Xung đột ở Ukraine đã mở “chiếc hộp Pandora” ở châu Âu

Cập nhật: 23/07/2024

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã mở "chiếc hộp Pandora" ở châu Âu và hiện nay các vũ khí tấn công mới đang được phát triển.

Mở “chiếc hộp Pandora” ở châu Âu

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã sử dụng các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như các UAV tấn công một chiều để nhắm vào các thành phố của Ukraine, và có sự thừa nhận rằng Nga có thể chống lại phương Tây bằng những khả năng mà phương Tây đã để mai một.

Những cuộc tấn công sâu này và các yếu tố khác của cuộc xung đột đã thức tỉnh châu Âu và Mỹ, mở "chiếc hộp Pandora" cho nhiều khả năng quân sự hơn, một chuyên gia về kiểm soát vũ khí nhận định với Business Insider. Theo đó, những vũ khí mới đang đến và hoạt động triển khai chúng ở châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại về sự leo thang chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.

Đầu tháng này, Mỹ và một số đồng minh NATO đã thông báo nhiều kế hoạch liên quan đến các năng lực tấn công tầm xa.

Đầu tiên, Mỹ cho biết nước này sẽ đặt hỏa lực tầm xa mới ở Đức bắt đầu từ năm 2026 với các đợt triển khai theo từng giai đoạn "như một phần của kế hoạch duy trì hoạt động của các lực lượng này trong tương lai". Các loại vũ khí thông thường bao gồm SM-6, Tomahawk và vũ khí siêu thanh đang phát triển, “có tầm bắn xa hơn đáng kể so với các loại vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu”.

Không lâu sau, một số quốc gia châu Âu đã ký một sáng kiến chung để phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mới. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết đây "rõ ràng là phân khúc mà chúng tôi không có". Ba Lan, Đức và Italy cũng đồng ý với kế hoạch này và cho biết họ có ý định thu hút thêm đồng minh.

Những kế hoạch như vậy cho thấy Mỹ và một số đồng minh lớn nhất của nước này ở châu Âu đang đặt cược tất cả vào các vũ khí tầm xa và một số quan chức trực tiếp chỉ ra rằng, động thái này có liên hệ với những gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine.

"Cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy các cuộc tấn công tầm xa là vấn đề then chốt cho phòng thủ của châu Âu", ông Lecornu nhận định trên mạng xã hội X.

Cuộc xung đột này đã cho thấy những điểm yếu và khoảng trống về năng lực của châu Âu trước nguy cơ gây hấn từ Nga.

"Những quốc gia này biết các vũ khí tầm xa đóng vai trò quan trọng" thậm chí trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã "mở chiếc hộp Pandora cho ngày càng nhiều bước đi quân sự", ông Hans Kristensen-  Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ nhận định.

Năng lực tấn công tầm xa theo quy ước sẽ hữu ích trong việc nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương. Chúng cũng có thể tạo nên khác biệt to lớn về mặt chiến dịch và chiến lược, đặc biệt nếu được sử dụng để cắt đứt các tuyến hậu cần và trung tâm chỉ huy của kẻ thù. Sự xuất hiện của chúng đủ mức độ đe dọa để ngăn chặn các hành vi gây hấn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là những hệ thống vũ khí này có nguy cơ leo thang căng thẳng, xét trên cả sự hiện diện của chúng và cách chúng được sử dụng. Sẽ có nguy cơ xảy ra "tình thế leo thang đáp trả", chuyên gia Kristensen nói. Ngoài ra, những vũ khí này có thể được sử dụng ngay lập tức và chúng có thể gây nhầm lẫn cho một cường quốc hạt nhân không chắc chắn về lượng chất nổ mà nó mang theo.

Trong hàng thập kỷ, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Mỹ và Nga đã cấm phát triển các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm hoạt động từ 500 - 5.500km để ngăn cản hai bên leo thang căng thẳng thành một cuộc xung đột toàn diện. Hiệp ước này là một dấu mốc quan trọng để giữ các vũ khí này ngoài châu Âu nhưng Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước năm 2019 sau khi cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước vì phát triển và thử nghiệm hệ thống tên lửa SSC-8/9M729. Moscow đã phủ nhận cáo buộc và sau đó cũng rút khỏi Hiệp ước, ngay lập tức mở đường cho hai bên tăng cường phát triển các vũ khí mới.

Vũ khí tấn công tầm xa

Các kế hoạch tên lửa tầm xa mới của Ba Lan, Đức, Pháp và Italy tiếp nối hoạt động của Mỹ nhằm nhanh chóng phát triển các hệ thống tấn công tầm xa mới. Mỹ đã lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa từng bị cấm trước đó vào đúng tháng mà nước này rút khỏi Hiệp ước INF.

Trong số các hệ thống đang hoạt động, Typhon - sử dụng bệ phóng từ mặt đất để triển khai tên lửa Standard Missile 6 (SM-6) và Tomahawk, đã trở thành ưu tiên hàng đầu và vũ khí siêu thanh tầm xa của Lục quân cũng đang được phát triển mặc dù đối mặt với một số trì hoãn và vấn đề ngân sách.

Những nỗ lực của châu Âu trong việc phát triển các hệ thống vũ khí tấn công tầm xa mới cho thấy sự thay đổi quan trọng về suy nghĩ. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia châu Âu đã bỏ qua sự thay đổi lớn hơn theo hướng nhu cầu về khả năng tấn công tầm xa, cắt giảm các chương trình tên lửa đất đối đất và chi tiêu quốc phòng lớn hơn trên diện rộng.

Hiện nay, giữa bối cảnh mối lo ngại về hành động của Nga nhằm vào các thành viên NATO vẫn cao và cuộc xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu kết thúc, có một sự dịch chuyển đáng chú ý khi nhiều nước châu Âu thúc đẩy năng lực phòng thủ trong nước thay vì phụ thuộc vào Mỹ. Lý do không chỉ là do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine mà còn là do những lo ngại về việc sự ủng hộ của Mỹ với NATO có thể thay đổi nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

"Người ta hoàn toàn mong đợi rằng các nước châu Âu sẽ phát triển vũ khí của riêng mình và những sáng kiến ​​đã trở nên quan trọng hơn trước nguy cơ ông Trump giảm bớt cam kết của Mỹ với châu Âu", chuyên gia Kristensen nói.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích NATO, thường phàn nàn rằng nhiều quốc gia thành viên không tham gia vào hệ thống phòng thủ chung của liên minh và thậm chí nói rằng ông sẽ để Nga tấn công các thành viên không đóng góp phần ngân sách của họ.

Ukraine và châu Âu lo ngại khi ông Trump chọn phó tướng Vance

VOV.VN - Sau vụ nổ súng ở Pennsylvania, lợi thế trong bầu cử Mỹ nghiêng rõ rệt về phía ứng viên Trump. Đảng Cộng hòa đã chính thức chọn ứng viên Trump cho cuộc bầu cử này, còn ông Trump đã lựa chọn ông Vance đồng quan điểm về vấn đề Ukraine và quan hệ với châu Âu làm phó tướng. Những diễn biến này gây lo ngại sâu sắc cho cả EU và Ukraine.

Từ khóa: ukraine, xung đột ở ukraine, chiếc hộp pandora, quốc phòng châu âu, vũ khí châu âu, vũ khí mỹ, phòng thủ châu âu, vũ khí tầm xa, tên lửa tầm xa

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: kiều anh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập