Ý nghĩa lấy nước đầu năm mới của đồng bào Mông
Cập nhật: 18/01/2023
VOV.VN - Để biết được năm mới thời tiết có thuận lợi hay không, đồng bào dân tộc Mông có phong tục đi lấy nước đầu năm mới và phong tục có ý nghĩa nhân văn này đang được đồng bào bảo tồn và phát huy cho đến nay.
Từ xa xưa, đồng bào Mông thường sinh sống trên những vùng núi cao, đời sống thuần nông, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào thời tiết. Do vậy, để biết được năm mới thời tiết có thuận lợi hay không, đồng bào dân tộc Mông có phong tục đi lấy nước đầu năm mới và phong tục có ý nghĩa nhân văn này đang được đồng bào bảo tồn và phát huy cho đến nay.
Do sinh sống chủ yếu ở những vùng núi cao, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Mông thường thiếu nước vào mùa khô. Để có được nước sinh hoạt, bà con phải đi một quãng đường xa mới đến được đầu nguồn để chắt chiu từng gùi nước đem về sử dụng. Do vậy, đồng bào Mông mới có quan niệm, nếu lấy được nước đầu năm mới thì gia đình sẽ gặp may mắn, cả năm không thiếu nước.
Tuy có chung phong tục lấy nước đầu năm mới, nhưng mỗi nơi, mỗi vùng, mỗi nhóm đồng bào Mông lại có một quan niệm lấy nước khác nhau. Như đồng bào Mông một số vùng của tỉnh Yên Bái cho rằng: Trước khi lấy nước phải chuẩn bị 3 mảnh giấy bản được cắt hình chữ nhật rộng 5 cm và dài từ 8-10 cm, 3 nén hương mang đến mó nước hay đầu nguồn để xin nước mới.
“Hôm nay, đầu năm mới, tôi đã mang 3 mảnh giấy, mang 3 nén hương đến xin thổ công thổ địa và thần sông ít nước mới về nấu sáng và mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn” - Ông Vàng Nủ Lau, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khấn khi lây nước đầu năm như vậy.
Là một những người cao tuổi trong bản, hàng năm ông Mùa Dúa Sùng, bản Po Mậu, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải đi lấy nước mới vào sáng sớm ngày mồng 1 tết của năm mới. Ông Mùa Dúa Sùng chia sẻ: người Mông quan niệm đêm 30 tết là ngày cuối cùng của năm cũ, gia đình phải đi gùi một can nước về cất. Sau khi đón giao thừa, bước sang năm mới gia đình sẽ đi gùi một can nước mới nữa. Cả 2 can nước đều lần lượt được đặt lên cân, nếu như can nước mới lấy sáng sớm ngày mồng 1 tết nặng hơn thì báo hiệu cho một năm sẽ có lượng mưa nhiều hơn. Nếu can nước lấy từ chiều 30 tết nặng hơn thì cho thấy năm mới sẽ có lượng mưa ít hơn.
“Sau bữa cơm tất niên, khi nào hơn 12 giờ đêm, tức là bước sang ngày mồng 1 của năm mới, bà con sẽ đi lấy nước mới. Theo quan niệm của các cụ thì đây là một phép tính để biết được năm mới có lượng mưa nhiều hay ít. Nếu nước mới nặng hơn nước cũ, thì ngay sau những ngày nghỉ tết bà con sẽ bắt tay ngay vào vụ sản xuất mới cho kịp thời vụ” - Ông Mùa Dúa Sùng nói.
Chủ nhà lại lấy 2 chiếc bát bằng nhau, một bát nước cũ lấy từ hôm trước và một bát nước mới vừa lấy về lần lượt đặt lên cân để so sánh nước cũ và nước mới. Nếu nước cũ nặng hơn thì năm đó sẽ ít mưa, dễ xảy ra hạn hán, nếu nước mới nặng hơn thì năm mới sẽ mưa thuận gió hoàn, mùa màng bội thu.
“Theo ông bà từ xa xưa đã quan niệm cân nước cũ lấy từ chiều tối 30 tết và nước mới lấy sáng ngày mồng 1 tết. Nếu nước mới nặng hơn thì các cụ cho ràng năm đó sẽ gặp may mắn, mùa màn bội thu, còn nếu như nước cũ nặng hơn thì cho rằng năm đó ít mưa, sẽ khó khăn hơn; thường gặp hạn hán, trồng ngô, lúa thường chín không đều” - Ông Vừ Sếnh Tú - Bản Huổi Dên, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết.
Phong tục lấy nước mới đầu năm là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông, với ý nghĩa cầu mong sự may mắn năm mới, mưa thuận gió hòa. Có lẽ vì vậy, mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi dịp Tết đến xuân về, sau bữa cơm tất niên, mỗi gia đình đồng bào Mông đều chuẩn bị can hoặc ống tre to để đi lấy nước đầu năm, với niềm mong ước năm mới có sức khoẻ, gặp nhiều may mắn và mùa màng bội thu./.
Từ khóa: lấy nước đầu năm mới, phong tục lấy nước đầu năm mới, đồng bào mông
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN