Xung đột Ukraine trước thời khắc quyết định - những tiếng nói cho hòa bình

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine chính thức bước sang năm thứ 4, với nhiều cơ hội kết thúc nhờ nỗ lực của nhiều bên, đặc biệt là sự thay đổi lập trường của Mỹ. Lần đầu tiên, Mỹ cùng Nga bỏ phiếu chống Nghị quyết do Ukraine và châu Âu soạn thảo và đồng thời đưa ra một nghị quyết được Nga chấp thuận.

Hôm qua (24/2), Ukraine và một số nước châu Âu đã trình Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bản dự thảo nghị quyết có tiêu đề “Thúc đẩy hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine”. Văn bản nêu bật những hậu quả toàn cầu của cuộc xung đột, kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch và nhắc lại các nghị quyết trước đây của Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga phải rút quân ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện khỏi các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua bản thảo này, với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng. Điều đáng chú ‎ý là số phiếu thuận đã giảm đi nhiều so với các nghị quyết trước đây và trong số đó không có Mỹ. Ngược lại Mỹ đã lần đầu tiên bỏ phiếu chống cùng với Nga.

Mỹ cũng đã phải bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết khác do chính Mỹ soạn thảo về Ukraine tại Đại hội đồng, vì đã bị chỉnh sửa theo yêu cầu của một số nước châu Âu.

Dẫu vậy, Mỹ đã trình bày một dự thảo nghị quyết khác mang tính trung lập hơn nhiều tại Hội đồng Bảo an và nghị quyết của Mỹ trình bày đã không bị Nga phủ quyết. Dorothy Shea – đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc cho biết: “Như Tổng thống Donald Trump đã nói rõ, Mỹ cam kết chấm dứt cuộc chiến này. Chúng ta phải đạt được một nền hòa bình lâu dài. Mỹ không hề ảo tưởng. Chúng tôi nhận ra rằng sẽ rất khó khăn để đạt được một thỏa thuận, nhưng đã đến lúc Nga và Ukraine phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và chấm dứt chiến tranh.”

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, đã những thay đổi mang tính xây dựng trong lập trường của Mỹ về cuộc xung đột. Dù nghị quyết chưa phải là lý tưởng, nhưng là điểm khởi đầu cho những nỗ lực trong tương lai hướng tới giải pháp hòa bình.

Khác với Nga, các đồng minh phương Tây lại cảm thấy “khó xử” trước các bước đi của đồng minh Mỹ. Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vẫn chưa thể ra một tuyên bố chung, như mọi khi, nhân thời điểm 3 năm cuộc xung đột Ukraine, do những bất đồng.

Tuy nhiên, những bất đồng của châu Âu và Mỹ về Ukraine có thể được thu hẹp qua các chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer.

Thay vì thuyết phục Mỹ rằng đàm phán với Nga không phải là giải pháp tốt nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua thừa nhận, có thể có thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên trong vài tuần tới, nhưng cần có những đảm bảo an ninh tốt nhất cho Ukraine và an ninh châu Âu.

“Chúng tôi muốn hòa bình. Những hãy cẩn thận vì chúng ta cần một điều gì đó đáng kể cho Ukraine, vì an ninh của châu Âu và Pháp. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc về tương lai để bảo vệ các đảm bảo an ninh. Chúng ta cần chắc chắn rằng hòa bình này sẽ được Nga tôn trọng. Đầu tiên là có một thỏa thuận ngừng bắn. Tôi nghĩ điều đó có thể được thực hiện trong những tuần tới. Trong thời gian này, chúng ta phải đàm phán với Mỹ, với các đồng minh, với Ukraine về loại bảo đảm an ninh nào là hợp lý. Có một đề xuất của Pháp-Anh nhằm nêu rõ rằng chúng tôi sẵn sàng gửi quân, không phải ra tiền tuyến, không phải đối đầu, mà là có mặt ở một số địa điểm được xác định trong hiệp ước như một sự hiện diện để duy trì hòa bình, với sự hỗ trợ và bảo vệ của Mỹ”.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ xác nhận, Nga có thể chấp nhận ý tưởng châu Âu gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn như vậy. Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin hôm qua xác nhận, sẽ không có vấn đề gì khi có châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới: “Tổng thống Mỹ muốn làm gì ư? Với tôi, có vẻ như ông ấy muốn cải thiện tình hình ở Ukraine, củng cố xã hội và tạo điều kiện cho sự tồn tại của nhà nước Ukraine. Nói chung, điều này không hẳn là vì lợi ích của Nga. Nó có lợi cho chính Ukraine. Tôi không thấy có gì sai với sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán về Ukraine. Có lẽ không ai ở đây có thể yêu cầu bất cứ điều gì, đặc biệt là từ Nga. Hãy để họ các nước châu Âu yêu cầu điều đó từ người khác.”

Từ khóa: ukraine, hòa bình, xung đột ukraine nga, nỗ lực hòa bình cho ukraine, thúc đẩy hòa bình tại ukraine, mỹ thay đổi lập trường, chiến tranh nga ukraine, mỹ đồng ý với nga, liên hợp quốc

Thể loại: Thế giới

Tác giả: đình nam/vov1 tổng hợp

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan