu và vực dậy đồng minh “chí cốt”.

Ngăn chặn Iran vẫn là một trong những trọng tâm chiến lược của Mỹ, nhưng với cách tiếp cận cứng rắn hơn nhiều so với chính quyền tiền nhiệm. Washington dùng các biện pháp trừng phạt và cô lập nhằm gây sức ép tối đa đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran, buộc Iran “thay đổi cách hành xử” tại khu vực.

Với việc rút khỏi thỏa thuận JCPOA, tái áp đặt các lệnh trừng phạt cũ và đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời đe dọa bất cứ quốc gia nào nhập khẩu đầu thô của nước này; ủng hộ hay bảo trợ cho lực lượng đối lập ở Yemen, Syria... là những động thái gây sức ép tối đa để buộc Iran phải chấp nhận đàm phán có lợi cho Mỹ.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cũng bị Washington liệt vào danh sách khủng bố quốc tế, buộc tội Iran liên quan đến các vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman, bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ. Đồng thời, Mỹ triển khai lực lượng quân sự để triệt phá “âm mưu tấn công” của Iran và tiến hành tấn công mạng nhằm vào nước này.

Điều quan trọng hơn là, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga, vị thế của Iran hay sự bất ổn về an ninh, tác động làm suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng đến lợi ích địa-chính trị của Mỹ tại đây, khiến Washington buộc phải điều chỉnh chiến lược để khẳng định lại vị thế của Mỹ tại khu vực.

Định hình tương lai khu vực

Xây dựng “NATO Arab” để tiến hành các cuộc tham vấn chung, đồng thời là cơ sở để thiết lập các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, tổ chức các cuộc tập trận quân sự và hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố, ký kết một Hiệp ước an ninh tập thể và thành lập quân đội chung, phù hợp với chính sách can dự của Mỹ.

“NATO Arab” sẽ giúp Mỹ giải quyết những thách thức an ninh, giảm hiện diện quân sự trực tiếp tại khu vực, song vẫn duy trì được vị thế chủ đạo và ngăn chặn được các đối thủ tranh giành ảnh hưởng với Washington. Mỹ sẽ rút dần quân đội ở Afghanistan, Syria, Yemen và thực hiện các thương vụ bán vũ khí cho các nước thuộc Liên minh.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã phê chuẩn 22 thỏa thuận bán vũ khí trị giá 8 tỷ USD cho Saudi Arabia, UAE và Jordan mà không cần sự cho phép của quốc hội, với lý do các mối đe dọa từ Iran trong khu vực… khiến chiến lược “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ có thể được tái sử dụng tại khu vực này.

Với việc bổ sung kinh tế và năng lượng, thông qua cơ chế MESA, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại nhằm ổn định khu vực, tăng cường trách nhiệm của các đồng minh trong sứ mệnh an ninh, tạo cơ hội cho Israel bình thường hóa quan hệ với Arab. Qua đó, Mỹ sẽ từng bước thực hiện “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” thông qua sức mạnh “kinh tế, khoa học công nghệ và quân sự”.

Chiến lược mới nêu trên, vẫn phù hợp với chính sách “can dự” và chiến lược “chiến tranh ủy nhiệm”, nhằm “giải thoát nước Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài”. Với cách tiếp cận mới, Washington muốn xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực Trung Đông, bảo đảm lợi ích của Mỹ, duy trì ảnh hưởng và tái can dự vào khu vực thông qua những dạng thức mới.

Vẫn thiếu tính khả thi

Theo giới phân tích, việc tái định hình chính sách của Mỹ ở Trung Đông, khiến cho tiến trình hòa bình ở khu vực này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dư luận lo ngại cho một sự ổn định lâu dài khi chính sách cứng rắn của Mỹ cũng như của Israel không mở ra cánh cửa hòa bình cho khu vực, nhất là với người Palestine.

Cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Iran làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước và tạo nguy cơ đối đầu khu vực. Tehran tuyên bố sẽ làm giàu uranium quá ngưỡng cho phép và kiên quyết không đối thoại với Washington; bắn hạ máy bay do thám của Mỹ.Thậm chí, Iran còn dọa tiếp tục bắn hạ máy bay nếu Mỹ còn gây hấn. Iran tuyên bố, có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nếu nước này bị dồn tới chân tường.

Tổng thống Trump muốn giữ nguyên cam kết rút nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến gây tốn kém ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái trên có thể gây ra những hệ lụy như không bảo vệ được đồng minh, cũng như những thành quả mà Mỹ đã bỏ nhiều công sức mang lại. Nước Mỹ trong tương lai sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi muốn xây dựng các liên minh để chống lại mối đe dọa mới.

Ý tưởng thành lập “NATO Arab” của Mỹ ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, bởi mục đích chính của MESA là chống Iran, nhưng trong GCC chỉ có Saudi Arabia, UAE và Bahrain coi Iran là mối đe dọa chính, còn Kuwait, Qatar và Oman lại có quan hệ tốt với Tehran. Ai Cập và Jordan cũng không đặt Iran là mối đe dọa lớn nhất của họ, trong khi Qatar đang bị 4 nước Arab phong tỏa và cô lập. Saudi Arabia còn công khai quan điểm trái với Mỹ trong vấn đề Palestine.

Mặt khác, theo tính toán sơ bộ, MESA cần khoảng 300.000 quân, 5.000 xe tăng, 1.000 máy bay chiến đấu, chưa kể vũ khí và trang thiết bị quân sự khác. Chi tiêu quốc phòng hàng năm khoảng 100 tỷ USD. Việc phân bổ cho các nước thành viên là một việc khó khăn, đặc biệt các nước Arab đang bị chia rẽ nghiêm trọng trong nhiều vấn đề.

Giới quan sát cho rằng, chính sách Trung Đông mới của Mỹ dường như đang có sự bất đồng giữa Tổng thống Trump với đội ngũ cấp cao của ông. Chính sách này cũng không được các đồng minh ủng hộ. Rất nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ lo ngại về rủi ro bùng phát xung đột tại khu vực.

Như vậy, chiến lược Trung Đông mới của Mỹ đang định hình, trong bối cảnh khu vực này vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn có tính lịch sử về tôn giáo, dân tộc, địa-chính trị, với sự can dự của các nước lớn, cũng là khu vực mà tính liên kết nội tại chưa cao.

Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng chiến lược khu vực của Mỹ vô hình trung đang tạo ra những rủi ro nhất định, khiến cho tình hình Trung Đông càng trở nên phức tạp, nguy hiểm, khó đoán định hơn, và tính khả thi của chiến lược là không chắc chắn./.

Từ khóa: Chiến lược Trung Đông, NATO Arab, MESA, ngăn chặn Iran, Mỹ-Iran,

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập