Y Ban và những tác phẩm day dứt về gia đình thời hiện đại
Cập nhật: 23/03/2021
(VOV5) - Giọng kể chuyện, cũng đậm đặc dấu ấn một Y Ban lúc nào cũng cháy như một ngọn lửa rừng rực ở ngoài đời
Hẳn là tên tuổi nhà văn Y Ban không hề xa lạ với những người yêu đọc văn học Việt Nam. Y Ban nổi tiếng từ Bức thư gửi mẹ Âu Cơ được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí văn nghệ quân đội năm 1989 – 1990, và đến giờ là tác giả của hàng chục đầu sách. Sách chị Y Ban có một sức hấp dẫn riêng, được in liên tục hàng năm.
Y Ban thường làm cho bạn bè cũng như độc giả của chị ngạc nhiên, vì những việc bất ngờ. Gần đây nhất, trong lúc hầu hết các hoạt động của thiên hạ đình đốn vì đại dịch covid 19, thì Y Ban tự làm lấy 1 “mẻ” tuyển tập truyện ngắn của mình, in ấn rất đẹp và tự.. phát hành trên facebook. Tuyển “Truyện ngắn Y Ban” do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 12-2020 với 500 ấn bản đặc biệt ấy, đã hết veo.
Sức hấp dẫn của Y Ban có lẽ trước hết là ở giọng kể chuyện, cũng đậm đặc dấu ấn một Y Ban lúc nào cũng cháy như một ngọn lửa rừng rực ở ngoài đời. Nhưng theo thời gian, những sáng tác của Y Ban có gì tiếp nối, có gì thay đổi? Chị chia sẻ: “Mỗi người có một mốc thời gian Và những mốc thời gian đó cũng ảnh hưởng đến sáng tác của nhà văn rất nhiều. Vì khi còn trẻ, có thể chúng tôi có rất nhiều năng lượng viết những câu chuyện tình. Sau khi có những đứa con đầu tiên có thể chúng tôi sẽ viết về những đứa con và cuộc sống chồng vợ. Thường có hai loại nhà văn, sống rồi mới viết, có một loại nữa là viết rồi mới sống hoặc có sự tưởng tượng. Nhưng với tôi thì tôi phải trải qua đã, hư cấu nào cũng trên nền cuộc sống mà tôi đã trải qua, Thế cho nên đến tuổi U60, tôi có những trải nghiệm và tôi đã viết rất nhiều về gia đình trong cuộc sống bây giờ như thế nào.”
Điều mà Y Ban trăn trở nhiều, viết nhiều trong các tác phẩm những năm gần đây, là sự thay đổi đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại, sự phá vỡ những ranh giới, sự biến đổi những giá trị tưởng là rường cột, đã tác động như thế nào đến cuộc sống của mỗi gia đình, những tế bào của xã hội:: “Đó là sự thay đổi khó khăn, mà tôi đã nhìn thấy tất cả những điều ấy để tôi đưa vào tác phẩm của mình. Ví dụ như tiểu thuyết ABCD của tôi in năm 2014. Tôi đã viết về ba, bốn gia đình đang trải qua một chiều dài giống như lịch sử của đất nước và thay đổi như thế nào. Mỗi gia đình là một câu chuyện. tại sao là ABCD? Không có chương hồi, mà toàn bộ là những mảnh ghép giống như chữ cái. Tôi cứ nghĩ có bằng ấy chữ cái nhưng chúng ta có cuộc sống, có tiếng Việt, và chúng ta làm nên bao nhiêu tác phẩm văn thơ, giống như ở cuộc đời này, bằng những mảnh ghép bây giờ có khi chúng ta lại phải học lại từ đầu, học lại cách yêu thương nhau và làm cho nhau hạnh phúc”.
Từng nhiều lần khẳng định rằng, chị viết văn bằng bản năng nhưng vẫn thành mảng khối đậm dấu ấn và cá tính. Cuốn Có thể có có thể không ra mắt năm 2019, gồm có 9 truyện ngắn, mổ xẻ và phân tích cuộc sống của gia đình.
Nhà văn Y Ban chia sẻ: “Trong đó có một truyện ngắn đầu tiên tôi nói là Sách trắng về gia đình. Ai cũng hiểu từ sách trắng là như thế nào. Nhưng ở đây tôi muốn chơi một trò chơi chữ, là nói trắng ra về tất cả những vấn đề của gia đình. Trong một gia đình cũng từ biến cố của lịch sử xã hội, ông bố đi chiến trường, đểl lại những đúa con. Khi về tưởng sẽ thương yêu nhau, nhưng cuối cùng cả một gia đình ly tán đi khắp nơi., chỉ có ngày bố mẹ mất mới quay trở về. Rồi những gia đinh khác cũng như thế, không giải thoát đợc. tại sao lại như thế? Tôi cố lý giải.
Hoặc như truyện Có thể có có thể không, cũng là câu chuyện về bi kịch của một gia đình. Cũng như lớp lang văn hóa Việt ở đằng sau, những gánh nặng đè lên vai người phụ nữ, khi lo việc hương hỏa, gốc rễ của nhà chồng, cái lớp văn hóa cứ tưởng bình yên, nhưng thực ra khiến cuộc sống của họ như một gánh nặng, lúc nào cũng chênh vênh trên con đường Có thể có thể không.”
Từ những sáng tác đầu tay hướng đến thân phận người đàn bàn, đến những giá trị của hạt nhân gia đình trong đời sống tinh thần người Việt, tới ngày hôm nay, ngòi bút của Y Ban vẫn luôn trăn trở về những điều đó, nhưng với trải nghiệm nhiều hơn, đau đớn hơn, day dứt hơn.
Và muốn góp một tiếng nói, để thức tỉnh: “Tôi nói rõ hết những điều đấy để mọi người hiểu là chúng ta không phải một lúc mà thay đổi được. Cái văn hóa Việt của chúng ta rất hay khi giữ đạo nhà, nếp nhà, và giữu hương khói của gia đình, để họ biết sống, biết tự tu thân tích đức ngay chính trong ngôi nhà của mình, nhưng đôi khi sự răn dạy của các cụ cũng làm cho cuộc sống căng thẳng và đặt đau khổ lên vai những người đàn bà.
Vậy trong cuộc sống này, chúng ta có thể thay đổi không? Trong truyện ngắn tôi đi sâu vào phân tích đến cả ngóc ngách cuộc sống của những người đàn bà chưa già lắm mà cũng không còn trẻ. Lớp người già hẳn có thế người ta có những niềm tin vĩ đại vào những việc người ta đang làm, thì người ta sẽ biết vượt qua. Lớp trẻ thì họ có niềm tin khác, họ cũng không cần những gánh vác ấy. Nhưng còn những người tầm tuổi tôi ranh giới nửa bên này nửa bên khác, cũng giống như cuộc sống gia đình bây giờ, cực kỳ thay đổi. Tôi mổ xẻ những câu chuyện như vậy để độc giả có một cái nhìn rõ hơn.” – Y Ban tâm sự.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Y Ban, nhà văn nữ, sách về gia đình, văn học đề tài gia đình
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5