Ý đồ của Ukraine tấn công Belgorod, phá hủy trực thăng Nga sau thất bại ở Kursk

Cập nhật: 18 giờ trước

VOV.VN - Ukraine cho biết, các lực lượng nước này đã thực hiện một cuộc tấn công chính xác bằng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ cung cấp, nhắm vào các trực thăng của Nga đỗ sâu trong khu vực Belgorod, cách biên giới Ukraine khoảng 40km.

Ý đồ của Ukraine

Theo tuyên bố từ Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine, cuộc tấn công đã phá hủy 2 trực thăng vận tải Mi-8 và 2 trực thăng tấn công Ka-52 trên đường băng. Chiến dịch này, được tiến hành phối hợp với các đơn vị tình báo quốc phòng và tên lửa của Ukraine, nhằm phá vỡ khả năng tấn công của không quân của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm.

Mặc dù các nguồn tin của Ukraine cho đây là một thành công lớn nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về mức độ thiệt hại của Nga. Một số nhà phân tích cho rằng, ít nhất một chiếc trực thăng Ka-52 có thể bị hư hại chứ không bị phá hủy hoàn toàn.

Cuộc tấn công xảy ra ở Belgorod – một trong những khu vực đang trở thành tuyến đầu của các cuộc giao tranh xuyên biên giới. Lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine mô tả hoạt động này là một động thái được tính toán nhằm vào vị trí mà họ gọi là "hậu phương của Nga". Theo Ukraine, đây là nơi các lực lượng Nga bố trí trực thăng để tái triển khai nhanh chóng hoặc tấn công bất ngờ.

Ukraine cũng công bố video và đăng tải thông tin cho thấy nhiều vụ nổ tại địa điểm này. Khói đen bốc lên từ những chiếc trực thăng bị cháy. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa chính thức xác nhận thiệt hại.

Một số nhà quan sát cho rằng, số lượng trực thăng của Nga bị tổn thất vẫn chỉ là suy đoán. Họ đã chỉ ra sự khác biệt trong các báo cáo ban đầu. Tuyên bố của Ukraine về hai chiếc Ka-52 và hai chiếc Mi-8 bị phá hủy phù hợp với video được công bố, nhưng vẫn chưa rõ tình trạng của các trực thăng trước cuộc tấn công - liệu chúng đang hoạt động hay đã hạ cánh.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington vẫn chưa xác nhận số liệu chính xác nhưng cho rằng, trước đây, Ukraine đã nhiều lần sử dụng tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS nhắm vào các tài sản của Nga ở Belgorod, trong đó có cuộc tấn công vào các hệ thống phòng không S-300 và S-400 vào tháng 6/2024.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu trực thăng Ka-52 bị hư hỏng thì vẫn có thể sửa chữa được. Tuy nhiên, nếu nó bị phá hủy hoàn toàn, Nga buộc phải tìm cách thay thế.

Vai trò của trực thăng Mi-8 và Ka-52 đối với Nga

Trực thăng Mi-8 và Ka-52 được xem là nòng cốt của lực lượng không quân Nga. Mỗi loại đảm nhiệm những vai trò riêng biệt nhưng bổ sung cho nhau trong cuộc chiến tại Ukraine. Mi-8, ra đời từ thời Liên Xô, được giới thiệu vào những năm 1960, là trực thăng đa năng có khả năng vận chuyển quân đội, cung cấp vật tư và thậm chí hỗ trợ hỏa lực hạn chế khi được trang bị các ống phóng tên lửa.

Độ tin cậy và khả năng thích ứng của dòng trực thăng nay khiến nó đóng vai trò trụ cột trong các hoạt động của Nga, từ việc di chuyển quân đội gần các khu vực tranh chấp như Kharkov đến hỗ trợ hậu cần ở các vùng lãnh thổ bị Ukraine xâm nhập. Còn Ka-52 là trực thăng tấn công hiện đại, được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 2010, dành riêng cho mục đích chiến đấu.

Ka-52, còn có biệt danh “Cá sấu” đã được Nga triển khai rộng rãi để tấn công các đơn vị thiết giáp và công sự của Ukraine, thường hoạt động song song với lực lượng mặt đất để ngăn chặn các cuộc tiến công của đối phương hoặc bảo vệ những vị trí chiến lược. Việc mất những trực thăng này có thể gây sức ép đối với khả năng duy trì ưu thế trên không của Nga dọc biên giới.

Để đánh giá tầm quan trọng của trực thăng Ka-52, các chuyên gia quân sự đã so sánh chúng với một số trực thăng khác như Mi-8. Mi-8 với nhiều cấu hình khác nhau, thường chở tới 24 binh sỹ có tốc độ bay trung bình 220 đến 240km/h, trần bay 4.500m, tầm bay trung bình 450km. Trực thăng này sử dụng động cơ tuabin đôi cho phép nó hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau, từ đồng bằng lạnh giá ở miền Đông Ukraine đến địa hình gồ ghề ở Donetsk. Mặc dù không phải là phương tiện chiến đấu chính, các phiên bản được vũ trang của dòng Mi-8 có thể được trang bị súng máy hoặc tên lửa không điều khiển, giúp nó linh hoạt trong các cuộc giao tranh cường độ thấp.

Trong khi đó, cấu tạo của Ka-52 hoàn toàn khác biệt. Trực thăng này được trang bị hệ thống rotor đồng trục: hai rotor xếp chồng lên nhau quay theo hướng ngược nhau, giúp nó khả năng cơ động đặc biệt, đạt tốc độ tối đa 300km/h.

Vũ khí của Ka-52 bao gồm một khẩu pháo 30mm, tên lửa chống tăng có điều khiển như Vikhr và tên lửa không điều khiển, với bán kính chiến đấu khoảng 480km. Việc trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và hệ thống nhìn ban đêm giúp gia tăng khả năng sát thương của trực thăng, khiến nó trở thành đối thủ đáng gờm đối với lực lượng mặt đất của Ukraine.

Sự chênh lệch về mặt kỹ thuật giữa hai loại trực thăng nói trên đã nêu bật vai trò khác biệt của chúng. Mi-8 với cấu tạo đơn giản hơn nhưng bền bỉ đã trở thành phương tiện hiệu quả đối với hậu cần, có khả năng duy trì hoạt động ngay cả khi chịu áp lực của xung đột kéo dài. Nga được cho là có hơn 17.000 chiếc trực thăng này trong kho dự trữ.

Trái lại, Nga chỉ có khoảng 200 chiếc trực thăng Ka-52. Con số này khá ít ỏi. Thiết kế tinh vi của Ka-52, trong đó cả ghế phóng cho phi công phụ, phản ánh sự tập trung vào các cuộc tấn công chính xác và ưu tiên khả năng sống sót. Ước tính chi phí cho một chiếc Mi-8 vào khoảng 15 triệu USD còn giá một chiếc Ka-52 khoảng 30 triệu USD – một sự đầu tư lớn mà Nga đã thực hiện để nâng cấp phi đội tấn công của nước này.

Bất lợi đối với Nga

Việc mất trực thăng Ka-52 trong chiến đấu có thể buộc Nga phải điều chỉnh chiến thuật, đặc biệt ở những khu vực mà sự hỗ trợ trên không đóng vai trò quan trọng, giúp họ chiếm hoặc giữ lãnh thổ. Kể từ khi xung đột bắt đầu, cả hai loại trực thăng này đều phải đối mặt với tình trạng hao mòn đáng kể. Theo trang thông tin tình báo nguồn mở Oryx, Nga đã mất ít nhất 61 chiếc Ka-52 và 85 chiếc Mi-8 tính đến đầu năm 2025.

Các lực lượng Ukraine đã sử dụng nhiều loại vũ khí để tấn công các trực thăng này, trong đó có hệ thống phòng không xách tay [MANPADS] như Stinger và Igla hay hệ thống HIMARS. Giới phân tích cho rằng, cuộc tấn công của Nga vào Belgorod là một phần trong chiến lược của Ukraine nhằm làm suy yếu sức mạnh không quân Nga. Ngoài những tác động trước mặt, vụ tấn công cho thấy Belgorod, từng là thành trì hậu phương của lực lượng Nga, đã trở thành một điểm nóng với việc Ukraine tiến hành các cuộc đột kích và tấn công xuyên biên giới kể từ giữa năm 2023.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng, hoạt động của Ukraine trong khu vực nhằm mục đích kiềm chân các đơn vị Nga và ngăn họ tái triển khai về phía Đông Ukraine. Các trực thăng như Mi-8 và Ka-52 đóng vai trò quan trọng đối với Nga ở mặt trận phía Đông, giúp vận chuyển quân tiếp viện và hỗ trợ hỏa lực chống lại các cuộc tiến công của Ukraine. Vì thế, bất kỳ sự sụt giảm nào về số lượng của các trực thăng này đều có thể thay đổi cán cân sức mạnh theo hướng bất lợi cho Nga.

Từ khóa: Ukraine, Nga, Ukraine, Ukraine tấn công Belgorod, Ukraine phá hủy trực thăng Nga, tên lửa HIMARS, không quân Nga, trực thăng Mi-8, trực thăng Ka-52

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập