Ý kiến trái chiều về cảnh báo hạt nhân mới nhất của Tổng thống Nga Putin
Cập nhật: 26/09/2024
Seoul, Hàn Quốc: Bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỉ (27/11/2024)
Phản ứng của Châu Âu sau quyết định áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ (27/11/2024)
VOV.VN - Hôm 25/9, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra thêm một lời đe dọa hạt nhân dành cho phương Tây và Ukraine, trong bối cảnh “kế hoạch chiến thắng” của Kiev đang trên đường đến Nhà Trắng. Một số nhà quan sát Phương Tây cho rằng, lời đe dọa này có thể chỉ là một “đòn gió” trong khi các học giả và quan chức Nga cho rằng mọi khả năng vẫn đang được để ngỏ.
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 25/9, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố Nga cần phải cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Ông Putin nhấn mạnh, bất kỳ cuộc tấn công nào được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân đều được xem là một cuộc tấn công liên minh vào Nga.
Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có hành động xâm lược chống lại Nga và Belarus”.
Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được coi là câu trả lời của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.
Hiện vẫn có những rào cản nhất định về phạm vi Ukraine được phép sử dụng vũ khí viện trợ trong giao tranh với Nga. Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân, song nước này đã nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ và các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác kể từ đầu cuộc xung đột.
Trong những năm gần đây, các cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân gần như đã đình trệ. Kể từ đầu năm 2022, Điện Kremlin đã nhiều lần tuyên bố sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân của nước này, song giới quan sát vẫn nhận định rằng, những động thái như vậy chỉ đơn thuần là đòn chính trị nhằm ngăn dòng chảy viện trợ tiếp tục đổ về Kiev.
“Mỗi lần Kiev được cung cấp vũ khí mới, được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga hoặc tấn công hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga, Moscow lại dùng đến các mối đe dọa hạt nhân. Điều này gần như đã trở thành thông lệ”, chuyên gia hạt nhân Maxim Starchak viết trong một bài phân tích gần đây cho Quỹ Carnegie.
Tuy nhiên, các quan chức và học giả Nga đã nhanh chóng củng cố tuyên bố của ông Putin.
Phát biểu với phương tiện truyền thông nhà nước Nga, ông Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng tại Hạ viện Nga, cho biết những thay đổi được đề xuất "sẽ giúp học thuyết này trở nên linh hoạt và hiệu quả và phù hợp với thực tế hơn”.
Chia sẻ trên trang Telegram cá nhân, nhà hoạt động xã hội Nga Sergey Markov cho biết ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hiện đã được hạ xuống và dự đoán rằng Moscow sẽ dễ dàng triển khai các loại vũ khí như vậy hơn. “Vẫn có khả năng Nga sẽ tấn công Kiev bằng vũ khí hạt nhân”, ông Markov viết.
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin cho biết học thuyết hạt nhân của Nga là một "công cụ sống" có thể thay đổi theo các sự kiện thế giới. Các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov và phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov đã thảo luận về các thay đổi tiềm tàng đối với học thuyết hạt nhân trong những tháng gần đây. Hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Sergey Lavrov tiết lộ tài liệu này "đang được tái xem xét".
Học thuyết hạt nhân trước đây, được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của ông Putin, nêu rõ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân “trong trường hợp bị kẻ thù tấn công hạt nhân hoặc bị tấn công bằng các vũ khí thông thường nhưng đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước”.
Ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học chính trị và là người có quan điểm cứng rắn về chính sách đối ngoại của Nga, đã trả lời tờ Kommersant vào đầu tháng này rằng Nga “có thể tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân cục bộ vào một quốc gia NATO mà không cần phải gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện”.
Ông Karaganov nhấn mạnh, mục tiêu chính của học thuyết hạt nhân của Nga "là đảm bảo rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết".
Hồi cuối tháng 7, Nga đã bắt đầu giai đoạn 3 của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn đầu của cuộc tập trận đã bắt đầu vào tháng 5 và đồng minh Belarus tham gia giai đoạn 2 hồi tháng 6. Tại các cuộc tập trận, các binh sĩ từ các quân khu miền Nam và miền Trung Nga sẽ huấn luyện cách triển khai đầu đạn giả cho các hệ thống tên lửa chiến thuật và tác chiến Iskander-M, sau đó bí mật di chuyển chúng đến bãi phóng.
Theo Điện Kremlin tuyên bố, cuộc tập trận này được tổ chức nhằm "làm dịu đi những cái đầu nóng ở các thủ đô phương Tây".
Từ khóa: Putin, hạt nhân, đòn gió
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN