Ý nghĩa của bếp lửa nhà sàn trong đời sống người Thái Tây Bắc
Cập nhật: 10/05/2020
VOV.VN -Trong nếp nhà sàn truyền thống, bếp không chỉ để nấu nướng mà còn là nét đẹp trong tiềm thức của mỗi con người Thái Tây Bắc.
Theo tập quán, người Thái thường ở nhà sàn. Trong mỗi nếp nhà sàn có hai gian bếp, ngoài để nấu nướng, bếp còn là nét đẹp trong tiềm thức của mỗi người con dân tộc Thái Tây Bắc.
Bếp lửa nhà sàn người Thái Tây Bắc. |
Trong nếp nhà sàn truyền thống của người Thái Tây Bắc, không thể thiếu bếp lửa. Ngày xưa, mỗi gia đình người Thái thường có nhiều thế hệ cùng chung sống, nên ngôi nhà sàn cũng thường có từ 3-5 gian; có 2 cầu thang lên xuống nhà đặt ở 2 đầu hồi và đặc biệt có 2 gian bếp trong nhà. Gian bếp phía dưới phòng ngủ của gia chủ tiếng Thái gọi là chi phay cốc, gian bếp ngoài cùng của gia đình gọi là chi phay pai. Cả 2 bếp lửa này đều có công dụng và ý nghĩa nhân văn khác nhau, cũng như có những điều kiêng kỵ nhất định.
Ông Cà Văn Chung, người am hiểu văn hoá Thái, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: "Tiếng Thái “Bếp lửa rất cần thiết đối với một cái nhà sàn. Một ngôi nhà ấm cúng thì phải có bếp lửa, mà bếp lửa này theo phong tục của người Thái thì người ta thường nhờ bên ngoại làm cho. Cụ thể là người anh em bên mẹ của chủ nhà là tốt nhất. Nếu không có thì nhờ anh em bên vợ của mình làm cho cũng được. Làm bếp xong, bên ngoại cũng chính là người đại diện nhóm bếp đầu tiên nhất cho gia chủ. Bếp lửa nó cũng thể hiện cho sự ấm cúng của gia đình thì gia đình mới làm ăn tốt đẹp và phát đạt”.
Trước đây, ở vùng nông thôn miền núi không có điện, vì thế bếp lửa vừa là nơi thắp sáng, sưởi ấm cho cả gia đình, và mọi công to việc lớn trong gia đình thường được mọi người ngồi quanh bếp lửa để bàn bạc, thống nhất. Cũng chinh vì vậy mà ít khi để ngọn lửa tắt, nhất là trong mùa đông giá lạnh ở miền núi Tây Bắc. Ông Tòng Văn Hịa, người am hiểu văn hóa Thái ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết:“Gian bếp chi phay cốc, thường đặt ở phía dưới, đối diện với gian thờ tổ tiên của gia đình. Bếp này rất ít khi dùng để nấu nướng hàng ngày, thường chỉ để các cụ ông (người có tuổi) ngồi quây quần sưởi ấm, đun nước uống trà, điếu đóm theo thói quen. Khi nhà có khách quý đến thăm cũng sẽ trò chuyện tiếp khách tại vị trí này”.
Đặc biệt ở gian bếp phía dưới phòng ngủ của gia chủ (chi phay cốc), con cháu, nhất là phận dâu, con, chị em phụ nữ thì không được tự tiện sử dụng để đun nấu, hoặc ngồi ngang hàng với bề trên. Điều đó cũng có nghĩa thể hiện sự tôn trọng ông bà cha mẹ, giữ gìn tôn ti trật tự của gia phả.
Ông Tòng Văn Hịa cho biết thêm: “Còn gian bếp chi phay pai, được đặt ở gian ngoài cùng nhất của nhà sàn. Bếp này là nơi dùng để đun nấu, ăn uống của cả gia đình và không có những điều kiêng kỵ riêng. Mọi sinh hoạt của gia đình chủ yếu diễn ra tại gian bếp này. Kể cả khi trong nhà có chị em sau sinh cũng ăn ngủ ngay cạnh bếp lửa này cho đến làm lễ đầy cữ cho bé ( đầy tháng) mới được chuyển về phòng ngủ của vợ chồng, để tiện cho việc chăm bẵm mẹ và bé được khoẻ mạnh”.
Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống kinh tế được nâng lên, thiết bị đun nấu cũng đa dạng và tiện lợi hơn trước. Nhưng cơ bản gia đình người Thái ở trong bản vẫn duy trì bếp lửa. Trong các ngôi nhà sàn của bà con bây giờ, nếu không có 2 bếp lửa như xưa thì cũng phải có ít nhất một bếp. Điều này cho thấy bếp lửa thực sự có ý nghĩa trong đời sống của đồng bào./.
Từ khóa: bếp lửa, nhà sàn, người thái tây bắc, bếp lửa người thái, ý nghĩa bếp lửa nhà sàn
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN