Ý nghĩa bàn thờ cúng tổ tiên của người Dao
Cập nhật: 25/01/2020
Giảm chi phí sản xuất nông nghiệp (24/11/2024)
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông (23/11/2024)
VOV.VN - Việc thờ cúng được người Dao đặc biệt chú trọng. Các nghi lễ liên quan đến đặt bàn thờ cúng tổ tiên được thực hiện với nhiều nghi lễ.
Đối với đồng bào Dao, thờ cúng tổ tiên là nghi lễ quan trọng. Người Dao khi cất được ngôi nhà đều phải làm lễ đặt bàn thờ, muốn đặt bàn thờ thì phải chọn ngày, giờ đẹp theo dòng họ đó.Thông thường mỗi tháng chỉ có một ngày và phải nhờ thầy cúng chọn hộ. Sau khi đã chọn ngày thì phải đóng bàn thờ. Lễ đặt bàn thờ phải bắt đầu từ lúc giao thời giữa hai ngày (từ giờ Hợi sang giờ Tý).
Bàn thờ cúng tổ tiên của người Dao Khâu ở Sìn Hồ- Lai Châu. |
Bàn thờ tổ tiên của người Dao Khâu được đặt ở góc của gian giữa, phía ngoài buồng ngủ. Chỗ đặt bàn thờ là chỗ linh thiêng. Tổ tiên ngự trên bàn thờ thường xuyên soi xét, bảo vệ con cháu ở dương gian làm người.
Nguyên tắc đặt bàn thờ của người Dao Khâu là: bốn chân cột phải chạm đất, nguyên tắc này có liên quan đến truyền thuyết “Bàn Cổ khai thiên lập địa”, có bốn cột ở bốn góc để chống trời. Khi làm lễ đặt bàn thờ, gia chủ phải chuẩn bị bát hương “lư hương”, đốt tro, chuẩn bị bạc trắng và các đồ lễ rồi mời thầy.Nhiều gia đình người Dao Khâu kết hợp lễ đặt bàn thờ với cúng tết cho đỡ tốn kém. Thầy cúng phải gọi toàn bộ tổ tiên về nhập vào cái lư hương để con cháu thờ phụng, phù hộ độ trì cho con cháu quanh năm.
Sau khi đặt bàn thờ thì người nhà phải chăm lo thờ phụng theo định kỳ. Cứ vào ngày mồng một và ngày mười lăm hàng tháng phải thay nước trong cái chén đặt cạnh lư hương, đốt trầm hương trong cái lư hương và khi thắp hương phải gắp hai hòn than đỏ được đốt bằng thanh củi tròn đặt trên lư hương tượng trưng cho đôi mắt tổ tiên, thắp hương nén ở chân bàn thờ và hai cửa ra vào.
Bà Chẻo Mý Lai, dân tộc Dao khâu ở thị trấn Sìn Hồ cho biết:“Người Dao Khâu chúng tôi khi làm được nhà mới thì phải mời thầy cúng về làm lễ đặt bàn thờ. Gọi hồn của toàn bộ tổ tiên về nhập vào cái lư hương để con cháu thờ phụng, tổ tiên phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đạo hưng long thịnh vượng. Làm lễ đặt bàn thờ thì phải đi tìm cây ngải mọc ở trên cao, phía mặt trời mọc, đem về đốt trành tro để cùng bạc trắng trong lư hương”.
Bàn thờ người Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. |
Bàn thờ người Dao Đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được làm từ cây gỗ tốt và thẳng. Bàn thờ chỉ được làm từ một cây gỗ có trong rừng sâu, ở nơi sạch sẽ, loại cây phải có hoa và quả, có đủ cành, ngọn, cây không bị sét đánh. Khi làm bàn thờ phải đảm bảo nguyên tắc khi dựng lên gốc cây ở dưới, ngọn cây ở trên. Gốc phải chạm đất. Bàn thờ gồm hai cái cột, có các đố ngang, làm mộng xiên vào cột, lát ván, tạo thành hai tầng, trên có mái che. Mặt trong của bàn thờ được gắn cố định vào tường bằng đinh cây vầu hoặc buộc bằng dây song, mây. Tuyệt đối khi làm bàn thờ không được đóng đinh sắt. Riêng bàn thờ của trưởng họ thì hơi khác, tầng trên phải được che kín bốn bên.
Anh Lý Tròi Nhàn, người Dao Đỏ ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết thêm:“Bàn thờ người Dao được đặt cố định ở một góc trong gian giữa của ngôi nhà, trong những ngày Tết thì lúc nào cũng phải có một miếng thịt lợn ngon được treo hoặc đặt trên bàn thờ. Phải thắp đèn và đốt hương thay nước mới cho đến khi hết Tết. Trên bàn thờ còn treo nhiều dải vải đỏ những mong tổ tiên phù hộ gia đình một năm mới may mắn. Ngày tết bà con nơi đây không làm bánh chưng mà chỉ làm bánh dầy. Khi làm xong bánh, phải lựa bốn cái bánh tròn đẹp nhất đặt trên bàn thờ tượng trưng cho bốn mùa, vào sáng mồng một tết bà con sẽ đi hái cành mận, cành đào cắm trực tiếp vào chiếc bánh những mong gia đình có đủ con trai con gái”.
Với người Dao Tiền ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, bàn thờ luôn phải làm hai tầng. Tầng trên cùng là nơi tôn thờ cả tổ tiên dòng họ nhà mình. Tầng dưới là nơi để hương, trầm hương, các dụng cụ dùng cho lễ cúng như cái gieo quẻ âm dương, các bản khắc gỗ, sách, bút mực của thầy cúng. Riêng họ Lý và họ Triệu thì gia chủ còn chuẩn bị thêm giấy dó để nhờ thầy cúng, người cao tuổi hoặc có uy tín trong bản trang trí nơi thờ cúng. Người này sẽ cắt giấy thành hình ông mặt trời, con cá, con ngựa, con chó… dùng nước cơm phết lên, rồi dán lên bàn thờ của gia đình. Người Dao Tiền cho rằng việc dán các hình thù, con vật như vậy để năm mới chăn nuôi phát triển, mặt trời luôn soi sáng cho dòng họ mình.
Ông Bàn Văn Liềm, người Dao Tiền ở Bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết:“Bàn thờ của người Dao Tiền có hai tầng, tầng trên có bát hương và một bát nước, có 4 chén để rót rượu. Tầng dưới để các dụng cụ dùng cho lễ cúng. Ngày Tết ngoài các lễ vật như lợn, gà, cá để cúng Tết, bà con còn treo thêm đồng tiền trên bàn thờ những mong một năm mới làm ăn phát đạt”.
Đồng bào Dao quan niệm nơi thờ cúng tổ tiên là nơi linh thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ tiên và cũng chỉ có con trai mới được đến gần và dọn dẹp. Các ngày lễ, tết định kỳ đồng bào phải cúng tổ tiên vào ba dịp Tết: Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh; Tết mười bốn tháng bảy. Dù cách làm có khác nhau song cúng tổ tiên của đồng bào Dao đều thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, cầu mong sự phù hộ, che trở từ người đã khuất cho người sống gặp may mắn, bình an. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được đồng bào gìn giữ và phát huy./.
Dọn dẹp bàn thờ ngày Tết: Những điều cần lưu ý
Tranh luận về lời khuyên “Không thắp hương trên bàn thờ Phật“
Từ khóa: ý nghĩa bàn thờ tổ tiên, bàn thờ tổ tiên người Dao, phong tục ngày Tết
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN